Những người bạn của chiến sĩ mới
Trải qua những tháng ngày huấn luyện tân binh ở Tiểu đoàn Bộ binh 303 (Trung đoàn Bộ binh 584), các “cậu ấm” vốn rụt rè, nhút nhát đã tự tin, vui tươi bên đồng đội. Trong môi trường quân ngũ với muôn vàn bỡ ngỡ, chiến sĩ mới được những người anh, người bạn yêu thương, giúp đỡ tận tình…
Cán bộ gần gũi, sẻ chia với chiến sĩ
Thời gian đầu nhập ngũ, chiến sĩ Nguyễn Văn Duy (Trung đội 8, Đại đội 7) luôn cảm thấy gò bó khi phải thực hiện các chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt của đơn vị. Duy hài hước khi nhớ lại: “Ngày còn ở nhà, được gia đình chiều chuộng nên em “hư” lắm, đói lúc nào là “lục nồi” lúc ấy, một ngày ăn tới 5-7 bữa mà người vẫn như que tăm; tắm xong chưa bao giờ giặt đồ… chứ đừng nói giúp bố mẹ công việc gì. Vậy mà giờ em đã làm quen được với mọi chế độ sinh hoạt của đơn vị. Vui nhất là mới ở đây gần 2 tháng mà em đã tăng được 5 kg, em gọi điện về kể với gia đình, cả nhà mừng lắm!”.
Bắt đầu làm quen với môi trường quân đội, chiến sĩ Y Xuân Trăng Niê (Trung đội 9, Đại đội 7) bỡ ngỡ trước mọi sinh hoạt, học tập, luôn cảm giác như không thể làm quen được với môi trường mới. Vậy mà tới tuần thứ hai, chàng trai vốn dĩ trầm lắng, ít nói và ngại giao tiếp với bạn bè lại trở nên sôi nổi, hoạt bát hẳn. Y Xuân Trăng tâm sự: “Ban đầu em thấy mình như “người ngoài hành tinh” vậy, mọi thứ xung quanh đều lạ lẫm. Từ chỗ “anh với tôi đôi người xa lạ”, giờ đây chúng em thân thiết, gắn bó như ruột thịt, lúc vui buồn không ngại dốc bầu tâm sự”.
Các chiến sĩ Đại đội 6 (Tiểu đoàn Bộ binh 303) tham gia sinh hoạt “Tổ 3 người”. |
Chiến sĩ Nguyễn Văn Duy, Y Xuân Trăng chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp mà cán bộ đơn vị phải hiểu và nắm bắt tư tưởng, tình cảm. Với vai trò là người anh, người bạn của chiến sĩ mới - cán bộ đơn vị thường xuyên gần gũi, chuyện trò, ăn, ở, ngủ cùng chiến sĩ. Đại úy Hà Hữu Thành, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Bộ binh 303 cho biết: “Đội ngũ cán bộ của Tiểu đoàn luôn xác định, chiến sĩ mới đến đơn vị sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ, nhớ nhà, bạn bè… do vậy cán bộ phải hiểu, cảm thông và đoán biết tâm lý để có biện pháp giáo dục phù hợp. Trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, hướng dẫn tân binh, chúng tôi luôn yêu thương và có trách nhiệm giáo dục, rèn luyện”. Không chỉ vậy, đơn vị còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần, tạo điều kiện để chiến sĩ có thể tham gia và phát huy khả năng của mình.
Hiệu quả từ “Tổ 3 người”
“Tổ 3 người” ở Tiểu đoàn Bộ binh 303 được tổ chức ở cấp Tiểu đội, cứ 3 chiến sĩ liên quan đến nhiệm vụ công tác sẽ được tổ chức thành một tổ, thời gian sinh hoạt khoảng 10 – 20 phút. Hình thức hoạt động của tổ thường ngắn gọn, linh hoạt, mang tính chất tâm tình, trao đổi sau một ngày huấn luyện, công tác, học tập tại đơn vị của chiến sĩ, qua đó giúp họ hiểu nhau hơn về tính cách, sở thích cũng như hoàn cảnh gia đình, phong tục tập quán của từng địa phương… Mặt khác, đây là kênh thông tin quan trọng giúp cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp Tiểu đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý chiến sĩ nắm được tình hình tư tưởng chiến sĩ để kịp thời có biện pháp giải quyết. Tiểu đội trưởng hoặc những cá nhân có uy tín có khả năng tổ chức, điều hành sinh hoạt thường được chỉ huy phân công làm người giám sát, duy trì sinh hoạt.
Như thường lệ, 18 giờ 30 phút, Trung đội 4, Đại đội 6 tổ chức sinh hoạt “Tổ 3 người”. Thượng úy Nguyễn Văn Nghi, Chính trị viên phó Đại đội 6 cho biết: “Trung đội được chia thành 12 tổ và duy trì thường xuyên từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Từ chỗ xa lạ, các chiến sĩ nhanh chóng làm quen và trở thành người bạn tốt của nhau trên mọi mặt công tác. Tuy mới làm quen với môi trường quân ngũ, nhưng hầu hết các chiến sĩ tham gia sinh hoạt theo tổ khá nghiêm túc, sôi nổi, đạt hiệu quả tốt”. Hôm chúng tôi tới thăm, tổ của các tân binh: Nguyễn Mạnh Cường, Phan Cao Thạnh, Đàm Đại Nghĩa đang say sưa ôn lại “10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam” và 10 bài hát quy định của quân đội. Chiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường hồ hởi: “Mới đầu, em đọc đi đọc lại 10 lời thề nhưng vẫn thiếu trước quên sau, vậy mà từ khi học cùng các thành viên trong tổ, em nhanh thuộc hẳn”. Còn chiến sĩ Phan Cao Thạnh chia sẻ: “Hồi mới nhập ngũ, em thích nghe 10 bài hát quy định, nhưng lại chưa tự tin hát vì toàn sai nhịp và lời, từ khi được các bạn trong tổ nhiệt tình giúp đỡ, em mạnh dạn hơn mỗi khi “thử giọng”. Hôm vừa rồi em xung phong hát bài “Hát mãi khúc quân hành” trong buổi sinh hoạt văn nghệ của Đại đội, được đồng đội cổ vũ nhiệt tình, em vui lắm”.
Thượng úy Nguyễn Văn Nghi cho biết thêm: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức sinh hoạt rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của “Tổ 3 người” một cách cụ thể. Qua đó, biểu dương và phê bình kịp thời các thành viên trong tổ, đồng thời duy trì nghiêm nền nếp thi đua giữa các tổ trong tiểu đội về mọi mặt công tác. Từ những lần tham gia giao lưu, sinh hoạt chung như trên đã góp phần giúp chiến sĩ mạnh dạn, tự tin, hòa đồng hơn trong môi trường mới”…
Hầu hết các tân binh đều lần đầu tiên xa gia đình để bước vào môi trường mới – môi trường quân ngũ nên sẽ có những thay đổi về tâm lý, tình cảm, tư tưởng, có thể cảm thấy nhớ nhà quay quắt hay là áp lực nặng nề trong huấn luyện, học tập… Bước đầu tuy khó khăn, nhưng chiến sĩ sẽ vượt lên mọi hoàn cảnh, hoàn thành tốt nghĩa vụ khi có những người đồng đội, người cán bộ gần gũi, sẻ chia...
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc