Multimedia Đọc Báo in

Giúp đất nghèo cho "quả ngọt"

07:07, 22/04/2018

Đứng chân trên địa bàn hai xã biên giới Ia R’vê và Ia Lốp (huyện Ea Súp), nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn, bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 (Đoàn 737) luôn đồng hành, giúp đỡ nhân dân từng bước ổn định cuộc sống, xây dựng biên cương ngày càng khởi sắc.

Nhiều cách làm giúp dân phát triển kinh tế

Từ Hà Nam vào Tây Nguyên với hai bàn tay trắng, nhờ chịu thương, chịu khó, biết tính toán làm ăn, sau hơn chục năm gắn bó với dải đất biên cương, đến nay gia đình Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Trịnh Văn Vấn, nhân viên thống kê Đội sản xuất nông lâm 3 đã có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, là điển hình trong lao động sản xuất để bà con trong vùng tìm đến tham quan, học tập. Chia sẻ về cách làm của mình, anh Vấn cho biết: “Để nói dân tin, làm dân theo, vợ chồng tôi tận dụng 2 ha đất được cấp trồng rau, trồng sắn, trồng cỏ rồi vay mượn thêm mua dê, bò, thỏ về nuôi. Lấy ngắn nuôi dài, dần dần tôi cũng có của ăn của để, mỗi năm cung cấp cho bà con hàng chục cặp dê, bò giống và hàng trăm cặp thỏ thịt”.

Cán bộ Đội sản xuất nông lâm 5 (Đoàn 737) đến thăm mô hình nuôi bò của gia đình anh Hà Văn Hưng.
Cán bộ Đội sản xuất nông lâm 5 (Đoàn 737) đến thăm mô hình nuôi bò của gia đình anh Hà Văn Hưng.

Với mục tiêu xây dựng các mô hình tăng gia sản xuất mới, khi thành công sẽ từng bước nhân rộng, giúp người dân phát triển kinh tế, hai năm trước, Đoàn 737 tiến hành thử nghiệm chăn nuôi cá lăng, cá rô phi đơn tính, vịt trời sinh sản và thương phẩm… cung cấp hàng vạn con giống cho người dân với giá ưu đãi. Hiện nay, đơn vị đang triển khai một số dự án thủy lợi, nước sạch, khai hoang đất và các mô hình tăng gia sản xuất, nuôi trồng thực nghiệm, liên doanh, liên kết kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng…

Đại tá Nguyễn Thế Thái, Đoàn trưởng Đoàn 737 cho hay: “Không chỉ khai hoang, bàn giao cho chính quyền địa phương hơn 2.000 ha đất sản xuất để cấp cho nhân dân, những năm qua, đơn vị còn tích cực thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển các mô hình kinh tế mới, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn để từng bước nhân rộng, chuyển giao kỹ thuật, hợp tác đầu tư, bao tiêu sản phẩm giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện nay đã có 5 doanh nghiệp trồng thực nghiệm các loại cây ca cao, cao lương, khoai lang, sắn cao sản và chuối xuất khẩu trên diện tích 385 ha, bước đầu đạt được kết quả rất khả quan”.

Đã thu “quả ngọt”

Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 737, nhiều hộ gia đình cuộc sống ngày càng ổn định và khấm khá. Mới đây, vừa bán cặp bò được hơn 30 triệu đồng, vợ chồng anh Hà Văn Hưng và chị Hà Thị Hữu (thôn 5, xã Ia R’vê) liền điện thoại nhờ Thiếu tá Nguyễn Đắc Thống, Đội trưởng Đội sản xuất nông lâm 5 (Đoàn 737) dẫn ra thị trấn Ea Súp mua xe máy cày. Anh chị nhẩm tính, đang là cao điểm thu hoạch mía đường và sắn, nhu cầu vận chuyển của bà con rất lớn, nếu chịu khó chở hàng thuê, sẽ sớm thu hồi lại vốn.

Anh Trịnh Văn Vấn (Đội sản xuất nông lâm 3) kiểm tra đàn thỏ thương phẩm của gia đình trước khi xuất bán.
Anh Trịnh Văn Vấn (Đội sản xuất nông lâm 3) kiểm tra đàn thỏ thương phẩm của gia đình trước khi xuất bán.

Chứng kiến cơ ngơi của anh Hưng bây giờ, ít ai dám nghĩ chỉ cách đây vài năm, anh từng là một trong số 37 hộ nghèo nhất trong vùng, được Đoàn 737 xây tặng nhà Tình nghĩa. Mọi việc chỉ thực sự thay đổi khi gia đình anh được bộ đội tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật và đứng ra bảo lãnh vay Ngân hàng Chính sách xã hội 25 triệu đồng để nuôi bò sinh sản. Vừa chăn nuôi vừa làm rẫy, lại có hai con nhỏ nhưng ngày ngày anh vẫn đi phụ hồ, nhổ sắn thuê để kiếm thêm thu nhập, dư được đồng nào lại đầu tư phát triển đàn bò và thuê đất trồng sắn. