Multimedia Đọc Báo in

70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Công an Nhân dân Đắk Lắk

08:16, 04/08/2015

5. Công an nhân dân Đắk Lắk chủ động triển khai các biện pháp công tác đảm bảo an ninh - trật tự, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1986 đến nay)

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), cùng với cả nước bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, Đắk Lắk phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức to lớn, các thế lực thù địch và bọn phản động tăng cường liên lạc, móc nối với số đối tượng chống đối, số ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động cũ trên địa bàn tỉnh nhằm xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động tư tưởng “đa nguyên”, “đa đảng”, tán phát tài liệu phản động, vu cáo Việt Nam đàn áp dân tộc, tôn giáo và vi phạm dân chủ, nhân quyền. Trong đó, Fulrô trở thành lực lượng phản cách mạng nguy hiểm. Bên cạnh đó, Đắk Lắk cũng là địa bàn trọng điểm về tội phạm hình sự; hoạt động của các loại tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế, tội phạm môi trường, tệ nạn xã hội luôn ở mức cao và có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn tinh vi, tính chất nguy hiểm và hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Trước tình hình trên, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, từng bước nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, kịp thời đấu tranh trấn áp âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, góp phần giữ vững sự ổn định ANCT, TTATXH trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn từ 1986 đến 1992, hoạt động của Fulrô ở Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung ngày càng suy yếu, không gây ra các hoạt động đánh phá, khống chế dân như những năm trước. Thực hiện Chỉ thị 04/BBT của Ban Bí thư về tập trung đấu tranh, giải quyết vấn đề Fulrô, lực lượng Công an Đắk Lắk đã tăng cường phối hợp với Công an các tỉnh Tây Nguyên lập nhiều chuyên án đấu tranh, làm tan rã 17 khung chính quyền buôn, xã của Fulrô, bóc gỡ vô hiệu hóa hàng trăm cơ sở cốt cán Fulrô. Thắng lợi này đã đẩy toàn bộ lực lượng còn lại của Fulrô chạy sang Campuchia ẩn nấp. Tháng 10-1992, Fulrô buộc phải đầu hàng UNTAC (cơ quan quyền lực lâm thời của Liên hiệp quốc tại Campuchia), chấm dứt 17 năm hoạt động chống phá cách mạng của Fulrô.

Đồng thời, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tích cực đấu tranh với số phản động mới và phản động lợi dụng tôn giáo nhất là bọn phản động trong đạo Tin lành và Thiên chúa, tổ chức phát động quần chúng ở 4 địa bàn tập trung đông giáo dân ở Chính Nghĩa, Châu Sơn, Hòa An, Thống Nhất với 6.500 lượt người tham dự; tác động lôi kéo, hướng lái hoạt động của Giáo hội và Giáo dân theo hướng tuân thủ pháp luật, gắn bó với dân tộc, với Tổ quốc, từng bước làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo.

Những năm đầu thế kỷ 21, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, được sự hậu thuẫn của Mỹ và các thế lực thù địch, bọn phản động Fulrô lưu vong tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nhen nhóm phục hồi tổ chức Fulrô ở bên ngoài, lôi kéo, kích động đồng bào DTTS trong nước tham gia biểu tình, gây rối ANTT, vượt biên trái phép qua Campuchia; hoạt động của bọn phản động lợi dụng tôn giáo, phản động người Mông và các tà đạo như “Hà Mòn”, “Pháp luân công”… cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa. Tình hình tranh chấp, khiếu kiện diễn biến phức tạp, dễ phát sinh thành “điểm nóng”. Hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội ngày càng tinh vi, phức tạp, địa bàn tỉnh được xác định là một trong 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm hình sự của cả nước.

Công an tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) thường xuyên  hợp tác phòng, chống tội phạm, góp phần duy trì ổn định ANTT  trên tuyến biên giới giữa 2 tỉnh. Ảnh: Trọng Tính
Công an tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) thường xuyên hợp tác phòng, chống tội phạm, góp phần duy trì ổn định ANTT trên tuyến biên giới giữa 2 tỉnh. Ảnh: Trọng Tính

Trước tình hình trên, được sự chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các cấp, các ngành, CBCS Công an Đắk Lắk luôn giữ bản lĩnh chính trị vững vàng, đẩy mạnh các mặt công tác nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đã kịp thời phát hiện, bóc gỡ, vô hiệu hóa trên 3.500 lượt đối tượng cơ sở ngầm Fulrô, hơn 140 đối tượng liên quan hoạt động lập “Vương quốc Mông”, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của bọn phản động Fulrô, phản động người Mông, ngăn chặn hiệu quả các đợt kích động biểu tình, bạo loạn, vượt biên; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại nội bộ của các thế lực thù địch; quản lý 1.300 đối tượng lâm thời trọng điểm; đảm bảo an ninh trên các lĩnh vực chính trị nội bộ, tôn giáo, nông thôn, biên giới; tham mưu giải quyết ổn định, tạm ổn định 215/227 vụ việc tranh chấp, khiếu kiện; duy trì và thực hiện có hiệu quả thỏa thuận hợp tác phòng, chống tội phạm với Công an tỉnh Mondulkiri – Campuchia, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Trên lĩnh vực giữ gìn TTATXH, lực lượng Công an tỉnh đã thể hiện vai trò nòng cốt và làm tốt chức năng thường trực Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên; ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp công tác phòng, chống tội phạm về TTXH, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; triệt xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết các Chuyên đề, Chuyên án lớn; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, tổ chức xây dựng phong trào quần chúng tự quản về ANTT ở xã, phường, thôn, buôn. Từ năm 1986 đến nay, đã điều tra, khám phá 21.445 vụ phạm pháp hình sự (tỷ lệ điều tra án hàng năm trung bình đạt trên 64,4%, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trung bình trên 82,5%), bắt 28.223 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá hơn 71 tỷ đồng; xác lập, đấu tranh 520 chuyên án hình sự, triệt phá 1.083 băng, nhóm bắt 5.119 đối tượng hoạt động tội phạm; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 6.238 đối tượng có lệnh truy nã.

