Methanol – chất gây ngộ độc rượu
Thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp ngộ độc do uống rượu có pha cồn công nghiệp methanol khiến không ít nạn nhân đã tử vong.
Đáng lo ngại là hiện nay tại những xã vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên có nhiều loại rượu tự nấu của người dân chứa một lượng lớn độc tố Methanol đang được bày bán công khai khắp nơi.
Methanol là một loại rượu có độc tính cao thường gặp trong chất dung môi dùng lau kính xe, chất cống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, dung dịch mực in cho máy photocopy, nhiên liệu cho các bếp lò nhỏ, dùng pha sơn, và như một chất dung môi công nghiệp. Giống như trường hợp của ethylene glycol, diễn tiến lâm sàng của ngộ độc methanol xảy ra nhiều giờ sau khi uống. Trong khi methanol chỉ gây ngộ độc nhẹ, những chất chuyển hóa của nó lại có độc tính rất cao, gây mù mắt và khả năng tử vong.
Methanol (còn được gọi là methyl alcohol hay rượu gỗ) là một rượu đơn có công thức hóa học CH3OH, trọng lượng phân tử 32,04, tỷ trọng 0,81 và nhiệt độ sôi 65oC. Methanol hấp thu dễ dàng qua ruột, da và phổi. Nồng độ huyết thanh cao nhất xảy ra 30 – 60 phút sau khi uống. Triệu chứng đầu tiên của ngộ độc methanol xảy ra từ 12 giờ đến 24 giờ sau khi uống rượu, có thể giống ngộ độc ethanol và bao gồm các triệu chứng chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn và đau bụng. Các triệu chứng thay đổi đa dạng và chuyển hóa càng lúc càng nặng hơn, những trường hợp nặng có thể gây tử vong.
Ngộ độc methanol khó chẩn đoán khi không khai thác được tiền sử uống rượu. Chẩn đoán đòi hỏi phải có các yếu tố lâm sàng lẫn kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, thường rất khó phân biệt ngộ độc methanol hoặc ethylene glycol về phương diện lâm sàng. Việc điều trị gồm xử lý tình trạng toan chuyển hóa, ức chế chuyển hóa của methanol và tăng cường đào thải những hợp chất chưa chuyển hóa cùng những chất chuyển hóa độc hại đang tồn đọng trong cơ thể. Cần chú ý bồi hoàn nước điện giải, bảo đảm thông khí, điều trị các rối loạn nặng về thần kinh và tim mạch như tụt huyết áp và co giật. Điều trị kháng độc nhằm mục đích làm chậm trễ quá trình chuyển hóa cho đến khi methanol được đào thải khỏi cơ thể một cách tự nhiên hoặc bằng thẩm phân máu.
Ngộ độc rượu để lại hậu quả rất nặng nề cho sức khỏe con người. Uống rượu nhiều đã nguy hiểm nhưng uống rượu có chất gây ngộ độc như methanol lại càng nguy hiểm hơn. Hiện nay tình trạng người dân nấu rượu pha với methanol để tăng độ nặng của rượu rất phổ biến. Đáng nói là rất khó để phân biệt loại rượu này với rượu nấu thông thường, nên khi uống xảy ra tình trạng loạng choạng, hoa mắt... nhiều người thường nghĩ là say rượu, chỉ nằm nghỉ vài tiếng là hết say. Ngộ độc rượu pha methanol mà không được cấp cứu kịp thời sẽ khiến người bệnh rơi vào tình trạng rối loạn điện giải, tím tái, hôn mê, tụt huyết áp và có thể tử vong.
Ý kiến bạn đọc