Multimedia Đọc Báo in

Tuần đầu trong quân ngũ

09:56, 19/09/2014

213 tân binh của các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh vừa tạm biệt gia đình, lên đường tòng quân, gia nhập vào “ngôi nhà chung” Tiểu đoàn 303 để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Sau hơn một tuần làm quen trong môi trường quân ngũ, mỗi chiến sĩ đều có một cảm nghiệm, một góc nhìn riêng về cuộc sống lao động, học tập, rèn luyện thường nhật của những người lính Cụ Hồ…

“Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”, có lẽ đến thời điểm này, sau một tuần làm lính, Nguyễn Hồng Quân mới phần nào cảm nhận được ý nghĩa của câu khẩu hiệu ngắn gọn, song lại đúc kết một trong những yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh của quân đội. Dẫu là một tân binh tình nguyện xung phong lên đường phục vụ Tổ quốc, xác định được những thử thách đang đón chờ mình phía trước, song Nguyễn Hồng Quân cũng không khỏi “choáng” khi nghe cán bộ Tiểu đoàn quán triệt, phổ biến 11 chế độ sinh hoạt sít sao trong một ngày. “Vào đây mọi thứ đều phải đi vào quy củ, khuôn phép, từ giờ giấc ăn, ngủ, đến học tập, vui chơi, rèn luyện không ai được phép chểnh mảng, lơ là. Trước đây ở nhà chúng em vốn quen với lối sống tự do nên một hai ngày đầu thấy rất gò bó, tù túng. Song sau một tuần làm quen lại thấy thích thú vì khi đã đi vào “guồng” sinh hoạt, mỗi người rèn luyện cho mình được thói quen giờ giấc, ý thức tự giác tuân thủ các quy định của đơn vị, không ít bạn nhờ sinh hoạt điều độ mà đã tăng cân”, Nguyễn Hồng Quân chia sẻ. Với tân binh Trần Ngọc Hiếu, vốn lần đầu tiên xa gia đình nên với bản thân Hiếu tuần đầu trong quân ngũ là nỗi nhớ gia đình và nhớ… người yêu. Đó cũng là tâm trạng chung của hầu hết tân binh những ngày đầu vừa đặt chân đến Tiểu đoàn. 

Chiến sĩ mới rèn luyện thể lực tại Tiểu đoàn 303.
Chiến sĩ mới rèn luyện thể lực tại Tiểu đoàn 303.

Hiểu được tâm trạng đó nên cán bộ Tiểu đoàn thường xuyên gần gũi trò chuyện, tâm sự về cuộc sống xa gia đình, vợ con, những hy sinh hạnh phúc riêng tư để làm nhiệm vụ… “Khi nghe thủ trưởng tâm sự mọi người ở đây đều có nhà ở xa nhưng vài tháng, thậm chí cả năm mới được về thăm gia đình một lần… chúng em rất khâm phục, xem đó như tấm gương để vượt qua những thử thách về mặt tinh thần. Vả lại ở đây không gian doanh trại cũng rất gần gũi, thân thuộc như ở nhà, chúng em được làm quen với rất nhiều bạn bè, những đồng đội mới luôn hòa đồng, sẵn sàng sẻ chia giúp đỡ lẫn nhau nên nỗi nhớ nhà cũng dần vơi đi”, Trần Ngọc Hiếu tâm sự. Không “đa cảm” như người đồng đội, với Trần Quang Phong, tuần đầu trong quân ngũ lại đem đến cho em rất nhiều trải nghiệm, với những bài học mới, bổ ích, được bắt đầu từ những việc tưởng chừng nhỏ nhất, như: học cách sắp xếp chăn màn, cách ăn nói xưng hô với đồng chí, đồng đội, tác phong đi đứng… Trần Quang Phong vui vẻ kể: “Ở nhà có bao giờ ngủ dậy em xếp chăn màn đâu, vào đây học được cách gấp rất vuông vắn, đẹp mắt của bộ đội, mai mốt về biểu diễn cho mẹ em xem, chắc chắn mẹ sẽ rất bất ngờ”.

Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 303, đại úy Phạm Hoàng Loan cho biết: Là đơn vị tiếp nhận huấn luyện chiến sĩ mới hằng năm nên Tiểu đoàn có nhiều kinh nghiệm trong quá trình tổ chức tiếp đón, ổn định tâm lý cho chiến sĩ mới. Bên cạnh việc chuẩn bị tốt công tác huấn luyện, đầu tư sửa chữa thao trường, bãi tập, hệ thống biển bảng, bảo đảm hậu cần, nơi ăn, nghỉ, ngay khi vừa tiếp nhận tân binh, Tiểu đoàn đã sắp xếp, biên chế chiến sĩ mới vào các đơn vị và tổ chức xét duyệt lại chính trị. Để tân binh có thời gian làm quen với môi trường mới, tránh những thay đổi đột ngột, tạo cảm giác “sốc” khi bị ép vào ngay khuôn phép, đơn vị không nóng vội mà dành hẳn tuần đầu để tổ chức huấn luyện ngoại khóa với rất nhiều hoạt động như: huấn luyện thể lực, giới thiệu truyền thống của đơn vị, hướng dẫn cách sắp xếp vũ khí, học Điều lệnh quản lý bộ đội… để các em thích nghi dần với cuộc sống, sinh hoạt mới. Đơn vị còn bố trí thời gian cuối ngày cho các em tham gia hoạt động tăng gia sản xuất, tạo sự gắn kết, gần gũi giữa các tân binh với nhau. Đặc biệt Tiểu đoàn chú trọng đến công tác ổn định tư tưởng cho chiến sĩ mới. Bằng kinh nghiệm của những người đã trải qua thời gian đầu nhập ngũ, cán bộ huấn luyện nhanh chóng tiếp cận tìm hiểu, nắm bắt rõ hoàn cảnh, tính cách, tâm tư nguyện vọng của từng chiến sĩ, theo phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng học tập, cùng công tác và cùng sẻ chia với chiến sĩ”, đưa các em dần dần vào khuôn khổ. “Bằng tình cảm và trách nhiệm, các cán bộ Tiểu đoàn như một người anh, luôn gần gũi, tận tình chỉ vẽ, giải thích, phổ biến tường tận, rõ ràng những quy định được phép và không được phép làm trong đơn vị… khiến chúng em có cảm giác đây như là “gia đình thứ 2” của mình, từ đó xác định rõ tư tưởng, yên tâm, sẵn sàng bước vào khóa huấn luyện để vượt qua 3 tháng quân trường với những thử thách khắc nghiệt bằng quyết tâm cao nhất”, tân binh Trần Thành Công bày tỏ. Còn với những cán bộ huấn luyện thì rất phấn khởi, tin tưởng rằng khóa huấn luyện sẽ đạt chất lượng cao khi qua theo dõi, nhận định của đơn vị, tuy chỉ mới trải qua một tuần trong quân ngũ, nhưng những tân binh đã nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, có những tiến bộ vượt bậc cả về nhận thức và hành động, tác phong sinh hoạt đi đứng xưng hô, chào hỏi đã theo đúng Điều lệnh quản lý bộ đội…

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.