Đồn biên phòng “ba cùng” với người dân vùng biên
Khám bệnh miễn phí, xắn quần lội ruộng trồng lúa… là những công việc thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpôk giúp dân vùng biên thay đổi nhận thức và từng bước thoát nghèo.
Bộ đội Biên phòng Đồn Sêrêpôk hướng dẫn người dân chăm sóc lúa. |
Nằm khá biệt lập trong Vườn quốc gia Yok Đôn, cách xa thị trấn hơn 30km, buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) trước đây có tới… gần 100% hộ nghèo, đường sá đi lại hết sức khó khăn. Nhưng với phương châm cùng ăn – cùng ở - cùng làm, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpôk 743 đã cùng bà con các dân tộc Êđê, M’nông, J’Rai, Lào làm nên kỳ tích, số hộ nghèo giảm dưới 50% và thay đổi lối sinh hoạt cùng những thói quen lạc hậu.
Thiếu tá Đoàn Quang Trung, Phó đồn trưởng quân sự Sêrêpôk cho biết: “Ngoài nhiệm vụ chính là bảo vệ chủ quyền dọc 12 km vùng biên, Đồn còn tích cực triển khai đưa các chiến sĩ, y bác sĩ xuống công tác địa bàn để giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Người dân ở đây đã quen với việc vệ sinh sạch sẽ, xây chuồng trại xa nhà, biết cách phòng dịch bệnh và làm lúa nước. Đặc biệt, mỗi khi đau ốm bà con đều đến Trạm Y tế quân – dân y kết hợp để khám bệnh, cấp thuốc uống miễn phí thay vì tìm thầy mo”.
Đưa nước về buôn
Buôn Đrang Phôk có 96 hộ dân với 384 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số. Cách đây 4 năm, 100% số hộ ở đây đều thuộc diện nghèo, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng và các hủ tục lạc hậu vẫn còn đeo bám. Chính quyền địa phương cũng dành nhiều ưu tiên cho buôn, xong người dân vẫn nghèo. Từ năm 2007, đập thủy lợi phục vụ nước tưới cho Vườn quốc gia Yok Đôn và cho việc mở rộng cánh đồng buôn Đrang Phôk được xây dựng. Hàng nghìn ngày công của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpôk cùng với cán bộ Vườn, cán bộ - viên chức huyện Buôn Đôn, thanh niên các vùng lân cận và bà con trong buôn tiến hành đắp đập, xây kè dẫn nước. Cánh đồng Đrang Phốk được khai hoang, mở đất thêm hơn 50ha lúa nước 2 vụ thay cho 1 vụ như trước đây. Từ việc thiếu đói thường xuyên, nay số hộ nghèo đã giảm hơn một nửa.
“Làm lúa thật ra không khó, chỉ cần làm theo bộ đội hướng dẫn thì đủ ăn, còn hộ nào không nghe thì đói thôi. Mình cùng với bộ đội đã nhiều lần họp dân để dạy cho họ cách trồng lúa nước, cách bón phân, phun thuốc… sau đó mới cùng nhau ra đồng, cầm tay chỉ việc thì bà con mới tin. Trước đây mua gạo nhiều, giờ đã đủ ăn rồi”, Y Phút Bu Đăm – nguyên trưởng buôn chia sẻ.
Từ khi nước về buôn, bà con nơi đây đã biết trồng hai vụ lúa, kết hợp với trồng ngô, sắn nên cuộc sống đã khấm khá hơn. Trung úy Y Juel Byã, Đội trưởng đội vận động địa phương – Đồn Biên phòng Sêrêpôk cho biết: “Ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật, Đồn còn nhận làm 1ha lúa và vườn rau mô hình để cho người dân học tập, từng bước xóa đói, giảm nghèo”.
Bỏ thầy mo, theo thầy thuốc
Mặc dù xa xôi, hẻo lánh nhưng đường sá trong buôn Đrang Phôk được trải nhựa kiên cố, trường học được xây dựng để phục vụ cho con em học tập. Đặc biệt từ năm 2008, khi Trạm Y tế quân – dân y kết hợp được mở thì tình trạng người dân đau ốm tìm đến thầy mo trị bệnh đã không còn. Nói về khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con, Trung úy Phạm Văn Mạnh – y sĩ trạm vẫn còn nhớ như in trường hợp khá hy hữu của bé Y Nhan 10 tuổi vì ở xa, tin vào thầy mo chữa bệnh nên suýt mất mạng. “Do tin thầy mo nên gia đình không chịu đưa em đi khám bệnh, các chiến sĩ của Đồn vào động viên, giải thích mãi thì gia đình mới chấp nhận. Khi đến trạm y tế thì Y Nhan đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm do sốt rét ác tính gây co giật, nếu không được sơ cứu và kịp thời chuyển lên tuyến trên thì em ấy đã chết. Hiện, trạm luôn được 2 y sĩ thay nhau túc trực, phục vụ sức khỏe cho người dân trong buôn”, Trung úy Mạnh kể lại.
Theo trung úy Mạnh, năm 2011 trạm đã khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí cho 2.050 ca, đồng thời tổ chức gần 20 đợt tiêm chủng cho người dân. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay Đồn Biên phòng Sêrêpôk đã xây dựng được 21 căn nhà đại đoàn kết, một công trình dân sinh và hàng trăm ngày công lao động cho người dân buôn Đrang Phôk. Hơn cả, là các chiến sĩ biên phòng luôn được bà con tin yêu.
Lê Kiến
Ý kiến bạn đọc