Phát hiện 5.436 vụ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế - chức vụ, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây thiệt hại hơn 321 tỷ đồng; điều tra, xử lý 1.522 vụ, bắt 2.503 đối tượng, thu hồi tài sản khoảng 86,86 tỷ đồng. Phát hiện, bắt giữ 1.068 vụ, 2.011 đối tượng phạm tội về ma túy; thu 3,913 kg Hêrôin, 2,5 kg thuốc tân dược, 274,36 gam ma túy tổng hợp, 6,2 kg cần sa khô, 315,6 gam nhựa cần sa, 25,073 kg thuốc phiện và trên 1,359 tỷ đồng.

Công tác quản lý cư trú; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và các hành vi sản xuất, vận chuyển, mua bán và đốt các loại pháo; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Đã vận động người dân giao nộp 2.684 khẩu súng các loại, 629 quả lựu đạn, 06 quả mìn, 462,2 kg thuốc nổ, 1.973 kíp nổ, 828 viên đạn các loại, 9.157 cây, dây pháo; thu giữ 3.784 đồ chơi trẻ em nguy hiểm.

Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; tổ chức nhiều đợt cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Đã tham mưu các cấp, các ngành tổ chức tháo dỡ 9.472 nhà, lều, quán, ki ốt, 2.455m tường rào, 1.380 bục bệ cầu nối trên vỉa hè, 1.556 mái che, biển hiệu vi phạm và giải tỏa 17 chợ tự phát lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; tiến hành xử lý 21.385 trường hợp vi phạm luật giao thông, nhắc nhở trên 10.000 trường hợp. Từ năm 2000 đến nay, lực lượng CSGT tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đã phát hiện, lập biên bản, ra Quyết định xử phạt hành chính 1.084.535 trường hợp vi phạm, chuyển kho Bạc Nhà nước thu trên 307 tỷ đồng; tổ chức đăng ký, quản lý 1.076.527 phương tiện các loại, góp phần kìm giảm tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí, làm chuyển biến tích cực tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng Cảnh sát bảo vệ và cơ động đã triển khai bảo vệ tuyệt đối an toàn 9 mục tiêu trọng điểm, 330 Hội nghị, đoàn khách Trung ương và quốc tế đến hoạt động tại địa phương; 28.462 chuyến vận chuyển “hàng đặc biệt” trong và ngoài tỉnh. Tổ chức 9.946 ca tuần tra vũ trang với trên 56.000 lượt CBCS và 1.548 lượt Chó nghiệp vụ tham gia; phát hiện, xử lý 549 vụ việc phức tạp liên quan an ninh, trật tự, tạm giữ 512 đối tượng cùng nhiều phương tiện, tang vật giao các đơn vị chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Kết quả các mặt công tác trên đã góp phần giữ vững ANCT và TTATXH tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, hậu cần kỹ thuật những năm qua luôn được củng cố, tăng cường; phong trào thi đua vì ANTQ được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực. Tổ chức biên chế được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tăng cường cho Công an cấp cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng nâng cao, tạo chuyển biến mạnh trong thực hiện các mặt công tác Công an ở cơ sở. Công tác tự thanh tra, kiểm tra được chú trọng, đã chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm của CBCS.

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Công an Đắk Lắk đã không ngừng được củng cố và lớn mạnh, vững về chính trị, pháp luật, tinh thông nghiệp vụ, lập nhiều thành tích tô thắm thêm ngọn cờ truyền thống của Công an Đắk Lắk. Với những nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, lực lượng Công an tỉnh đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Buôn Ma Thuột giải phóng tỉnh Đắk Lắk; tích cực tham gia truy quét tàn quân ngụy, các đảng phái phản động và bọn tội phạm, đảm bảo ANQG, giữ gìn TTATXH trên địa bàn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chủ động triển khai các biện pháp công tác đảm bảo ANQG, giữ gìn TTATXH, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo môi trường hòa bình, ổn định phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận những nỗ lực và thành tích xuất sắc của lực lượng Công an Đắk Lắk 70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 08 tập thể và 04 cá nhân, 02 Huân chương Hồ Chí Minh, 17 Huân chương Độc lập hạng Nhì và Ba, 06 Huân chương Quân công cùng hàng nghìn Huân, Huy chương và Bằng khen, Giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc. Những thành tích của lực lượng Công an Đắk Lắk đã góp phần xứng đáng, tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam.

(Theo tài liệu Ban Tuyên giáo  Trung ương - Bộ Công an)

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.