Multimedia Đọc Báo in

Nhân Ngày truyền thống Công an nhân dân (19-8)

Những chiến sĩ Công an nhiệt huyết với công việc

09:44, 29/08/2017

Một nữ cảnh sát có khuôn mặt phúc hậu nhưng lại là “khắc tinh” của tội phạm bị truy nã; một đại tá làm công tác an ninh luôn sát cánh cùng đồng bào các buôn làng. Dù nhiệm vụ khác nhau nhưng cả hai đều là những chiến sĩ Công an nhiệt tình, tận tụy, hết sức mình vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Sắc sảo, kiên quyết nhưng đầy tính nhân văn

Nếu chị không mặc cảnh phục chắc khó nhận ra chị giữa hàng nghìn những người phụ nữ Việt Nam sớm chiều trên mọi nẻo đường tất bật giữa công việc và gia đình. Bởi dù từng là Đội phó Đội Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh với biệt danh “khắc tinh của tội phạm” nhưng Trung tá Trần Thị Kim Thanh, Đội trưởng Đội Chính trị hậu cần Công an TP. Buôn Ma Thuột vẫn là một phụ nữ bình dị, dịu dàng.

Năm 1984, học xong lớp 12, vừa 19 tuổi, Thanh theo cha từ Bình Định lên Đắk Lắk và trúng tuyển ngay đợt đầu ngành Công an tuyển quân. Chị được phân công về bộ phận tàng thư. Chị bảo rất thích công việc này vì đọc và phân tích các loại vân tay có rất nhiều điều hay, nếu không được tiếp xúc ít ai hiểu được. Công việc tưởng chừng đơn giản này đã giúp chị rất nhiều trong việc truy nã tội phạm sau này.

Đến năm 1991, chị Thanh được chuyển về Phòng Hình sự. Chưa có nghiệp vụ, nhưng vì chữ đẹp nên ban đầu chị được phân công viết lệnh truy nã. Biết nhược điểm của mình, chị đã nỗ lực học tập các đồng nghiệp, theo học Trung cấp Cảnh sát điều tra, rồi học lên Đại học Luật. Kinh tế khó khăn, con nhỏ, chồng cũng là cảnh sát điều tra công tác xa nhà tới gần 50 km, một mình chị vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa chăm sóc gia đình lại vừa đi học, quả là chẳng dễ dàng gì.  Chị tâm sự: “Nhiều hôm theo nhiệm vụ không đón con được, phải nhờ đồng đội đến nhà trẻ đón giúp. Về đến nhà thấy con bé nước mắt giàn giụa vì tủi thân và nhớ mẹ. Hai mẹ con ôm nhau cùng khóc. Tội nghiệp, mãi rồi cũng phải quen đấy”.

Nhiệm vụ của chị là truy nã và dẫn giải tội phạm. Công việc chẳng đơn giản chút nào, nhất là đối với phụ nữ bởi việc đi công tác địa bàn dài ngày, đến tận những nơi xa xôi hẻo lánh, dưới nhiều hình dạng cải trang đã chẳng dễ dàng gì, lại còn phải bảo đảm an toàn cho cả đồng đội lẫn tội phạm trong quá trình dẫn độ. Như lần Thanh và một đồng đội trẻ phải truy tìm tội phạm Lê Thị D. chiếm đoạt tài sản hơn 3 tỷ đồng, bị Công an tỉnh Bắc Ninh phát lệnh truy nã, dạt vào ẩn trốn tại Đắk Lắk. Chị và đồng đội đóng vai hai mẹ con nghèo đi xin việc làm, lân la mọi quán phở,  mọi khu chợ hoặc trang trại do người Bắc Ninh làm chủ khắp mọi nơi trong tỉnh để  tìm kiếm. Hơn một tháng trời ròng rã mới phát hiện được đối tượng đang tá túc ở huyện Krông Năng. Đến giờ phối hợp với công an địa phương thực hiện lệnh bắt thì lại được tin đối tượng đang ngồi trong chiếu bạc ở giữa chợ Ea Tân, thế là phương án phải nhanh chóng thay đổi, gấp rút điều nghiên, bố trí lực lượng, làm sao để không kinh động người dân địa phương, không để đối tượng được đồng bọn giải cứu. Nhiệm vụ hoàn thành, người dân xung quanh chỉ biết công an vây bắt đám đánh bạc.

