Multimedia Đọc Báo in

Công dụng chữa bệnh của lá sen

10:31, 16/11/2013
Cây sen có tên khoa học là Nelumbo nucifera. Các bộ phận của cây sen đều có công dụng chữa bệnh rất tốt; trong đó lá sen (phải là lá màu lục, còn nguyên lá, không bị sâu, không có vết thủng) chữa được khá nhiều bệnh.

Theo Đông y, lá sen có vị đắng, hơi chát, không độc, mùi thơm nhẹ, tính mát bình, có tác dụng thanh thử, thăng dương, chỉ huyết với công dụng an thần, chống co thắt cơ trơn, chống choáng phản vệ, ức chế loạn nhịp tim, đại tiện, tiểu tiện ra máu, chảy máu chân răng, chống xơ vữa động mạch, rối loạn nhịp tim, xuất huyết dưới da, sốt xuất huyết và cả giảm mỡ máu, hạ huyết áp, giảm đau, cầm máu. Lá sen phối hợp với các vị thuốc sơn tra, hà thủ ô và thảo quyết minh (hạt muồng) pha trà uống thường xuyên sẽ có tác dụng giảm cholesterol cùng các tác nhân gây béo phì. Dưới đây là một số công dụng của lá sen:

- Chữa băng huyết, chảy máu cam, tiêu chảy ra máu: Lá sen 40g để sống, rau má 12g sao vàng, thái nhỏ, sắc với 400ml nước để cạn còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

- Chữa mất nước do tiêu chảy: Lấy lá sen non (loại lá còn cuộn lại chưa mở càng tốt) rửa sạch, thái nhỏ, ép lấy nước uống làm nhiều lần trong ngày. Hoặc thái nhỏ, trộn với các loại rau ghém, ăn sống hằng ngày.

- Chữa ho ra máu, nôn ra máu: Lá sen, ngó sen, sinh địa (mỗi vị 30g), trắc bá, ngải cứu (mỗi vị 20g); tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống trong ngày.

- Chữa đau mắt: Lá sen, hoa hòe (mỗi vị 10g), cúc hoa vàng 4g, sắc uống.

- Chữa mụn nhọt: Lấy núm cuống lá sen nấu nước đặc để rửa, rồi lấy lá sen rửa sạch, giã nát với cơm nếp, đắp bên ngoài làm tan mụn nhọt.

- Chữa máu hôi không ra hết sau khi sinh: Lá sen sao thơm 20-30g, tán nhỏ, uống với nước, hoặc sắc với 200ml nước để cạn còn 50ml, uống một lần trong ngày.

- Chữa béo phì: Lá sen tươi 1 lá, gạo tẻ 100g, đem nấu cháo dùng với đường trắng, cũng có thể bỏ thêm đậu xanh để tăng sức thanh nhiệt giải độc. Nếu không có lá sen tươi, có thể dùng lá sen khô, nhưng trước khi dùng phải ngâm cho mềm. Hoặc mỗi ngày uống trà lá sen (không nên uống nhiều).

- Chữa mất ngủ: Lá sen loại bánh tẻ 30g rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô sắc (hoặc hãm nước sôi) để uống, có tác dụng còn lớn hơn tim sen.

- Chữa nóng trong người vào mùa hè: Lá sen đem hãm nước sôi, uống thay trà, giải khát.

- Chữa sốt xuất huyết: Lá sen 40g, ngó sen hoặc cỏ nhọ nồi 40g, rau má 30g, hạt mã đề 20g, sắc uống ngày 1 thang. Nếu xuất huyết nhiều, có thể tăng liều của lá.

- Chữa cao huyết áp, giảm cholesterol trong máu: Lá sen phơi khô, thái nhuyễn dùng nấu cháo với đường cát, có tác dụng giảm huyết áp, giảm  cholesterol trong máu, thanh nhiệt, trị cảm sốt, say nắng.

- Chữa mỡ máu: Lá sen khô 60g, sơn tra sống 10g, sinh ý mễ 10g, hoa sinh diệp 15g, vỏ quất 15g, lá chè 60g; tất cả tán bột, đun sôi pha loãng uống thay trà. Hoặc lá sen tươi 30g, nếu không có lá sen tươi thì dùng lá sen khô 10g, ngâm lá sen, rửa sạch, thái nhỏ, cho vào cốc sứ, ngâm nước, sau khi ngâm 15 phút có thể uống thay trà.

* Lưu ý: Lá sen nếu dùng quá liều hoặc tùy tiện thì có thể gây ngộ độc cho cơ thể như: tê môi, lưỡi và niêm mạc miệng; nôn nao, hoảng hốt, da xanh xao, chân tay lạnh, vã mồ hôi, co giật, mạch nhỏ yếu, khó bắt, rối loạn tim mạch, tụt huyết áp… Ngoài ra, người có thể hàn dùng lá sen có thể bị tiêu chảy, nhiệt độ hạ thấp, chân tay lạnh…

DS. Mỹ Nữ


Ý kiến bạn đọc