Multimedia Đọc Báo in

Trung đoàn 737 (Binh đoàn 16): Nỗ lực tìm hướng làm ăn cho người dân vùng biên

14:10, 13/10/2012

Đứng chân trên địa bàn xã Ia R’vê (huyện Ea Súp), cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 737 (Binh đoàn 16) đã và đang nỗ lực đem lại màu xanh no ấm cho vùng đất biên giới còn nhiều khó khăn này.

Cán bộ Trung đoàn 737 đôn đốc, hướng dẫn bà con trong từng công đoạn chăm sóc cây keo.
Cán bộ Trung đoàn 737 đôn đốc, hướng dẫn bà con trong từng công đoạn chăm sóc cây keo.

Năm 2001, khi mới thành lập, cùng với hoạt động bảo đảm an ninh quốc phòng, nhiệm vụ phát triển kinh tế  đã đặt ra cho  cán bộ chiến sĩ Trung đoàn nhiều trăn trở: chọn cây gì để tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây trong khi đất đai bạc trắng, khô cằn? Cây điều cao sản trở thành lựa chọn với một dự án đã phát triển lên đến 7.000 ha. Nhưng đến những năm 2005-2006, sau hơn 5 năm trời quân dân chung lưng đấu cật với mong muốn thay đổi vùng đất khó, dự án điều đã không thành công khi điều ra hoa nhiều nhưng đậu trái rất ít, năng suất thấp, sản lượng thu được không đủ để trang trải những khoản nợ ngân hàng. Sau kết quả kiểm tra, khảo sát dưới sự trợ giúp của các kỹ sư ở Trường Đại học Tây Nguyên, cây điều được kết luận không phù hợp với khí hậu ở đây.

Với quyết tâm chinh phục vùng đất khô cằn, khó tính, năm 2008, Trung đoàn quyết định liên kết với Tập đoàn Giấy Tân Mai và chính thức chuyển đổi nhiều diện tích điều sang trồng cây nguyên liệu giấy là cây keo. Theo đó, Tập đoàn Giấy Tân Mai đầu tư giống, tiền công các công đoạn và bảo đảm bao tiêu sản phẩm. Trung đoàn có quỹ đất, đứng ra giao khoán, quản lý, đôn đốc, giám sát người dân nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ cho đến khi khai thác rừng keo. Với 3.000 ha điều đã được chuyển đổi sang trồng keo, câu chuyện quản lý, giám sát quả cũng không đơn giản khi 13 đội sản xuất của Trung đoàn, mỗi đội chỉ có 2 người, quản lý trung bình 500-600 ha keo, thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Thêm nữa, cũng do thực hiện theo hình thức khoán, làm công đoạn nào thanh toán công đoạn đó nên công việc của các đội sản xuất không đơn thuần là giám sát, đôn đốc mà cả tuyên truyền, vận động, bởi thực tế, có làm thì có hưởng nên cũng không thể “ép” bà con. Chính vì vậy, để việc chăm sóc, bảo vệ chu đáo vườn keo ở từng giai đoạn, 13 đội sản xuất được “đóng quân” ngay tại tất cả các địa bàn, cán bộ chiến sĩ thay nhau nằm vùng 24/24. Để bà con phấn khởi, dành tâm huyết, công sức chăm sóc cho vườn cây, các công đoạn trong khi làm đều có cán bộ hướng dẫn cụ thể, giám sát chặt chẽ, sau khi hoàn thành, nếu nghiệm thu đạt chất lượng, Trung đoàn đều cố gắng thanh toán kịp thời. Tính từ đầu năm đến nay, số tiền trả nhân công chăm sóc keo năm thứ hai lên đến gần 2 tỷ đồng; keo năm thứ 3 là 3,4 tỷ đồng và keo năm thứ 4 hơn 1 tỷ đồng. Hiện hầu hết diện tích keo đều sinh trưởng, phát triển tốt. Toàn xã Ia R’vê có 1.597 hộ, gần 6.000 khẩu thì đã có 1.298 hộ tham gia nhận khoán với Trung đoàn. Nói như vậy để thấy rằng, mô hình liên kết trồng rừng nguyên liệu giấy của Trung đoàn đã tạo công việc làm, trở thành kế mưu sinh của phần đông những người dân vùng biên nơi đây. Anh Cầu Bá Sơn ở thôn 11 cho biết: Gia đình anh từ Thanh Hóa vào đây từ năm 2003. Tham gia nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ 3 ha keo với Trung đoàn là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Ở từng công đoạn, cứ làm tốt, chu đáo, cẩn thận, được cán bộ Trung đoàn nghiệm thu là được thanh toán.

Thượng tá Trần Văn Việt – Trung Đoàn trưởng Trung Đoàn 737 phấn khởi: “Dù chưa đến ngày khai thác nhưng cũng mừng vì đến thời điểm này mô hình liên kết trồng rừng nguyên liệu giấy đã tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bà con ấm no là Trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rồi”.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc