Multimedia Đọc Báo in

Bệnh đái tháo đường và cách phòng ngừa

16:53, 16/11/2011

Đái tháo đường là một bệnh mạn tính, nếu thường xuyên tập luyện thể lực sẽ giúp kiểm soát đường máu tốt hơn, giúp kiểm soát được cân nặng cơ thể và hạ thấp nồng độ mỡ trong máu. Tuy nhiên, nếu người bệnh đái tháo đường không kiểm soát tốt, bệnh có thể gây ra các biến chứng, như: hôn mê, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, giảm thị lực, suy thận, gây loét bàn chân….

Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới, trên 90-95% trường hợp mắc bệnh đái tháo đường thường gặp ở những người trưởng thành, có độ tuổi từ 45 tuổi trở lên nếu gia đình có cha, mẹ, anh chị em ruột  mắc bệnh đái tháo đường, bản thân có tiền sử tăng huyết áp và thừa cân hoặc béo phì… cũng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Theo thống kê ban đầu của Khoa nội tiết (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh), qua khám sàng lọc đái tháo đường cho gần 100 người tại xã Hòa Hiệp (Cư Kuin) mới đây đã phát hiện gần 20 trường hợp có nguy cơ cao và tập trung ở độ tuổi từ 30 đến 64 tuổi, trong đó có 1 bệnh nhân đái tháo đường. Những người tham gia khám sàng lọc hầu hết là phụ nữ, nhưng đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường chiếm tỷ lệ cao lại rơi vào nam giới và họ chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe cũng như các dấu hiệu mắc bệnh và biến chứng do đái tháo đường gây ra. Bác sĩ Huỳnh Thế Xọn, Trưởng khoa nội tiết (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh) cho biết: Bệnh đái tháo đường có hai tuýp chính là đái tháo đường tuýp 1 và đái tháo đường tuýp 2. Bệnh đái tháo đường tuýp 1 thường gặp ở thanh thiếu niên và lứa tuổi dưới 30 tuổi với các biểu hiện như: luôn cảm thấy khát nước, mệt mỏi, sút cân đột ngột, đi tiểu nhiều. Ở đái tháo đường tuýp 2, giai đoạn muộn có thể có các biểu hiện như đái tháo đường tuýp 1 hoặc có các biểu hiện  khác như nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng da, tiết niệu, các vết thương lâu lành. Nếu không kiểm soát tốt, bệnh có thể gây ra các biến chứng về tim mạch, mắt, thận, suy giảm tình dục, loét bàn chân….

Lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra lượng đường trong máu cho các bệnh nhân trong đợt khám sàng lọc tại xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin.
Lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra lượng đường trong máu cho các bệnh nhân trong đợt khám sàng lọc tại xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin.
Vì vậy, người có tiền sử huyết áp cao và bệnh nhân đái tháo đường cần đến các cơ sở y tế khám bệnh định kỳ để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa các biến chứng do đái tháo đường. Để ngăn chặn hoặc làm chậm sự xuất hiện của các biến chứng đái tháo đường, người bệnh cần phải kiểm soát được các yếu tố nguy cơ như: kiểm soát đường máu trước khi ăn sáng và 2 giờ sau khi ăn, thường xuyên kiểm tra huyết áp và lượng lipid trong máu. Ngoài ra, người bệnh cần biết cách xử lý khi bị hạ đường huyết. Bà Trịnh Thị Vui, thôn Kim Phát, xã Hòa Hiệp (Cư Kuin) chia sẻ: “Tôi có tiền sử bị bệnh cao huyết áp đã gần 7 năm nay nên Bác sĩ khuyên không nên ăn mặn, không ăn nội tạng động vật, mỡ động vật, không uống rượu, bia… Ban đầu, tôi cảm thấy hơi khó thực hiện, nhưng mình có bệnh thì phải kiêng, dần dần tôi cảm thấy có thể thực hiện được”.

Nhằm ngăn ngừa các biến chứng, bệnh nhân đái tháo đường cần phối hợp với các biện pháp điều trị bằng chế độ ăn, luyện tập và dùng thuốc. Đối với chế độ ăn: Khẩu phần ăn cân đối, nên ăn nhiều thức ăn có chất xơ như rau xanh, tránh ăn nhiều thức ăn chứa đường bột và không ăn quá nhiều trong mỗi bữa mà nên chia khẩu phần trong ngày thành 5 đến 6 bữa ăn nhỏ. Đối với chế độ luyện tập: Thường xuyên tập thể dục sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn, kiểm soát cân nặng cơ thể và hạ thấp nồng độ Cholesterol trong máu. Đặc biệt, người bệnh dùng thuốc khi cần theo chỉ định của thầy thuốc để kiểm soát đường máu, mỡ máu và huyết áp.

Hương Xuân

Ý kiến bạn đọc