Báo Dak Lak với công tác tuyên truyền bảo vệ vùng biên giới thân yêu
Là một bộ phận trong hệ thống tuyên truyền của Đảng, thời gian qua, Báo Dak Lak đã tích cực bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đi sâu phản ánh nhiều mặt của cuộc sống; trong đó có việc chú trọng đến công tác tuyên truyền về chủ quyền an ninh biên giới.
Tỉnh ta hiện có 73km đường biên giới tiếp giáp tỉnh Monđulkiri của Vương quốc Campuchia là: huyện Ea Súp có 3 xã gồm Ya Lốp, Ea T’Mốt, Ea Bung; huyện Buôn Đôn có xã Krông Na; trong đó có 34km biên giới trên bộ và 39km biên giới sông suối. Cư dân khu vực biên giới của tỉnh sống tương đối tập trung, nơi cư trú gần nhất khoảng 3-5km, xa nhất cách biên giới khoảng 30 đến 40km. Xác định mục tiêu: Xây dựng biên giới hữu nghị để cùng phát triển bền vững, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh, đặc biệt là cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và bà con nơi có đường biên đã một mặt nêu cao tinh thần cảnh giác, mặt khác tăng cường mối đoàn kết, gắn bó với địa phương tỉnh bạn để xây dựng biên giới bình yên...
Tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. (Ảnh: T.L) |
Là một bộ phận trong hệ thống tuyên truyền của Đảng, thời gian qua, Báo Dak Lak đã tích cực bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đi sâu phản ánh nhiều mặt của cuộc sống; chú trọng đến công tác tuyên truyền về an ninh biên giới gắn với xây dựng, phát triển kinh tế vùng biên. Trước hết, Ban Biên tập chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền về chủ đề này, trong đó có các hiệp ước về biên giới giữa hai nước như: Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia; Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia; Hiệp ước về quy chế biên giới quốc gia giữa CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia v.v… và gần đây là bản cam kết “Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị giữa hai tỉnh Dak Lak (Việt Nam) và Mondulkiri (Campuchia)” do UBND 2 tỉnh ký kết. Để công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, đạt chất lượng cao, Ban Biên tập đã phân kỳ từng thời gian tuyên truyền trọng điểm về các công tác trọng tâm như: triển khai cắm mốc biên giới Việt Nam – Campuchia, trong đó chú ý đi sâu phân tích để các tầng lớp nhân dân thấy được ý nghĩa, vai trò, vị trí của việc phân định, cắm mốc biên giới; phát huy và đề cao vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, của già làng, trưởng thôn buôn, cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc... trong việc xây dựng, duy trì tình đoàn kết của đồng bào vùng biên. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biên giới gắn với phát triển kinh tế vùng biên, công tác xóa đói giảm nghèo, việc thực hiện các chương trình 135, 167 của Chính phủ đối với bà con nơi biên giới. Phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Dak Lak tuyên truyền chuyên trang về “Biên phòng toàn dân”, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên địa bàn; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân, những gương tốt trong lao động, trong tuần tra bảo vệ biên cương, trong công tác vận động quần chúng... Trong đó đi sâu làm rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” phá hoại an ninh biên giới; rút kinh nghiệm trong quá trình vận động quần chúng vùng biên, chống vượt biên trái phép; đồng thời phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhân rộng các mô hình nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh - trật tự buôn làng. Có thể nói: từ khi thực hiện Quy chế biên giới, tinh thần cảnh giác, ý thức của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, mọi người đều xác định được trách nhiệm, bổn phận và tham gia tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, hạn chế được tình trạng vi phạm quy chế biên giới, nạn săn bắn thú rừng, khai thác gỗ trái phép…
Để góp phần động viên, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh nói chung và vùng biên giới nói riêng vươn lên trong cuộc sống, Báo Dak Lak đã thành lập “Quỹ Tấm lòng vàng”, thường xuyên tặng quà, tiền do bạn đọc của báo ủng hộ và cán bộ, công nhân viên trong tòa soạn quyên góp, giúp đỡ. Chỉ tính riêng trong năm 2010, Quỹ Tấm lòng vàng của Báo đã trao 1.000 suất quà tặng hộ nghèo, với tổng số tiền 300 triệu đồng, trong đó có nhiều đối tượng khó khăn ở vùng biên giới. Cùng với hoạt dộng tuyên truyền, Quỹ Tấm lòng vàng của Báo đã góp phần tích cực vào việc động viên những hộ nghèo tích cực vươn lên, chung tay xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc biên cương yêu dấu.
Ý kiến bạn đọc