Multimedia Đọc Báo in

Mãi tự hào là lính nhà giàn

15:12, 28/05/2017

Những ai đã trải qua đời quân ngũ đều có những kỷ niệm không thể nào quên. Với tôi, những ngày tháng cùng đồng đội “đồng cam cộng khổ” trên những nhà giàn DK1 đã trở thành kỷ niệm ăn sâu vào máu thịt mà mỗi lần nhắc nhớ là lòng lại rưng rưng xen lẫn niềm tự hào khó tả…

1. Tháng 10-1994, tôi ra trường và được điều về nhà giàn DK1 nhận nhiệm vụ. Trong 8 sĩ quan trẻ về nhà giàn lúc đó, mỗi tôi đeo lon Trung úy. Tôi chỉ biết nhà giàn DK1 qua lời mô tả của đồng đội đi trước: “Nó giống như cái chòi canh cắm giữa biển khơi, quanh năm nắng gió, cuộc sống khó khăn. Ở trên đó như Rô-bin-sơn, rất tự hào vì lòng quả cảm”. Lúc đó tôi 24 tuổi. Tôi nghĩ phải ra nhà giàn để hiểu về biển của Tổ quốc, để thử sức trẻ của mình.

Sau một thời gian huấn luyện học tập, tháng 3- 1995, tôi và 9 đồng đội khác được biên chế đi nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/6). Đây là nhà giàn thế hệ thứ hai đứng chân trên bãi cạn Phúc Nguyên. Trước ngày đi, đại tá Hoàng Kim Nông, lúc đó là Phó Lữ đoàn trưởng Chính trị Lữ đoàn 171 đến tận nơi động viên: “Ngoài đó khó khăn gian khổ, anh em phải thương yêu nhau, đoàn kết một lòng. Càng khó khăn càng vững niềm tin. Đất liền luôn chờ các đồng chí về”. 

Đêm đầu tiên trên tàu HQ-624 do đại úy Nguyễn Thế Song làm thuyền trưởng hành quân từ hải đội 812. Tàu chạy ra cửa biển Vũng Tàu thả neo, chúng tôi nôn thốc nôn tháo vì say sóng. Sau hai ngày hành trình trong sóng gió, tàu đưa chúng tôi đến nhà giàn Phúc Nguyên 2A. Nhìn nhà giàn chơi vơi giữa biển khơi, tôi vô cùng xúc động. Nghĩ đến câu chuyện kể về ba liệt sỹ đầu tiên hy sinh ở nhà giàn Phúc Tần cuối năm 1989, tôi tự nhủ: “Mình phải kiên cường và sống thật ý nghĩa”.

Vững tay súng nơi ngàn trùng sóng gió.
Vững tay súng nơi ngàn trùng sóng gió.

Tôi và 9 đồng đội bắt đầu cuộc sống giữa biển khơi. Khí hậu khắc nghiệt, gió quanh năm, nắng cháy da, thiếu nước ngọt, khát rau xanh, nhớ đất liền thắt ruột. Thời kỳ đó, ở nhà giàn chưa xem được ti vi bắt qua vệ tinh như bây giờ mà chủ yếu xem băng ca nhạc - loại băng bản to như cuốn sổ. Mọi thông tin ở đất liền đều thông qua chiếc radio nhỏ xíu. Sau giờ huấn luyện phương án bảo vệ nhà giàn, chúng tôi ngồi quanh cái radio ngoài lan can nghe Đài Tiếng nói Việt Nam; khi đi câu cá, tập thể thao cũng mang đài theo. Nghe đài khiến nỗi nhớ đất liền cũng vơi đi chút ít. Để nghe cho rõ, chúng tôi lấy lõi dây điện một đầu cột vào ăng-ten đài, một đầu thả chơi vơi giữa biển để tiếp sóng. 

Những năm 1990-1995, việc trồng rau xanh ở nhà giàn chưa thuận lợi như bây giờ. Thức ăn của bộ đội lúc đó chủ yếu là cá tươi câu lên từ biển. Do thiếu rau xanh, nhiều chiến sĩ đã đau vắt bụng. Một kỷ niệm không thể nào quên, đó là chiều tối cuối tháng 12-1995, sau gần 2 tuần sóng to gió lớn, biển động dữ dội, không câu được cá biển, anh em “đói” meo, tôi đã nhổ gốc rau dền tước vỏ nấu canh loãng chan cơm. Thế mà bữa cơm chiều đó ai cũng khen ngon miệng.

2. Một ký ức tôi không bao giờ quên trong đời lính nhà giàn là lần trực tiếp chứng kiến vụ sập nhà Phúc Nguyên 2A trong cơn bão Fathes tháng 12-1998.

