Multimedia Đọc Báo in

Cách hạn chế bệnh đái tháo đường ở trẻ nhỏ

16:02, 17/10/2010

Bệnh tiểu đường ở trẻ em tuy hiếm gặp nhưng biến chứng hôn mê có thể diễn tiến nặng, đưa đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, khi thấy trẻ có những triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều thì cần đưa trẻ đến khám ngay tại cơ sở y tế.

Theo các chuyên gia y tế, cách hạn chế tốt nhất bệnh đái tháo đường là áp dụng một chế độ ăn lành mạnh, khoa học, giàu chất xơ và tăng cường vận động cho trẻ. Với trẻ mắc đái tháo đường type I, cha mẹ nên đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ, không nên bắt trẻ kiêng khem quá mức. Trẻ mắc đái tháo đường type I vẫn có thể phát triển bình thường nếu được tiêm đủ insulin và chế độ ăn uống thích hợp. Trẻ mắc đái tháo đường nên hạn chế bánh kẹo, sôcôla, nước cốt dừa, đặc biệt, không nên dùng nước ngọt có gas. Các bậc cha mẹ nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày vì nếu ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao. Đồng thời, nên thường xuyên kiểm tra nồng độ đường trong máu của trẻ để có giải pháp thích hợp.

Ngoài chế độ ăn lành mạnh, việc tập cho trẻ vận động cũng là cách giúp trẻ giảm được lượng đường trong máu. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, chế độ vận động luyện tập thể dục thể thao đóng một vai trò quan trọng. Trẻ giảm được cân cũng có nghĩa là đã giảm được lượng đường trong máu. Do đó, khi chế biến bữa ăn cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

- Các thực phẩm không nên ăn: Đường ngọt, bánh kẹo, nước ngọt, kem, nước mía, các loại quả khô ướp đường như mứt, quả ngọt sấy khô như chuối, mít…

- Các thực phẩm nên hạn chế: Các quả chín quá ngọt như mít, na, chuối, nhãn, vải…; các đồ ăn chế biến sẵn như patê, xúc xích, lạp sườn, thịt hun khói…; các món ăn xào rán nhiều mỡ, bánh mỳ, mỳ tôm, cơm, các loại thịt nhiều mỡ, bơ, pho mát…

- Các thực phẩm nên ăn: Ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau xanh (bắp cải, rau cần, rau bí, rau muống…) và quả chín ít ngọt như dưa chuột, thanh long, bưởi, cam, táo ta, lê, mận…

Hiện nay, trên thị trường đã có rất nhiều sản phẩm sử dụng những loại đường thay thế rất tốt cho người đái tháo đường nên trẻ đái tháo đường cũng không cần thiết phải kiêng đường hoàn toàn. Ngoài ra, nếu trẻ đái tháo đường buộc phải theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, trẻ có khả năng bị thiếu một số chất dinh dưỡng. Trong trường hợp này, các chuyên gia y tế khuyên nên cho trẻ sử dụng các thực phẩm bổ sung có nhiều chất xơ và vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là những sản phẩm dành cho người thừa cân, béo phì và phải dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

K.O (nguồn VTV)


Ý kiến bạn đọc