Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa bệnh viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi trong mùa lạnh

11:22, 29/11/2015
Cứ mỗi giai đoạn chuyển mùa, nhất là bắt đầu vào mùa lạnh số lượng bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh viêm phế quản mạn tính phải nhập viện cấp cứu tăng hơn, số bệnh nhân khám và điều trị căn bệnh này cũng tăng đáng kể.

Thời tiết thất thường những ngày gần đây khiến bà Trần Thị Tịnh (75 tuổi, ở phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) bị ho khạc, kèm theo là đau tức ngực, khó thở dẫn đến mất ngủ, người gầy sút nhanh chóng. Bà cho biết mình bị bệnh viêm phế quản mạn tính, dù đã được điều trị nhiều lần nhưng vẫn bị tái phát mỗi khi thời tiết thay mùa. Rút kinh nghiệm từ lần nhập viện cấp cứu năm ngoái suýt nguy hiểm tính mạng, đợt này bà Tịnh đã chủ động đi khám và điều trị kịp thời từ khi bệnh mới xuất hiện.

Với đặc điểm là bệnh mạn tính, viêm phế quản mạn tính tiến triển thường xuyên, nặng dần với nhiều biến chứng nặng làm cho người bệnh suy giảm chức năng phổi, hạn chế hoạt động thể lực, suy giảm chất lượng cuộc sống, tàn phế và có thể tử vong. Người bệnh thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện cũng như tại nhà nên rất tốn kém chi phí. Mặt khác người bệnh cũng như người trong gia đình luôn ở trạng thái lo lắng về bệnh tật, từ đó có thể mắc các bệnh khác như suy nhược thần kinh, trầm cảm ...

Theo bác sĩ Nguyễn Đồng Ái, khoa Khám (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, viêm phế quản mạn là bệnh mạn tính, nguyên nhân chính do khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói và hoá chất ở nơi làm việc và môi trường sống, ngoài ra còn do cơ địa dị ứng, cơ thể suy nhược, tuổi cao, nhiễm trùng phổi - phế quản do vi khuẩn hoặc virus… Bệnh không khỏi hoàn toàn nhưng có thể điều trị bệnh ổn định, làm giảm sự tiến triển của bệnh cũng như dự phòng đợt cấp và biến chứng của bệnh. Vì vậy, hiểu biết để loại bỏ các nguyên nhân, tuân thủ các chỉ định điều trị của thầy thuốc kết hợp với thực hiện các biện pháp dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa là những điểm chính bệnh nhân cần thực hiện. Hằng năm, người bệnh phải đi khám sức khỏe định kỳ, khi có biểu hiện của đợt cấp cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám chuyên khoa và điều trị kịp thời.

Triệu chứng nổi bật của bệnh viêm phế quản mạn tính là ho và khạc đờm: ban đầu ho khạc đờm từng đợt hay vào buổi sáng sớm khi ngủ dậy, đờm nhầy trong. Bệnh nặng thì ho và khạc đờm sẽ xuất hiện thường xuyên. Trong năm ho và khạc đờm có tổng thời gian trên 3 tháng và thường diễn ra hơn 2 năm liên tiếp. Khó thở xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh hoặc khi có biến chứng. Ban đầu khó thở chủ yếu khi gắng sức hoặc khi có biến chứng còn ở giai đoạn muộn của bệnh thì khó thở sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.  Trong đợt viêm cấp của bệnh với triệu chứng ho và khạc đờm tăng, đờm có thể là nhầy hoặc nhầy mủ, có thể gặp các biến chứng suy hô hấp và tâm phế mạn, có thể gây tử vong cho người bệnh.

Để phòng ngừa bệnh viêm phế quản mạn tính, người lớn tuổi rất cần có một chế độ sinh hoạt phù hợp, nhất là phải giữ ấm phần cổ và họng khi đi ra ngoài để tránh nhiễm lạnh, tránh tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm không khí và môi trường, cần được theo dõi, thăm khám kịp thời khi có biểu hiện ho khạc, khó thở. Bên cạnh đó, cần thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp, luyện tập thể thao và vận động vừa sức, giữ tinh thần vui vẻ để có sức khỏe tốt, không hút thuốc và hạn chế rượu bia.                                                

 Trần Lan


Ý kiến bạn đọc