Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Dak Lak và những nỗ lực cho vóc dáng tương lai

10:21, 09/02/2011

Không gian văn hóa rộng lớn với các nghi thức sinh hoạt cùng nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo; thiên nhiên hùng vĩ với thác cao, hồ rộng đã tạo cho Dak Lak trở thành vùng đất đầy tiềm năng và thế mạnh về du lịch. Làm thế nào đầu tư, khai thác tiềm năng hiệu quả, để Dak Lak trở thành điểm dừng chân lý tưởng là vấn đề mà ngành du lịch Dak Lak đang trăn trở, cần sự nỗ lực, chung tay của chính quyền địa phương, các ngành chức năng cũng như cộng đồng doanh nghiệp. 

Đi thuyền độc mộc tham quan hồ Lak, sản phẩm du lịch thu hút du khách nước ngoài. (Ảnh: L.H)
Đi thuyền độc mộc tham quan hồ Lak, sản phẩm du lịch thu hút du khách nước ngoài. (Ảnh: L.H)

Đầu tư chất lượng cho “điểm đến”
Trong những năm qua, ngành Du lịch (DL) Dak Lak đã có những bước chuyển biến, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nhất là ngành dịch vụ – một ngành được coi là có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn đang còn bộc lộ nhiều yếu kém. Chưa tạo dựng được sản phẩm du lịch đặc thù, còn trùng lắp các loại hình dịch vụ ở các điểm, khu DL. Ngay ở những điểm DL được xem là có thương hiệu như: Buôn Đôn, hồ Lak, cụm thác Đray Nur, Gia Long và các di tích lịch sử, cách mạng (trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột)… sự đầu tư vẫn chưa tương xứng. Đơn cử như ở Buôn Đôn, khá nổi tiếng với DL đua voi, cưỡi voi, nhưng các đơn vị chỉ mới chú trọng khai thác mà thiếu hẳn sự quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ đàn voi nhà đang ngày càng giảm sút về số lượng cũng như chất lượng. Có nghĩa là yếu tố bền vững chưa được các nhà đầu tư du lịch coi trọng. Ngoài Voi, DL Dak Lak còn nổi tiếng về thác cao, hồ rộng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do sự phát triển của hệ thống thủy điện trên dòng sông Sêrêpôk đã làm cho nhiều thác nước như Dray Nur, Gia Long, Dray Sáp…vốn nổi tiếng là hùng vĩ nhất Tây Nguyên thì nay thiếu nước ngay cả trong mùa mưa. Cũng cùng số phận với nhiều thác nước, nhiều hồ lớn được quy hoạch làm DL như hồ Lak, Ea Kao, Ea Nhái… trong nhiều năm qua vẫn chỉ là những hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chứ chưa được đầu tư bài bản để trở thành điểm DL thu hút khách. Bên cạnh đó, việc mở các tuyến, điểm DL mới còn chậm triển khai. Được biết từ năm 2004, Tổng cục Du lịch đã từng khảo sát mở tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên” xuyên suốt 5 tỉnh Tây Nguyên; tiếp đến là ngành du lịch Dak Lak tổ chức khảo sát mở tour du lịch “Chinh phục đỉnh Chư Yang Sin”; hay các doanh nghiệp du lịch kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê để mở tour du lịch cà phê… nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy hoặc khó khả thi. Một bất ổn nữa trong đầu tư của ngành du lịch Dak Lak hiện nay như nhận xét của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Anh Tuấn là “Đầu tư ngược”. Các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến đầu tư cho hệ thống nhà hàng, khách sạn, trong khi các điểm, khu du lịch lại đang ngày càng xuống cấp và ít được đổi mới. Trong khi Lâm Đồng rất thành công với Đà Lạt – Thành phố ngàn hoa là thương hiệu Du lịch không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn cả ở nước ngoài nên hầu hết du khách chọn Đà Lạt như một điểm đến của Tây Nguyên. Còn Buôn Ma Thuột vốn nổi tiếng về cà phê thì ngành du lịch vẫn chưa tận dụng được lợi thế này, nhằm tạo dựng sự khác biệt trong sản phẩm du lịch để thu hút khách. 

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đầu tư và Du lịch tỉnh nhìn nhận: Không thể phủ nhận hoạt động du lịch luôn phát triển, doanh thu du lịch liên tục tăng, như năm 2010, ước đạt 200 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với năm 2000. Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa độc đáo, đặc sắc của vùng Tây Nguyên, điều quan trọng là phải xây dựng và “định vị” được thương hiệu DL Dak Lak trên bản đồ DL quốc gia. Muốn định vị được, tất nhiên phải đầu tư cho chất lượng từng điểm đến của DL, có như vậy Dak Lak mới trở thành “điểm đến” của du khách trong và ngoài nước. Đó là sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất; đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp, quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu; tạo dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng cho thế mạnh của địa phương v.v… Điều quan trọng là phải làm sao để DL Dak Lak có bản sắc, tạo ra nét khu biệt trong sản phẩm du lịch, tức là chỉ Dak Lak mới có. “Điểm đến” cần được đầu tư đồng bộ, bài bản, chất lượng.