So với một số đồng đội trong cùng đơn vị, Thanh ít tuổi đời, tuổi nghề, kể cả tuổi Đảng hơn nhưng với vai trò Đội phó Cảnh sát Hình sự, chị vẫn luôn được anh em nể trọng và chấp hành sự phân công công tác, bởi chị nắm rất chắc ưu nhược điểm của cán bộ, chiến sĩ trong đội để bố trí nhiệm vụ đúng người, đúng việc,  đúng năng lực. 

Công tác trong lực lượng Cảnh sát hình sự 25 năm, trực tiếp tham gia truy nã và dẫn độ hàng trăm tội phạm, chị đều bảo đảm an toàn, chưa hề xảy ra sự cố nào. Đó không phải nhờ ở võ nghệ cao cường mà chính  từ tấm lòng nhạy cảm của một người phụ nữ nhân hậu. Chị bảo: “Họ phạm tội, sẽ có pháp luật truy cứu. Mình dẫn giải là trách nhiệm của trinh sát. Nhưng cả hai bên vẫn đều là con người, phải cư xử với họ như với con người mới cảm hóa và giúp họ phân biệt điều phải trái”. Như lần truy tìm tội phạm là một cặp vợ chồng có 4 con nhỏ, cùng bị truy nã vì tội lừa đảo do vay tiền nhiều người, làm ăn thất bát nên bỏ trốn. Sau khi bị bắt, họ bị tòa xử tù giam chồng 3,5 năm, vợ 4,5 năm. Với tri thức của một người đã học và đang thi hành luật, Thanh đã tư vấn và hướng dẫn họ làm đơn, xin cho chồng được thụ án trước, vợ ở nhà nuôi con. Chưa hết thời hạn, chồng cải tạo tốt nên được giảm án, vợ giao lại nhà cửa con cái cho chồng, thực hiện bản án đã bị tuyên. Trong suốt thời gian dài ấy, Thanh vẫn thường thư từ, qua lại gia đình thăm nom, nhắc nhở vừa là trách nhiệm quản lý vừa với tình cảm thân thiết.  Năm 2009, người phụ nữ ấy mãn hạn. Hai bên đã kết nghĩa chị em và tới nay vẫn gắn bó rất thân thiết.

Đầu năm 2017, chị được phân công làm Đội trưởng Chính trị hậu cần ở Công an TP. Buôn Ma Thuột. Nhiệm vụ mới, hoàn cảnh mới, với trách nhiệm chăm lo hơn 700 cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị, lẫn cơ sở vật chất phục vụ nghiệp vụ  bảo đảm an ninh chính trị của một thành phố phát triển mạnh như Buôn Ma Thuột, Thanh lại nỗ lực tìm hiểu và tiếp cận công việc.

Không chỉ giỏi nghiệp vụ, chị còn là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ của Công an tỉnh xông xáo, nhiệt tình, là một phụ nữ yêu thương gia đình, đảm việc nhà, gìn giữ tổ ấm. Năm 2016, Trung tá Trần Thị Kim Thanh là một trong 20 chị em được nhận danh hiệu Phụ nữ tiêu biểu của ngành.

Người chiến sĩ công an gần 40 năm gắn bó với công tác an ninh dân tộc

Hè năm ấy, cậu học trò lớp 12 Nguyễn Cộng Hòa (quê Nam Đàn, Nghệ An) nhận cả hai giấy báo đỗ Đại học Nông nghiệp và giấy gọi đi nghĩa vụ quân sự. Do điểm thi đại học đạt cao nên Hòa được về Ty Công an Nghệ Tĩnh làm nghĩa vụ, rồi lại được đi học Trung cấp An ninh. Nghiệp công an đến với Đại tá Nguyễn Cộng Hòa, Trưởng Phòng An ninh dân tộc – Công an tỉnh bắt đầu như thế.