Đầu tháng 12-1998, tôi được điều về đất liền tăng cường cho Đại đội thông tin Phòng Tham mưu Lữ đoàn 171 Hải quân với chức trách là phó đại đội trưởng chính trị. Chiều 12-12-1998, tôi nhận nhiệm vụ trực đêm thì trực ban thông tin báo có bão ập vào nhà giàn Phúc Nguyên 2A. Nghe tin bão, tôi mường tượng ra những con sóng như quả núi đang ập đến ngôi nhà giàn mà tôi đã từng sống ở đó 12 tháng liên tục. Chúng tôi ngồi trước đài canh thông tin, theo dõi tình hình bão tố và kịp thời báo cáo cho Sở Chỉ huy về mức độ an toàn của nhà giàn. Đó là những giờ căng thẳng nhất khi liên tục nhận được điện trực tiếp từ Trung úy Dương Văn Hoan, Phó Chỉ huy trưởng Quân sự nhà giàn 2A báo cáo sức về tàn phá của bão tố. Khi nghe chiến sĩ thông tin Hoàng Văn Thủy nói lời vĩnh biệt đất liền với đài canh Sở Chỉ huy Hải Phòng: “Chị Vân ơi, em là Hoàng Văn Thủy, bố em là Hoàng Văn Sơn, mẹ em là Lê Thị Thịnh ở Lưu Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Nếu em chết đi, nhờ chị báo tin cho bố mẹ em nhé”, chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Đêm đó, cả Đại đội thông tin thức trắng, nghe ngóng từng chút thông tin từ nhà giàn 2A. Ruột gan tôi quặn thắt, nhiều chiến sĩ thông tin mắt đỏ hoe thương đồng đội.

Sớm hôm sau, tin chính thức nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị bão đánh sập lan truyền khắp Lữ đoàn 171. Tất cả bàng hoàng, ai cũng cầu mong cho các chiến sĩ được tàu cứu sống và về đất liền an toàn. Nhưng điều đó không xảy ra. Ba chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi là Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng và Thiếu úy Nguyễn Văn An. Đại úy Vũ Quang Chương hy sinh khi tuổi mới chớm 30, Chuẩn úy Lê Đức Hồng ngã vào lòng biển mẹ với mối tình đầu từ kết bạn còn dang dở, Thiếu úy Nguyễn Văn An để lại người vợ trẻ và đứa con chưa nhìn thấy mặt và lời lỗi hẹn đặt tên cho con…

3. Công tác ở nhà giàn DK1, sợ nhất là không may bố mẹ từ trần, vợ ốm, con đau mà không thể về kịp thời chịu tang,chăm sóc vì biển xa sóng gió, điều kiện di chuyển gặp nhiều khó khăn.

Tháng 8 - 2002, đang làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1/14 thì tôi nhận được tin bố mất ở quê nhà. Khi đó, có đoàn đại biểu từ đất liền do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh dẫn đầu đến thăm, nghe câu chuyện của tôi, ông Thanh cầm tay tôi bảo: “Cho đồng chí theo tàu về đất liền. Thời bình chứ thời chiến đâu”. Tôi xin ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ để về chuyến tàu sau làm giỗ 50 ngày cho bố.

Chiến sĩ nhà giàn DK1/11 trồng rau xanh. Ảnh: M. Khoa
Chiến sĩ nhà giàn DK1/11 trồng rau xanh. Ảnh: M. Khoa

Khi nghe tin bố mất, tôi không khóc dẫu nỗi buồn ly biệt dồn nén trong lòng. Vậy mà khi chiếc xuồng nhỏ của tàu BD - 794 đưa tôi và một số chiến sĩ về đất liền, ngồi dưới xuồng, nhìn với lên nhà giàn, nước mắt tôi lại trào ra. Tôi khóc vì thương đồng đội quá. Cảm giác phải xa anh em đã từng gắn bó cùng mình những ngày tháng gian khổ còn lớn hơn cả sự hy sinh. Mỗi lần nhìn hình ảnh nhà giàn chơi vơi giữa ngàn trùng sóng gió là tôi không cầm được nước mắt.

4. Trong 11 năm công tác ở nhà giàn, tôi có biết bao ký ức buồn vui, xúc động. Điều đọng mãi trong tôi chính là tình đồng đội trong những ngày gian khổ. Chính nó đã giúp tôi và các đồng đội có bản lĩnh vững vàng, chống chọi với bão tố, kẻ thù để giữ gìn biển đảo Tổ quốc.

Nhà giàn DK1 bây giờ đã khác ngày xưa. Điện thắp sáng từ pin năng lượng mặt trời dùng cả ngày không hết. Ngồi trên sóng nước vẫn cập nhật thông tin từ đất liền qua mạng Internet. Nhà giàn và đất liền đã nối liền khoảng cách nhờ có sóng điện thoại di động. Mặc dù có nhiều thuận lợi hơn trước đây, nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tình yêu biển đảo của Tổ quốc. Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ nhà giàn là ngần ấy trái tim luôn thao thức, phập phồng trong lồng ngực, sẵn sàng cống hiến hy sinh quên mình vì Tổ quốc. Và đó là sứ mệnh, niềm tự hào kiêu hãnh của thế hệ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn suốt 28 năm qua. 

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.