Tái hiện hoạt động săn bắt thuần dưỡng voi rừng được tổ chức tại Buôn Đôn, một trong những nỗ lực của ngành du lịch trong việc giữ gìn, bảo tồn Văn hóa Voi. (Ảnh: L.H)
Tái hiện hoạt động săn bắt thuần dưỡng voi rừng được tổ chức tại Buôn Đôn, một trong những nỗ lực của ngành du lịch trong việc giữ gìn, bảo tồn Văn hóa Voi. (Ảnh: L.H)

Nâng tầm xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, thương hiệu
Để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng quý giá (về du lịch), từ nhiều năm qua, vấn đề xây dựng hình ảnh, thương hiệu nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành DL đã được chính quyền địa phương quan tâm. Tuy chưa có sự đột phá, nhưng hiện tại ngành DL đã bắt đầu có những chuyển động mạnh mẽ trong vấn đề này. Bằng nhiều hoạt động khác nhau, việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho ngành du lịch Dak Lak đã được thực hiện như tham gia các hội chợ, triển lãm DL, quảng bá hình ảnh thông qua các ấn phẩm… Trong thời gian qua, thông qua các cuộc tiếp xúc, một số cuộc khảo sát giữa ngành DL các địa phương, các đối tác đã có sự hiểu biết sâu sắc về mảnh đất, con người Dak Lak, từ đó nhiều hợp đồng kết nối đã được thực hiện. Bên cạnh đó, việc phối hợp quảng bá hình ảnh, thương hiệu DL giữa các địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng được tận dụng. Hình ảnh những thác nước hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn hay những chú voi tận tụy phục vụ du khách… được trình chiếu trên sóng truyền hình Trung ương và các địa phương đã có tác động không nhỏ đến quyết định của du khách khi lựa chọn điểm dừng chân. Bên cạnh tạo dựng hình ảnh, thương hiệu của một điểm đến hấp dẫn, thời gian qua, việc liên tiếp được đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, các hội thảo kinh tế, khoa học… quy mô lớn, hay ý tưởng xây dựng “Thủ phủ cà phê toàn cầu” của Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Dak Lak ra thế giới. Đặc biệt, năm 2005, UNESCO công nhận “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Dak Lak đã tập trung đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản vô giá này. Đây được xem là điều kiện thuận lợi, thế mạnh cho DL văn hóa phát triển. Tuy nhiên, để Dak Lak thực sự là điểm đến ấn tượng đối với du khách thì công tác xúc tiến đầu tư, xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu cũng cần tiếp tục được quan tâm đúng tầm. Cũng theo ông Huỳnh Ngọc Dương, để thu hút đầu tư cần có một chiến lược dài hơi cho hoạt động này. Các thông tin quy hoạch DL, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh cần được giới thiệu một cách đầy đủ nhất đến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Quảng bá hình ảnh, tiềm năng phải làm sao để nhà đầu tư có được cái nhìn bao quát về các thế mạnh của tỉnh cả về DL sinh thái và văn hóa. Song song đó là việc xác định những sản phẩm DL đặc thù, để đầu tư chiều sâu cho việc xây dựng kế hoạch quảng bá, giới thiệu.
Biểu diễn cồng chiêng cùng với múa dân gian tại Festival Cồng chiêng - Dak Lak năm 2007. (Ảnh: L.H)
Biểu diễn cồng chiêng cùng với múa dân gian tại Festival Cồng chiêng - Dak Lak năm 2007. (Ảnh: L.H)

