Multimedia Đọc Báo in

Bộ đội Biên phòng Dak Lak qua 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

13:14, 22/05/2015
Ngày 23-5-1975, Công an nhân dân vũ trang Dak Lak (tiền thân của Bộ đội Biên phòng Dak Lak) được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công an vũ trang hai tỉnh Dak Lak và Quảng Đức cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang từ Lạng Sơn, Sơn La được điều động, bổ sung tăng cường.
 
Những ngày đầu thành lập, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng các đồn, trạm biên phòng đóng quân dọc tuyến biên giới đã triển khai lực lượng làm tốt nhiệm vụ quản lý biên giới, vận động quần chúng xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Công an nhân dân vũ trang Dak Lak đã anh dũng chiến đấu, giữ vững phòng tuyến biên giới, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Nhiều tập thể, cá nhân kiên cường, dũng cảm như tập thể cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng Bu Prăng, Đá Bằng, Dak Đam, Tuy Đức. Gương chiến đấu anh dũng của các đồng chí Lê Xuân Cúc, Hoàng Trọng Tạo, Đỗ Tất Chung, Phạm Đình Phớt mãi mãi đi vào lịch sử là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày nay noi theo. Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, bọn phản động Fulrô và tàn quân Khơme đỏ cấu kết kích động, phá hoại thành quả cách mạng. Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng  Dak Lak đã được củng cố, kiện toàn gồm 11 đồn và hai đại đội là Đại đội 19 và Đại đội cơ động 1 có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 240 km và 4 huyện biên giới là Ea Súp, Cư Jút, Dak Mil và Dak Rlấp. Trên tuyến biên giới, lực lượng biên phòng tỉnh đã tăng cường mọi biện pháp củng cố hệ thống các đồn, trạm, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện đấu tranh với mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Sau nhiều năm truy quét và làm công tác địch vận, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các lực lượng tiêu diệt và gọi hàng hơn trăm tên Fulrô, thu giữ  nhiều tang vật, tài liệu có giá trị khác. Lực lượng trinh sát và các đội công tác vận động quần chúng Bộ đội Biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh với các loại tội phạm, vận động nhân dân giao nộp hàng trăm khẩu súng, vũ khí thô sơ và vật liệu nổ, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn biên phòng. 

Khẩu đội cối Đồn Biên phòng Bo Heng huấn luyện tiêu diệt mục tiêu.                                                                             Ảnh: Văn Nhương
Khẩu đội cối Đồn Biên phòng Bo Heng huấn luyện tiêu diệt mục tiêu. Ảnh: Văn Nhương

Năm 2004, sau khi chia tách tỉnh, lực lượng Bộ đội Biên phòng Dak Lak còn lại 4 đồn biên phòng là Đồn Ea H’leo, Dak Ruê (tức Đá Bằng), Sêrêpôk, Bo Heng  và 1 tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động.  Để tăng cường lực lượng, cũng trong năm 2004 Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập thêm 3 đơn vị mới là các Đồn Biên phòng Ia R’vê, Đồn Yok Mbre và Đồn Yok Đôn; Khối cơ quan Bộ Chỉ huy gồm các phòng Chính trị, Tham mưu, Hậu cần- Kỹ thuật, Trinh sát và Ban Hành chính. Năm 2007, Bộ đội Biên phòng Dak Lak tiếp tục được củng cố, thành lập thêm 2 đơn vị là Phòng Kỹ thuật, Phòng Phòng chống tội phạm và ma túy; đổi tên Ban Hành chính thành Văn phòng Bộ Chỉ huy trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Đoạn biên giới do bộ đội biên phòng tỉnh quản lý có chiều dài 73 km với địa bàn phụ trách gồm 4 xã biên giới: Ya Lốp, Ia R’vê, Ea Bung thuộc huyện Ea Súp và xã Krông Na thuộc huyện Buôn Đôn.

Sau hơn 10 năm kể từ ngày chia tách đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng Dak Lak đã không ngừng trưởng thành, ổn định về cơ cấu, tổ chức. Các đồn biên phòng được đầu tư xây dựng cơ bản, đời sống của cán bộ, chiến sĩ không ngừng được nâng lên. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn biên phòng trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các chế độ trực ban, trực chiến, trực sẵn sàng chiến đấu, tổ chức tốt các hoạt động tuần tra, mật phục, phối hợp xử lý khôn khéo các tình huống xảy ra trên biên giới; từng bước nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, hội thi, hội thao quân sự nhằm không ngừng tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các đồn, tiểu đoàn biên phòng. Bên cạnh đó, hệ thống hầm hào công sự, thông tin liên lạc được đầu tư, 100% các đơn vị luôn bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ kịp thời nhiệm vụ tác chiến, chỉ huy sẵn sàng chiến đấu. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; giữa các đồn biên phòng với cấp ủy chính quyền địa phương và công an, quân sự các huyện biên giới. Bên cạnh đó, chú trọng thực hiện công tác phân giới, cắm mốc (từ năm 2007 đến nay hai tỉnh Dak Lak và Muldulkiri (Campuchia) đã tiến hành phân giới, cắm mốc được 5 vị trí mốc; hai vị trí mốc đang tiến hành khảo sát, đàm phán); duy trì tốt mối quan hệ láng giềng đoàn kết, hữu nghị với chính quyền, các lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Muldulkiri (Campuchia). Bộ đội Biên phòng tỉnh còn tăng cường công tác đấu tranh với các loại tội phạm cũng như âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị địa bàn. Song song với đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lãnh đạo, triển khai đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, xây dựng tiềm lực tại chỗ. Đến nay, 100% các đơn vị đã có bếp lò hơi, khu tăng gia, trồng trọt tập chung, mỗi đơn vị đều có đàn heo, đàn bò hàng chục con, đàn gia cầm hàng trăm con. Các đồn đã được xây dựng cơ bản, khang trang, 100 % các đơn vị đã có hệ thống điện lưới quốc gia, công tác quân y chăm sóc sức khỏe cho bộ đội luôn bảo đảm. Các đơn vị luôn duy trì thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Quản lý tốt, khai thác vũ khí trang bị tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”.

 Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh còn chỉ đạo các đồn biên phòng tăng cường công tác vận động quần chúng; đồng thời thực hiện có hiệu quả các mô hình, việc làm giúp dân phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn biên giới như: mở 5 lớp xóa mù chữ cho gần 100 học viên; phối hợp tổ chức quyên góp, xây tặng 166 nhà “Mái ấm nơi biên giới”, nhà “Đại đoàn kết”, nhà “Tình nghĩa” thuộc chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” và 16 công trình dân sinh tặng nhân dân các xã biên giới với số tiền trị giá gần 8 tỷ đồng; duy trì có hiệu quả công tác khám, điều trị bệnh cho nhân dân tại các phòng khám “Quân dân y kết hợp”…

Trải qua 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý và hàng chục cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương, bằng khen… Phát huy truyền thống vẻ vang, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh hiện nay luôn nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Lương Hòa

(Chính ủy Bộ đội Biên phòng Dak Lak)


Ý kiến bạn đọc