Multimedia Đọc Báo in

"Bác sĩ" đặc biệt của máy bay quân sự

10:41, 29/11/2015

Để những chiến đấu cơ dũng mãnh bay lượn trên bầu trời và an toàn khi hạ cánh xuống mặt đất, cả một ban bay phải làm việc không ngừng nghỉ, trong đó, cán bộ, chiến sĩ bộ phận kỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng. Các anh được xem như “bác sĩ”, chuyên khám, kiểm tra “bệnh” cho máy bay.

Trước ngày những “chú chim sắt” cất cánh, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên ngành kỹ thuật (Trung đoàn Không quân 910, Trường Sĩ quan Không quân - đứng chân trên địa bàn tỉnh Phú Yên) phải tất bật chuẩn bị kiểm tra từ trước đó 1 ngày cho đến gần lúc bắt đầu bay. Nhằm bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến bay, họ phải thực hiện 4 giai đoạn chuẩn bị bay khá nghiêm ngặt: trước ngày bay, trước khi bay, chuẩn bị bay tiếp và sau khi bay. Công việc thường xuyên, cường độ cao nên khoảng 3 giờ 30 các anh đã bắt đầu một ngày làm việc và trở về nhà khi đã tối mịt, gần như là những người cuối cùng rời khỏi đường băng.

Thông thường để sửa chữa, kiểm tra các bộ phận trên máy bay cần một tổ kỹ thuật bao gồm tổ trưởng và các tổ viên của các chuyên ngành khác nhau như: vô tuyến điện tử, thiết bị hàng không, vũ khí hàng không, máy bay động cơ..., ngoài ra còn có các chuyên gia, trợ lý đầu ngành. Các anh tỉ mẩn kiểm tra cố định từng hệ thống, từng chi tiết, từ chiếc bu-lông đến nút ấn thông thoại của hệ thống liên lạc... Ngoài yêu cầu chung về phẩm chất, năng lực, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên ngành kỹ thuật phải luôn ghi nhớ và tuân thủ phương châm “Thận trọng, trung thực, tỉ mỉ, chính xác, an toàn”. Nhiều “bác sĩ” máy bay được anh em làm công tác kỹ thuật ngưỡng mộ, tự hào bởi “bắt bệnh” cho chiến đấu cơ rất giỏi, tiêu biểu như: Thiếu tá Phạm Văn Thai, Chủ nhiệm Kỹ thuật - Tiểu đoàn trưởng; Đại úy Lê Minh Đức, Phó Tiểu đoàn trưởng Kỹ thuật; Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Khắc Tú, Phó Đại đội trưởng Đại đội 2... Các anh rất thông thạo tiếng Nga, nắm rất rõ nguyên lý làm việc hệ thống máy móc, thậm chí chỉ cần nghe tiếng động cơ cũng có thể đoán trúng “bệnh” của “chim sắt”.

Đội ngũ “bác sĩ” của Trung đoàn Không quân 910 kiểm tra kỹ thuật  sau khi máy bay đáp xuống đường băng.
Đội ngũ “bác sĩ” của Trung đoàn Không quân 910 kiểm tra kỹ thuật sau khi máy bay đáp xuống đường băng.

Mặt trời đứng bóng, âm thanh gầm vang đầy kiêu hãnh của L-39 như xé toạc không gian rộng lớn, chú “chim sắt” rẽ gió, đáp xuống đường băng. Đội ngũ cán bộ, tổ trưởng và nhân viên kỹ thuật trong kíp làm việc nhanh chóng đảm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau: kiểm tra vòng kín, thông điện hệ thống thiết bị, máy móc... Tất cả các hoạt động được kết hợp nhuần nhuyễn, thuần thục. Trung úy Nguyễn Anh Quyền (Kỹ thuật trưởng Thiết bị hàng không) giải thích: “Thường thì khi máy bay hạ cánh, đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật lắng nghe phi công phản ánh tình trạng của máy bay, các hiện tượng hỏng hóc và kịp thời xử lý. Sau đó, tiếp tục nạp nhiên liệu, chuẩn bị các phương án bay tiếp theo. Vì điều kiện môi trường hoạt động ven biển nên nồng độ muối trong không khí cao hơn mức bình thường, để duy trì và nâng cao độ tin cậy, bảo đảm an toàn cho động cơ máy bay trực thăng, nhân viên kỹ thuật phải dùng bình xịt có nước ấm và hóa chất để tẩy rửa”.

Những năm gần đây yêu cầu nhiệm vụ đào tạo phi công, giờ bay, chuyến bay thường xuyên tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, vũ khí trang bị kỹ thuật qua nhiều năm sử dụng, tăng hạn nhiều lần, khí tài thay thế thiếu; điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nồng độ muối cao ảnh hưởng đến khả năng làm việc và độ tin cậy của vũ khí trang bị kỹ thuật... Để khắc phục những thách thức này, đội ngũ kỹ thuật của Trung đoàn đã và đang duy trì thực hiện đúng, đủ các nội dung, quy trình công tác kỹ thuật; tăng cường công tác kiểm tra dự phòng, kiểm soát chất lượng; bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành chất lượng cao.

Bên cạnh đó, để phục vụ hiệu quả cho công tác huấn luyện, đào tạo, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên ngành kỹ thuật của Trung đoàn Không quân 910 đã có những sáng chế thiết thực, hiệu quả như: Thiết kế và lắp đặt thiết bị kiểm tra máy phát điện phụ trên máy bay L-39, mô phỏng hoạt động hệ thống tự động điều chỉnh nhiên liệu động cơ máy bay L-39 và cắt bổ bộ tự động điều chỉnh nhiên liệu L-39... Một số hỏng hóc đặc trưng trên máy bay L-39 đơn vị đã hoàn toàn khắc phục được như hệ thống điều hòa, hệ thống chỉ báo lượng dầu...

Mặt trời đã đứng bóng, các ngành đã thu ban về nghỉ trưa, nhưng trên bãi đỗ của máy bay L-39 và máy bay trực thăng Mi-8 vẫn còn tấp nập màu áo xanh của người lính thợ. Các “bác sĩ ” của những chiến đấu cơ vẫn miệt mài, cần mẫn kiểm tra từng chi tiết trên máy bay, để bảo đảm an toàn cho những chuyến bay tiếp theo...

 Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc