Multimedia Đọc Báo in

Triển khai, thực hiện Quyết định 304: Vì sao phải dừng?

15:17, 13/11/2011

Kể từ năm 2006 đến nay, qua 6 năm triển khai thực hiện Quyết định 304 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn làng là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ các tỉnh Tây Nguyên”, Dak Lak mới chỉ dừng lại ở kết quả khiêm tốn: 8.577,7ha với 1.209 hộ và 7 cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ ở 4 huyện (M’Drak, Buôn Đôn, Ea H’leo và Krông Ana) tham gia, đạt hơn 32% kế hoạch đề ra. Vì sao lại có kết quả thấp như vậy?

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, có mấy nguyên nhân cơ bản: do rừng giao cho các hộ là rừng nghèo kiệt, lại dễ bị xâm hại nên hầu hết bà con không mặn mà hưởng ứng; công tác cấp phát vốn, trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng được giao, khoán rừng còn chậm; sự phối hợp giữa các cấp, các cơ quan chức năng thiếu chặt chẽ, chồng chéo và chưa thường xuyên, dẫn đến việc tổ chức, thực hiện không đạt yêu cầu đề ra; đặc biệt là cơ chế, chính sách hưởng lợi từ Chương trình 304 chậm triển khai đến với người dân... Được biết, theo Quyết định 304 của Thủ tướng Chính phủ: đối tượng tham gia nhận khoán, quản lý bảo vệ rừng, ngoài chính sách hưởng lợi sản phẩm gỗ theo chu kỳ kinh doanh như Quyết định 178, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ khi nhận khoán, quản rừng còn được hưởng các chính sách như: được thu hoạch toàn bộ lâm sản phụ trên diện tích rừng được giao; được hỗ trợ cây giống để trồng lại rừng và sản xuất nông lâm kết hợp; được trợ cấp 10 kg/khẩu/tháng nếu là hộ nghèo thiếu đói; đối với các hộ thuộc diện 132, 134 thì được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/ hộ để làm nhà ở; 5 triệu đồng/ha để khai hoang diện tích đất sản xuất và 400.000 đồng/ hộ để xây dựng bể nước sinh hoạt… Đáng tiếc là tất cả cơ chế, chính sách đó không được chính quyền một số huyện quan tâm, thậm chí “ngâm” trên bàn giấy nhiều năm, không triển khai. Qua tìm hiểu, được biết: tổng kinh phí Trung ương hỗ trợ cho Dak Lak để thực hiện chương trình 304 là hơn 13 tỷ đồng. Trên cơ sở kế hoạch được xây dựng hàng năm (từ 2006-2009) của các địa phương, tỉnh đã giao nguồn kinh phí trên về cho các huyện gần 3,2 tỷ đồng. Ông Y Rít Byă - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Dak Lak, phụ trách Chương trình 304 cho rằng: số tiền giải ngân trong 4 năm đã ít như vậy; về đến huyện thực hiện còn ít hơn; cụ thể là 4 huyện nói trên đến nay mới chỉ thực hiện được 814.646.000 đồng, còn lại trả về tỉnh hơn 2,2 tỷ đồng. Số tiền mà các huyện thực hiện được trong thời gian qua cũng chỉ để mua gạo (45.350 kg) và cây giống (81.580 cây) hỗ trợ cho bà con mà thôi; còn những khoản khác như hỗ trợ tiền làm nhà, khai hoang, nước sinh hoạt… thì không!

Điều đáng nói ở đây là: không thể đổ lỗi cho việc thiếu kinh phí để thực hiện. Bởi vì kinh phí đã sẵn sàng, cơ chế và chính sách rất rõ ràng, kịp thời… vậy nhưng kết quả đạt được không như mong đợi. Mới đây, Sở NN-PTNT đã kiến nghị với UBND tỉnh dừng việc tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình 304 vì không hiệu quả. Có thể nói: đó là tín hiệu đáng buồn, bởi vì cùng với Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ trước đó, Quyết định 304 ra đời năm 2006 là cơ sở pháp lý đặt nền móng cho chủ trương xã hội hóa, phát triển nghề rừng nói riêng và lâm nghiệp nói chung của Nhà nước. Qua đó từng bước xây dựng việc gắn lợi ích kinh tế - xã hội lâu dài, bền vững của người dân (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số) với rừng; dần cải thiện đời sống cũng như nhận thức cho đồng bào về việc gìn giữ, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên đất nước. Vậy mà chủ trương này ở Dak Lak không thể tiếp tục triển khai, khiến nhiều người đặt câu hỏi: Làm thế nào để gắn với trách nhiệm của người dân với rừng, và rừng phải mang lại nguồn lợi cho người được giao rừng?

Đình Đối

Ý kiến bạn đọc