Từ tháng 8-1981 được phân công tăng cường về đội chống Fulrô thuộc Phòng chống phản động - Công an tỉnh, anh Hòa gắn bó với công tác giữ gìn an ninh dân tộc cho đến nay. Những năm tháng đầu tiên ấy, anh bắt đầu nhiệm vụ của mình bằng việc học tiếng Êđê, sau 3 tháng đã có thể trò chuyện thành thạo với người dân. Đến nay anh đã có thể giao tiếp hoàn hảo bằng 5 thứ tiếng Êđê, Mông, Tày, Nùng, Dao. Anh nói mình may mắn khi ngay từ ban đầu đã được cùng làm việc với cố Anh hùng Lực lượng vũ trang Y Ni Ksor, người dân tộc J’rai, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, người đã có rất nhiều chiến tích trong cuộc chiến chống Fulrô hàng chục năm ở Tây Nguyên. Anh tâm sự: “Tôi học được từ anh ấy nhiều điều lắm về phương pháp tiếp cận và vận động quần chúng là người dân tộc thiểu số. Sống với bà con là phải sống thật, biết tiếng, am  hiểu phong tục cùng với vận dụng kiến thức sâu, tri thức cao mới có thể gần dân, được dân tin và nhanh chóng nắm bắt được mọi thông tin cần thiết”.

Đại tá Nguyễn Cộng Hòa.
Đại tá Nguyễn Cộng Hòa.

Nguyễn Cộng Hòa say sưa kể về các chiến sĩ trinh sát của mình, về cả những đối tượng đã từng được các anh tiếp xúc, vận động trong thời gian dài nay đã trở thành những nông dân làm ăn giỏi, có đời sống kinh tế ổn định như Ama Chinh (buôn Thah, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột), Ama Mai, Ama Tim  (buôn Pốk B, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar), Ama Hem (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar)… Đại tá Nguyễn Cộng Hòa và những người nông dân ấy vẫn thường qua lại thăm nom như những người thân trong gia đình. Kỷ niệm sâu sắc nhất với anh là trường hợp Y Thái (buôn Sut Hluôt, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) theo Fulrô từ năm 1979 đến năm 1985, được anh cùng với gia đình vận động ra đầu thú, mang về nộp 1 khẩu AK, 5 viên đạn. Họ cột rượu cần nhận nhau làm anh em kết nghĩa suốt đời. “Chỉ có niềm tin, sự chân thành cùng với sự giúp đỡ của gia đình, buôn làng xung quanh mới cảm hóa thành công các đối tượng lầm đường lạc lối”, chính vì thấu hiểu điều này mà Phòng An ninh dân tộc không chỉ thực thi nhiệm vụ bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc mà còn tham mưu cho cấp trên về phát triển kinh tế vùng đặc thù để ổn định đời sống cũng đồng nghĩa với ổn định về an ninh xã hội. Cả phòng gồm 41 chiến sĩ, trong đó có tới 2/3 là người dân tộc thiểu số cũng thấu hiểu như thủ trưởng của họ rằng “Công an là phải nhân văn” để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đơn vị 2 năm liền được Cờ thi đua của toàn ngành. Riêng Đại tá Nguyễn Cộng Hòa, được trao tặng 3 Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, 2 Huân chương bảo vệ Tổ quốc, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… Đó là niềm tin, cũng là niềm tự hào tiếp sức cho anh luôn đam mê với nghiệp trinh sát, nỗ lực trở thành chiến sĩ công an thật sự có bản lĩnh, nhân văn và vì dân phục vụ. 

H’Linh Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.