Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh khi thay đổi thời tiết

11:15, 13/10/2010

Thời tiết thay đổi bất thường, lúc nắng lúc mưa, trời chuyển se lạnh vào đêm và sáng sớm, trong khi đó nhiệt độ trong ngày chênh nhau nhiều đã khiến nhiều người mắc các bệnh liên quan đến thời tiết. Dưới đây là cách nhận biết và phòng chống một số bệnh nói trên.

Bệnh cảm cúm

Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm hô hấp cấp do virut cúm gây ra. Bệnh lây truyền từ người bị cúm sang người chưa nhiễm khi những hạt nước nhỏ li ti có chứa siêu vi cúm bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc trực tiếp. Những đối tượng dễ mắc cảm cúm là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người có sức miễn dịch kém. Bệnh xảy ra quanh năm, song tần suất bệnh cao nhất trong khoảng thời gian từ đầu mùa thu đến cuối mùa xuân. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, ẩm thấp đột ngột, cơ thể không điều tiết thích ứng kịp thời nên dễ mắc cảm cúm.

 

Khi bị cảm cúm cần đến khám tại cơ sở y tế, khọng nên tự mua kháng sinh để điều trị. Ảnh minh họa
Khi bị cảm cúm cần đến khám tại cơ sở y tế, không nên tự mua kháng sinh để điều trị. Ảnh minh họa

Triệu chứng lâm sàng của cảm cúm thường xuất hiện 1-3 ngày sau nhiễm virut. Triệu chứng đầu tiên là sốt, đau hay rát họng, sau đó là ngạt mũi và chảy nước mũi. Triệu chứng đau họng thường qua đi rất nhanh, còn triệu chứng ngạt mũi và chảy nước mũi nặng hơn vào ngày thứ 2 và thứ 3. Đau nhức toàn thân. Ho thường xuất hiện sau khi có triệu chứng ở mũi. Các biểu hiện lâm sàng của cảm cúm thường giới hạn ở đường hô hấp trên. Thông thường, cảm cúm kéo dài trong 1 tuần. Do bệnh cảm cúm thường có nhiều biểu hiện nhẹ với các triệu chứng rất phổ biến như sốt, ho dai dẳng trong một vài ngày nên nhiều người chủ quan cho rằng bệnh sẽ tự khỏi, ít đến cơ sở y tế khám. Tuy nhiên, nếu không điều trị hoặc điều trị quá muộn, bệnh cảm cúm cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp. Nguy hiểm nhất là hội chứng Reye ở trẻ em (hội chứng Reye rất ít gặp nhưng biến chứng rất trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao). Hội chứng Reye hay xảy ra với trẻ từ 2 đến 16 tuổi và xuất hiện sau khi trẻ bị cúm vài ngày.  Khi các triệu chứng cúm có vẻ như đang bớt dần, trẻ đột nhiên buồn nôn và nôn mửa, sau đó khoảng 1-2 ngày, trẻ lờ đờ hoặc mê sảng, giật kinh phong  rồi đi dần vào hôn mê và có thể tử vong rất nhanh. Do vậy, khi có các triệu chứng của cảm cúm cần điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ, không nên coi thường bệnh mà nguy hại cho sức khoẻ.

Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp khi bị cảm cúm tự ý mua các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt về uống mà không đến cơ sở y tế khám. Điều này hết sức nguy hiểm bởi kháng sinh chỉ tiêu diệt hoặc kìm hãm được các vi khuẩn chứ không có tác dụng đối với virut nên việc tự điều trị kháng sinh với cảm cúm là không đúng và sẽ không giúp bệnh thuyên giảm. Hơn nữa, biểu hiện chính của bệnh cúm là sốt, ho, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên nếu chưa chẩn đoán chính xác được bệnh mà tự ý điều trị bằng kháng sinh càng khiến bệnh diễn tiến nặng hơn cũng như làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Đồng thời, người dùng kháng sinh cũng có thể phải chịu tác dụng phụ như ban đỏ, tiêu chảy trong khi bệnh cúm vẫn không khỏi. Thuốc kháng sinh chỉ được dùng nếu có biểu hiện của nhiễm khuẩn và phải dùng theo chỉ định của thầy thuốc.

Theo các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh cảm cúm lây truyền do virus cúm từ người bệnh phát tán vào môi trường xung quanh, gia tăng mạnh trong thời gian này là do thời tiết trở lạnh. Để phòng chống bệnh cảm cúm, mọi người cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân; hạn chế tiếp xúc với người bệnh, tránh đến chỗ đông người khi có dịch cảm cúm; Ăn uống đủ chất, tăng cường bổ sung vitamin cho cơ thể...; Người bị cảm cúm cần nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh để tránh lây lan virut.