“Định vị” thương hiệu bằng những sản phẩm DL đặc thù
Trong sự phát triển du lịch, việc tạo sự kiện kết hợp làm mới sản phẩm luôn là yếu tố quan trọng để tạo sức hút với du khách. Ngành du lịch Dak Lak đang nỗ lực vươn đến mục tiêu tự làm mới sản phẩm du lịch mang đậm chất đặc trưng văn hóa - lịch sử vùng đất. Ngoài thương hiệu Voi ở Buôn Đôn, một sản phẩm du lịch được xem là đặc thù, khu biệt đó là “du lịch cà phê” đang được các đơn vị kinh doanh du lịch đầu tư, khai thác. Với ý tưởng biến hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê thành một sản phẩm du lịch độc đáo, một số công ty du lịch lữ hành như Đam San, Dak Lak Touris đã xây dựng lộ trình đưa du khách tham quan, trải nghiệm sản phẩm mới mẻ này tại nhiều điểm như: Công ty cà phê Thắng Lợi, Việt Đức, Phước An… Những vườn cà phê sạch cho năng suất cao, cùng cơ sở chế biến cà phê nhân, cà phê bột của các công ty này đang trở thành địa chỉ hấp dẫn và quen thuộc của du khách khi đến Dak Lak. Không dừng lại ở chỗ  thăm thú, thưởng ngoạn cà phê trong các vườn cây, cơ sở chế biến, nhiều tour du lịch lữ hành đã từng bước dẫn dắt du khách tìm hiểu, nghiên cứu và khám phá các giá trị  văn hóa, lịch sử liên quan mật thiết đến cà phê. Và điểm dừng chân hấp dẫn luôn là Làng cà phê Trung Nguyên. Ngoài việc thưởng thức cà phê, khách còn có cơ hội thư giãn trong khoảng không gian rộng lớn với những bản nhạc về Tây nguyên, được thưởng ngoạn vườn cà phê thu nhỏ và cả một bảo tàng mini trong nhà dài của người Êđê với nhiều hiện vật đặc tả đời sống các dân tộc thiểu số ở đây… Chị Nguyễn Thị Phương Hiếu, Phó phòng Dịch vụ Du lịch, Sở VH-TT-DL cho biết: “Chúng tôi đang đẩy mạnh xây dựng các tour du lịch cà phê với nỗ lực để nó trở thành sản phẩm DL đặc thù bởi đây là thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, phối hợp các bên liên quan khôi phục những sinh hoạt văn hóa dân gian, lễ hội và các làng nghề truyền thống của đồng bào địa phương nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới với những nét đặc trưng riêng để đưa vào các tour du lịch. Cụ thể, đã phục dựng được lễ cưới của người M’nông ở huyện Lak, lễ cúng cơm mới của người Êđê ở huyện Krông Buk”. Độc đáo, mới mẻ, nhưng những sản phẩm du lịch nói trên vẫn chưa đến nơi đến chốn hoặc ở mức  thử nghiệm. Chính vì vậy, cần sự nỗ lực, chung tay của các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để những sản phẩm DL này thực sự hoàn chỉnh, đủ sức “định vị” thương hiệu cho DL Dak Lak.

Ngoài nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp trong chiến lược đầu tư, để DL Dak Lak có được vóc dáng tương lai đòi hỏi chính quyền địa phương và ngành chức năng có một tầm nhìn chiến lược và kế hoạch thực hiện với những bước đi chắc chắn, trên cơ sở đó tạo cú hích cho DL phát triển. Dak Lak với tiềm năng phong  phú về cảnh quan thiên  nhiên, về văn hóa vật thể và phi vật thể, nếu được đầu tư đúng tầm, khai thác đúng hướng, chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách.

Du lịch Dak Lak được biết đến với các điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách như:
1. Khu du lịch Bản Đôn (huyện Buôn Đôn). Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 40km, với nhiều thắng cảnh đẹp như: thác Bảy nhánh, Cầu treo, hồ Dak Minh, Nhà sàn cổ, Mộ vua voi… Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ bản sắc văn hoá dân tộc của các buôn làng với các bến nước, nghề dệt thổ cẩm…
2. Hồ Lak (thị trấn Liên Sơn, huyện Lak): Cách TP. Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía Nam, theo quốc lộ 27 đi Đà Lạt. Nơi đây đang là điểm du lịch sinh thái độc đáo thu hút du khách trong và ngoài nước, với một vẻ đẹp tự nhiên thơ mộng của núi rừng và buôn làng Tây Nguyên.
3. Thác Đray Nur (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana): Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 25 km về hướng Nam. Thác Đray Nur hiện được xem là một trong những thác nước hùng vĩ nhất Tây Nguyên trên dòng Sêrêpốk.
4. Thác Thủy Tiên: Nằm cách xã Tam Giang (huyện Krông Năng) khoảng 7km về hướng Đông Bắc. Du khách sẽ được thả hồn mình trong tiếng suối reo giữa núi non bao la, hùng vĩ.
 5. Vườn Quốc gia Chư Yang Sin: Nằm trên ranh giới giữa hai huyện Lak và Krông Bông, tỉnh Dak Lak, cách TP. Buôn Ma Thuột 60km về phía Đông Nam. Nơi đây ẩn chứa bao điều kỳ thú, hấp dẫn khách du lịch, nhất là những nhà nghiên cứu khoa học bởi sự độc đáo và phong phú của tài nguyên thiên nhiên…

Lê Hồng Giang

 


Ý kiến bạn đọc