Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, việc đẩy mạnh hơn nữa công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2006 – 2010, bình quân mỗi năm ghi nhận 189 vụ với khoảng 6.690 người bị ngộ độc, 59 trường hợp tử vong. Mặc dù hàng năm số vụ ngộ độc có giảm đi nhưng mức độ dao động chưa thay đổi nhiều, ngộ độc đông người vẫn tiếp tục xảy ra. Phó Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về ATVSTP. Đầu tiên là các bệnh về ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể còn chưa giảm và diễn biến phức tạp. Thứ hai là thực phẩm nhập lậu qua biên giới rất khó kiểm soát, Thứ ba là tỷ lệ tồn dư các hóa chất trong nông sản thực phẩm, ô nhiễm vi sinh vật còn chiếm tỷ lệ cao và thực phẩm không đảm bảo chất lượng còn lưu thông trên thị trường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra thường xuyên là do phong tục tập quán lạc hậu trong sản xuất, chế biến, tiêu dùng thực phẩm tồn tại lâu đời không dễ một sớm một chiều có thể thay đổi. Hơn nữa, hiện cả nước có 9,4 triệu hộ nông dân thì tất cả đều tham gia canh tác, trồng trọt chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ, không thể áp dụng đồng bộ được các giải pháp khoa học- kỹ thuật; có gần 500.000 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm thì 80-90% quy mô sản xuất vừa và nhỏ. Trong khi đó nguyên tắc bảo đảm ATTP phải phù hợp với sự phát triển của từng thời kỳ. Không thể một lúc vì VSATTP mà cấm các hộ sản xuất chăn nuôi. Do vậy bài toán đặt ra là làm thế nào vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo VSATTP. Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta có điều kiện xuất nhập khẩu thực phẩm, nhưng nếu không có hệ thống quản lý tốt thì đây cũng là nguy cơ lớn, đưa những sản phẩm không bảo đảm chất lượng vào thị trường trong nước. Cơ chế thị trường giúp cho điều kiện sản xuất phát triển nhưng cũng có mặt trái là đạo đức kinh doanh, lợi nhuận trong kinh doanh dẫn đến đưa sản phẩm không bảo đảm chất lượng ra thị trường.
Nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, manh múm không bảo đảm được điều kiện ATVSTP. Ảnh: K.O |
Một trong những khó khăn cho công tác ATVSTP hiện nay là tình trạng thực phẩm nhập lậu qua biên giới. Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố thì có đến 35 tỉnh, thành phố có cửa khẩu (đất liền, cảng biển, cảng sông), với chiều dài biên giới đất liền là trên 4.600 km, bờ biển dài trên 3.200 km. Chính vì thế, nhập khẩu thực phẩm là một trong những hoạt động sôi động nhất và cũng đe dọa nhiều nhất đối với ATTP. Theo Cục trưởng Cục ATVSTP Nguyễn Công Khẩn, nước ta gặp rất nhiều khó khăn trong ngăn chặn nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, bởi có những cửu vạn “chuyên nghiệp” ngày đêm vận chuyển qua biên giới. Tuy nhiên hiện nay, Cục đã tăng cường công tác kiểm soát, đặt các trạm kiểm soát tại Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang, để kiểm soát hàng tuần nguồn thực phẩm nhập khẩu vào nước ta. Đồng thời, từ năm 2010, Chi cục ATVSTP các tỉnh trên đều có báo cáo hàng tuần về Trung ương tình hình vận chuyển thực phẩm từ biên giới vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước để chủ động hơn trong việc kiểm soát. Ngoài ra, Cục ATVSTP cũng tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm ngẫu nhiên các thực phẩm vận chuyển qua biên giới. Đặc biệt là các thực phẩm chức năng, kiểm tra bát đĩa, thìa cốc có hàm lượng Pb vượt ngưỡng cho phép. Thôi nhiễm bisphenol A từ dụng cụ chứa đựng bằng nhựa (bình sữa trẻ em, núm ti, hộp đựng thức ăn…). Tuy nhiên, ông Khẩn cũng khẳng định, việc giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm qua biên giới cần được tổ chức mở rộng, thành hệ thống. Bởi, nếu chúng ta không kiểm soát, không khống chế ngay từ khâu đầu tiên là nhập khẩu vào Việt Nam thì thị trường sẽ rất khó khăn.
Tăng cường kiểm tra giám sát ATVSTP là một trong những biện pháp giúp nâng cao ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ảnh: K.O |
Song song với việc tổ chức hệ thống giám sát, ngành ATVSTP xác định công tác giáo dục truyền thông là nhiệm vụ quan trọng và được triển khai liên tục trong thời gian qua, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi. Từ đó, kiến thức và vệ sinh ATTP của các nhóm đối tượng đã nâng lên đáng kể. Bước đầu cho thấy, ngộ độc thực phẩm những năm sau giảm so với bình quân những năm trước. Nông sản thực phẩm Việt Nam đã được xuất khẩu trên 200 nước và vùng lãnh thổ. Rất nhiều các thị trường khó tính như Nhât Bản, EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ đều sử dùng thực phẩm Việt Nam. Không những thế, trong nước đã hình thành những vùng nguyên liệu an toàn, nhiều mô hình rau, thịt, cá, trái cây an toàn… được triển khai rộng rãi, nhiều doanh nghiệp được chứng nhận về ATTP quốc tế. Đây là những tín hiệu tốt để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác đảm bảo VSATTP.
K.O (nguồn chinhphu.vn)
Ý kiến bạn đọc