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng có thể gặp quanh năm nhưng những lúc thời tiết chuyển mùa bệnh thường xuất hiện nhiều hơn nhất là mùa nóng chuyển sang lạnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ chiếm nhiều hơn là ở tuổi trưởng thành và cả ở người cao tuổi. Viêm mũi dị ứng tuy không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng thường kéo dài và gây nhiều phiền toái, khó chịu.

Bệnh viêm mũi dị ứng có liên quan mật thiết đến hiện tượng dị ứng, nhất là ở người có cơ địa dị ứng. Chính vì vậy có một số giả thuyết giải thích về nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp vật lạ (kháng nguyên hay còn gọi là dị nguyên) đối với cơ thể. Một số dị nguyên có khả năng gây nên viêm mũi dị ứng như bụi, phấn hoa, lông chó, mèo, bào tử nấm (nấm mốc)... Những dạng này rất phổ biến ở nước ta và chúng thường đóng vai trò như một kháng nguyên không hoàn toàn (Hapten) khi gặp kháng thể (có trong cơ thể) tương ứng thì xảy ra hiện tượng phản ứng tức thì. Hiện tượng phản ứng dị ứng tức thì này xảy ra ngay ở lớp nhầy niêm mạc của hệ thống đường hô hấp trên như mũi, họng, xoang... gây nên hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc mà được biểu hiện  là ngứa, hắt hơi. Hắt hơi là một phản xạ nhanh, nhạy của cơ thể nhằm tống vật lạ ra khỏi vùng niêm mạc mà các dị nguyên vừa mới xâm nhập. Các tác nhân kích thích gây viêm mũi dị ứng cũng có thể theo đường hô hấp nhưng cũng có thể vào cơ thể theo đường khác như qua da  hoặc theo đường ăn uống. Một số triệu chứng điển hình có thể gặp ở hầu hết người bị viêm mũi dị ứng như ngứa mũi, chảy mũi nước, đặc biệt là hắt hơi hàng tràng liền nhất là lúc sáng sớm, vừa mới ngủ dậy.

 

Lông chó là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng. Ảnh minh họa
Lông chó là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng. Ảnh minh họa

Khi viêm mũi dị ứng đã thành bệnh mạn tính thì có thể có hiện tượng nghẹt mũi gần như thường xuyên, ù tai, nhức đầu (những triệu chứng này rất dễ nhầm với viêm xoang). Nhiều trường hợp niêm mạc họng bị kích thích gây viêm còn có kèm theo hiện tượng viêm nhiễm do vi khuẩn gây bệnh cơ hội. Một số trường hợp viêm mũi dị ứng mạn tính kéo dài có thể có  gây nên loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi. Viêm mũi dị ứng lúc chuyển mùa chính là viêm mũi dị ứng theo mùa. Loại viêm mũi dị ứng này tùy thuộc rất lớn vào thời tiết thay đổi theo từng mùa do xuất hiện các loại dị nguyên trong gió như phấn hoa, nấm mốc, các loại bụi nhất là bụi gần các khu công nghiệp, bụi ở vùng có tình trạng vệ sinh  kém. Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không nguy hiểm đến tính mạng và không thuộc bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh cấp cứu nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh và do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của người bệnh. Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị thoả đáng thì nó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm xoang dị ứng, polýp mũi, polýp xoang... Một đặc điểm nữa của bệnh viêm mũi dị  ứng là  trong điều trị cũng còn gặp không ít khó khăn và bệnh hay tái phát. 

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để góp phần hạn chế bị viêm mũi dị ứng không nên nuôi chó, mèo trong nhà (nếu không thể không nuôi thì nên hạn chế đến mức tối đa tiếp xúc với chúng. Đồng thời, cần vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng; giữ cho nhà ở thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển. Ngoài ra, cần vệ sinh răng miệng hàng ngày nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy; hạn chế đến mức tối đa  hút thuốc lá, thuốc lào; tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với với bụi. Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh nhất là ở những người có cơ địa dị ứng thì cần giữ ấm cơ thể như mặc đủ ấm, cổ nên được quàng khăn ấm. Khi nghi ngờ bị bệnh viêm mũi dị ứng nên đi khám bác sĩ, tốt nhất là khám bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc