Multimedia Đọc Báo in

10 kinh nghiệm “sống chung” cùng bệnh huyết áp

11:01, 13/04/2013

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), cao huyết áp là căn bệnh được báo chí đề cập rất nhiều, kể cả việc luyện tập, ăn uống hay dùng thuốc nhưng hiệu quả chữa trị vẫn thấp; vì vậy giải pháp "sống chung" được xem là khả thi và thực tế hơn. Để sống chung với căn bệnh này hiệu quả, CDC đưa ra 10 khuyến cáo dưới đây.

1. Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý


Bệnh cao huyết áp có mối quan hệ rất mật thiết với trọng lượng cơ thể. Nếu duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý sẽ giúp cho người bệnh giảm dùng thuốc. Đặc biệt là giảm eo, mỡ tích vùng bụng hay mỡ quấn quanh bụng. Ngoài ra, giảm béo bụng còn có rất nhiều tác dụng khác giúp cho cơ thể mảnh mai, tăng vẻ đẹp tự nhiên hạn chế rủi ro mắc phải những căn bệnh nan y, nhất là những căn bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch.

2. Tập thể dục thường xuyên


Một trong những tiêu chí hàng đầu, quan trọng là duy trì cuộc sống vận động, năng luyện tập. Duy trì thể thao 30 phút/ngày vừa có tác dụng giảm huyết áp lại tốt cho tim mạch; có thể chơi nhiều môn thể thao như: bóng bàn, bóng đá, bơi lội, đi xe đạp... Ngoài ra có thể áp dụng cách sống "năng động", ví dụ: vừa đi vừa gọi điện thoại, leo cầu thang thay vì bằng cầu thang máy, đứng làm việc với máy tính thay cho ngồi hoặc ngồi- đứng xen kẽ nhau; hạn chế nằm, ngồi quá nhiều, kể cả nghỉ cuối tuần.

3. Áp dụng chế độ ăn uống khoa học


 

Chế độ ăn uống có lợi nhất cho nhóm người cao huyết áp là tăng cường rau xanh, trái cây, thực phẩm dạng hạt thô. Để mang lại lợi ích cao nhất, nên ghi nhật ký ăn uống, ghi rõ những gì cần ăn, món gì hạn chế. Những người cao huyết áp nên hạn chế thực phẩm ăn nhanh, đồ uống tăng lực có gas; nên tránh đồ ăn thức uống giàu mỡ nhất là mỡ trans-fat (mỡ chiên đi chiên lại) và đường, muối. Nên đọc kỹ nhãn mác để biết cụ thể hàm lượng dưỡng chất, đặc biệt là muối.

4. Giảm muối

Theo nghiên cứu thì chỉ cần giảm chút muối trong khẩu phần ăn hằng ngày là có tác dụng lớn cho bệnh cao huyết áp. Theo khuyến cáo, chỉ nên ăn 2.300 mg muối/ngày; hạn chế dùng thức ăn nhanh, đồ hộp, thịt rán, nướng, ướp muối vì đây là nhóm có hàm lượng muối cao.

5. Hạn chế rượu bia

Thực tế đây là nhóm đồ uống "hai mặt" vừa có lợi lại vừa có hại, nếu không dùng nhóm đồ uống này nhất là rượu có thể giảm được huyết áp tới 4 mmHg. Để mang lại lợi ích cao nhất, đàn ông nên uống 2 chén nhỏ/ngày, phụ nữ 1 chén nhỏ/ngày. Riêng những người không có thói quen rượu bia thì nên tránh xa ngay từ khi còn trẻ.

6. Tránh xa thuốc lá

Mức độ tăng huyết áp của cơ thể con người còn tùy thuộc vào số lượng thuốc lá hút trong 1 giờ, 1 ngày. Nếu hút liên tục cả ngày thì huyết áp lúc nào cũng cao. Những người cao huyết áp nếu sống chung cùng người hút thuốc cũng có mối nguy hiểm không khác gì người hút thuốc lá (giới chuyên môn gọi đây là hút thuốc lá thứ cấp, hay hút thuốc lá thụ động). Vì vậy những người có thói quen hút thuốc lá nên bỏ, hoặc ra nơi không có người để hút.

7. Cắt giảm cafein

Cafein là hóa chất có trong cà phê và nhiều đồ uống khác, nếu lạm dụng sẽ làm tăng huyết áp và nhiều hệ lụy khác. Những người nghiện đồ uống giàu cafein có huyết áp lúc nào cũng tăng cao; vì lý do này, giới y học khuyến cáo mỗi ngày chỉ tiêu thụ dưới 200 mg cafein.

8. Hạn chế căng thẳng

Không ai có thể vô tư mà không suy nghĩ lo lắng, tuy nhiên nếu căng thẳng kéo dài sẽ làm cho huyết áp tăng nhanh. Trước tiên, người trong cuộc nên tìm ra nguyên nhân gây căng thẳng, như vấn đề tài chính, công ăn việc làm, ốm đau bệnh tật, tình cảm sứt mẻ hay các lý do liên quan khác, từ đó loại bỏ hay giảm bớt suy nghĩ để giảm căng thẳng cho bản thân. Khi bị căng thẳng nên làm những công việc yêu thích, tập dưỡng sinh, ngồi thiền, giao tiếp bạn bè... Nếu bị căng thẳng nặng, nên có sự tư vấn của giới chuyên môn để áp dụng những liệu pháp tốt nhất nhằm giảm bệnh.

9. Kiểm tra huyết áp định kỳ

Những người mắc bệnh cao huyết áp nên mua máy đo huyết áp để dùng khi cần. Nên đo huyết áp thường xuyên, ghi lại trong sổ, hoặc khám và điều trị hằng tháng theo phác đồ điều trị của chuyên môn.

10. Trợ giúp của người thân

Một trong những tiêu chí quan trọng để sống chung với bệnh cao huyết áp là cần có sự giúp đỡ thường xuyên của gia đình, cộng đồng và chuyên môn từ khâu luyện tập, ăn uống, dùng thuốc cho đến những công việc khác mà người trong cuộc không tự đảm nhận được. Ngoài ra điều này còn có lợi về mặt tinh thần, giúp giảm căng thẳng, làm cho người bị huyết áp cảm thấy vui hơn, được yêu thương hơn từ đó giảm bệnh mà không cần dùng thuốc.

Khắc Nam (Theo DHC – 3-2013)

 


Ý kiến bạn đọc