Bệnh tay, chân, miệng đã lan rộng ra cả nước
Chiều 14-10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến thời điểm này dịch bệnh tay, chân, miệng (TCM) đã lan ra 63/63 tỉnh thành phố. Hai địa phương cuối cùng ghi nhận bệnh nhân mắc TCM là Tuyên Quang và Cao Bằng.
Ghi nhận thêm 11 trẻ em tử vong do TCM
Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, tính từ cuối tuần trước đến nay, cả nước đã ghi nhận thêm hơn 5.200 trường hợp mắc bệnh TCM và 11 trường hợp tử vong do bệnh này. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết hiện bệnh TCM đã lan ra 63/63 tỉnh, thành. Như vậy, dịch TCM đã lan ra 63/63 tỉnh, thành phố với lũy tích từ đầu năm đến nay là 71.472 trường hợp mắc, trong đó có 130 trường hợp tử vong tại 26 tỉnh, thành phố. Các trường hợp mắc và tử vong do TCM vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam chiếm 67,8% số mắc và 89,2% số tử vong của cả nước. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số trẻ mắc các triệu chứng như TCM nhập viện các bệnh viện ở Hà Nội có chiều hướng tăng cao.
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, sở dĩ có sự gia tăng tỷ lệ bệnh nhân mắc TCM bất thường này là do thống kê có bổ sung số trường hợp mắc và tử vong của 7 tỉnh, thành phố chưa kịp báo cáo trong 2 tuần trước đó. Thống kê trong mấy tuần nay cũng cho thấy, số trẻ mắc TCM trong tuần đã có xu hướng giảm dần nhưng giảm chưa nhiều. Trên thực tế, các tỉnh trước đây có số mắc nhiều đều đã có dấu hiệu giảm. Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh giảm từ 500 ca/tuần xuống còn 250-300 ca/tuần; Bình Dương hiện chỉ còn khoảng 60 ca/tuần so với trước đó là 100-110 ca/tuần trước đó…
Số trẻ mắc bệnh TCM vẫn tiếp tục tăng trên cả nước. Ảnh: TL |
Đã đến lúc công bố dịch?
Liên quan đến việc có công bố dịch TCM hay không, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng khẳng định, việc công bố hay không công bố dịch cần phải tuân thủ theo đúng quy định. Bởi, TCM thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B nên thẩm quyền công bố dịch thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh theo đề nghị của giám đốc sở y tế. Bộ Y tế chỉ tiến hành công bố dịch khi có từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã công bố dịch. Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định rõ, việc công bố dịch truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi hội đủ hai điều kiện. Thứ nhất là số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số bệnh nhân dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Thứ hai là có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong cao mà chưa xác định rõ tác nhân gây bệnh, chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; dịch bệnh xảy ra khi có thiên tai, thảm họa. Vì thế, việc công bố dịch hoàn toàn là sự chủ động của các địa phương dựa trên thực tế tình hình dịch bệnh tại địa phương mình. Trong trường hợp các địa phương đang xảy ra dịch TCM tại tuyến xã, huyện không kiểm soát và khống chế được bệnh TCM thì có thể đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tiến hành công bố dịch tại xã.
Còn theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Nguyễn Trần Hiển thì, việc công bố dịch hay không không phải là vấn đề quan trọng, mà quan trọng là tập trung mọi nguồn lực, lực lượng để chống dịch. Bệnh TCM có đặc điểm rất phức tạp: bệnh lây truyền theo đường tiêu hoá do nhiều vi rút trong nhóm vi rút đường ruột gây ra, tỷ lệ người lành mang trùng cao, chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu, dự phòng chủ yếu là thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân… Do đó, trong thời gian tới dịch có thể vẫn diễn biến phức tạp và bệnh có thể vẫn xảy ra tản phát ở nhiều nơi. Việc kiểm soát sự lây lan dịch phụ thuộc vào sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là việc thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân trong chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi của các bà mẹ và người chăm sóc trẻ.
Chặn dịch bệnh TCM: chính quyền các cấp phải vào cuộc
Việc bệnh TCM ran rộng ra tất cả các tỉnh thành trong cả nước và số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng cao cho thấy sự phức tạp của dịch bệnh này. Trong khi đó, các biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM hiện nay tại nhiều địa phương chưa triệt để, quyết liệt, do người dân chưa có ý thức phòng bệnh nên bệnh có nguy cơ lan rộng và kéo dài.
Trước tình hình trên, để chủ động phòng chống và giảm tử vong do bệnh tay chân miệng gây ra, Bộ Y tế đề nghị các địa phương huy động chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể xã hội ở địa phương quyết tâm ngăn chặn sự lây lan của bệnh tay chân miệng. Đồng thời, làm rõ vai trò của chính quyền cơ sở, phát huy vai trò của Tổ trưởng Tổ tự quản trong hướng dẫn kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng, chống bệnh TCM tại các hộ gia đình, đặc biệt các hộ có trẻ dưới 5 tuổi.
K.O (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc