Multimedia Đọc Báo in

Rộn ràng ban nhạc lính

16:25, 26/01/2018

Chương trình văn nghệ đặc biệt “Chào Xuân Mậu Tuất 2018” ở Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584, Bộ CHQS tỉnh) với sự góp mặt của ban nhạc Quân nhân 9X diễn ra đêm giao thừa năm nay là sự kiện được cả đơn vị mong chờ, đón đợi.

“Về thăm thành phố náo nức mùa xuân. Ba lô trên lưng mang theo nhánh lan rừng. Có người chiến sĩ, áo vương bụi đường xa. Đi giữa dòng người qua phố phường đông vui”… những lời ca tươi trẻ trong ca khúc “Nhánh lan rừng” (nhạc sĩ Thế Hiển) qua phần thể hiện của tam ca nam trong ban nhạc Quân nhân 9X trên nền nhạc ghi-ta, cajon, organ, sáo trúc rộn ràng khiến ai nấy đều cảm nhận rất rõ không khí náo nức của mùa xuân.

Hơn một tháng nay, tối nào ban nhạc Quân nhân 9X và đội văn nghệ xung kích của Liên chi đoàn cũng tập trung về hội trường Tiểu đoàn 303 miệt mài luyện tập, chuẩn bị chương trình Tết. Nhìn Trung sĩ Nguyễn Văn Ngọc (Tiểu đội trưởng Tiểu đội phục vụ) - “nghệ sĩ” sáo trúc “phiêu” theo từng nốt nhạc, chẳng ai tin trước ngày nhập ngũ anh chưa từng thổi sáo. Ngọc tâm sự: “Khi tôi đi học lớp Tiểu đội trưởng ở Trường Quân sự Quân khu, tình cờ chơi thân với một cậu bạn có biệt tài thổi sáo rất hay. Nhờ cậu ấy hướng dẫn nên tôi cũng biết đôi chút về sáo trúc, có thể độc tấu, hòa tấu hoặc đệm được một vài bài. So với nhiều loại nhạc cụ thì sáo trúc cấu tạo đơn giản và giá thành cũng rẻ hơn. Thổi sáo, khó nhất là cách lấy hơi. Tôi có hai cây sáo, một cây sáo “đô” và một cây sáo “pha”, tùy vào kích thước, khoảng cách giữa các lỗ mà mỗi cây sẽ tạo ra một âm sắc, tiết tấu riêng”.

Ban nhạc Quân nhân 9X tích cực luyện tập chương trình Tết.
Ban nhạc Quân nhân 9X tích cực luyện tập chương trình Tết.

Ban nhạc Quân nhân 9X được thành lập vào tháng 3-2017 với 8 thành viên, do Binh nhất Mlô Y Yưk (Trung đội súng máy phòng không 12,7 mm) làm đội trưởng. Y Yưk đã tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật chuyên ngành múa dân gian, từng công tác tại nhiều đoàn nghệ thuật trước khi nhập ngũ nên rất có kinh nghiệm trong việc biên đạo, dàn dựng chương trình. Các “nhạc công, nghệ sĩ tay ngang” trong đơn vị được Y Yưk phát hiện, dìu dắt, qua thời gian đều tiến bộ rõ nét. 

Góp mặt ở hầu hết chương trình Tết, tối nào bộ ba Hạ sĩ Y Hùng Kmăn - nhạc công đàn Organ, Binh nhất Ai Phon - nhạc công đàn ghi-ta, Binh nhất Lê Đức Hùng - nhạc công trống cajon (cùng ở Trung đội súng máy phòng không 12,7mm) cũng phải “đi trước, về sau”, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi hợp luyện. Xuân này, ngoài chương trình văn nghệ đặc biệt của Liên chi đoàn thì các chi đoàn, phân đoàn đều có những chương trình riêng, thế nên các “nghệ sĩ” phải liên tục “chạy sô” phục vụ bộ đội. Tuy “cát-xê” sau từng buổi diễn chỉ là những tràng pháo tay, khoanh bánh tét, nắm hạt dưa, lon nước ngọt nhưng ban nhạc luôn cảm thấy tự hào, hạnh phúc bởi được góp phần nhỏ bé mang lại mùa xuân mới tươi vui, ấm áp cho đồng đội thân yêu.

Đại úy Rahlan Huỳnh, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 303 kiêm Bí thư Liên chi đoàn cho biết: “Vai trò của ban nhạc thể hiện rõ nét trong những buổi sinh hoạt Đoàn, sinh nhật đồng đội, diễn đàn thanh niên, văn hóa văn nghệ. Ban nhạc đi đến đâu, không khí tươi vui, rộn ràng đến đó. Chúng tôi kết cấu chương trình Tết có cả múa, hát, nhạc, kịch, thơ nhằm mang lại hiệu ứng cao nhất cho người xem. “Cây nhà lá vườn” nên các chi đoàn đều có đất diễn”.

Việt Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.