Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc trẻ bị bệnh tiêu chảy tại nhà

14:41, 23/04/2010

Khi bị tiêu chảy, cơ thể sẽ mất nước và điện giải. Điều này rất nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ đây là nguyên nhân hàng đầu khiến cho trẻ bị suy dinh dưỡng. Biểu hiện đầu tiên của bệnh tiêu chảy là trẻ đi cầu liên tục, mất nước, có thể sốt nhẹ và nôn mửa.
Hiện nay, đã có nhiều biện pháp điều trị bệnh tiêu chảy hiệu quả mà đơn giản tại nhà theo 3 nguyên tắc sau:


1.Cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày để ngừa mất nước do tiêu chảy:
Cho trẻ uống đủ lượng nước Oresol ngay khi mới bị tiêu chảy. Cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt và mỗi lần bú nên lâu hơn. Nếu trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ thì chỉ cần sữa mẹ là đủ. Các trường hợp khác nên cho trẻ uống thêm các loại nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, nước cam và nước dừa… Tuyệt đối không cho trẻ uống các loại nước có gas, nước ép trái cây quá ngọt.
Cách pha dung dịch oresol: một gói oresol pha với 1 lít nước sôi để nguội và tùy theo lứa tuổi mà cho trẻ uống (lượng nước uống có ghi trên gói oresol). Oresol là dung dịch điện giải, không có tác dụng cầm tiêu chảy nhưng giúp bù lại lượng nước và các chất điện giải bị mất qua phân. Khi pha chế cần tuân thủ đúng hướng dẫn về cách pha, cách sử dụng của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn ghi trên gói oresol.


2. Cho trẻ ăn và bú nhiều hơn thường ngày:
Nếu trẻ còn bú mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần hơn và mỗi lần bú lâu hơn. Cho trẻ ăn thành nhiều bữa, thêm ít nhất hai bữa so với những ngày không bị bệnh. Nếu trẻ còn bú bình nên dùng muỗng đút sữa cho trẻ.
Về thực phẩm, nên cho trẻ ăn đủ bốn nhóm gồm bột đường (gạo, ngô, khoai, sắn), đạm (thịt, cá, trứng…), vitamin và chất khoáng (rau, trái cây các loại), quan trọng đừng quên nhóm dầu mỡ. Thức ăn cần nấu nhừ, cho trẻ ăn thêm trái cây tươi như nho, xoài, chuối,… Nói chung các thức ăn đều cho trẻ ăn bình thường, phù hợp với lứa tuổi. Không kiêng ăn, kiêng sữa, không cần pha loãng sữa. Một số người chăm sóc trẻ nghĩ khi trẻ bị tiêu chảy không nên cho trẻ ăn gì để ruột nghỉ ngơi hay có người lại cho trẻ uống những thứ nước chát như nước chè, nước lá ổi,… Điều này là hết sức sai lầm và rất nguy hiểm. Trên thực tế, dù trẻ bị tiêu chảy nhưng vẫn còn khả năng hấp thu hơn 70% chất dinh dưỡng.
Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng giúp trẻ phục hồi và tăng sức đề kháng cho cơ thể.


3.Cho trẻ tái khám đúng hẹn:
Nếu bác sĩ hẹn tái khám thì người chăm sóc trẻ cần đưa trẻ đến đúng lịch.


Trong thời gian chăm sóc trẻ tại nhà, nếu trẻ có một trong những biểu hiện như bỏ ăn, bỏ bú, mệt và bệnh nặng thêm, ói liên tục, sốt, đi cầu phân có máu, li bì khó đánh thức hay bị co giật cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Vi rút tiêu chảy vào cơ thể theo đường ăn uống nên cách phòng bệnh tốt nhất là ăn chín, uống sôi, không sử dụng thực phẩm có biểu hiện ôi, thiu, quá hạn sử dụng; rửa tay bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn và chăm sóc trẻ; phan và rác thải của trẻ phải đổ vào nhà tiêu và phải được khử trùng đúng cách.

Hồng Vân (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc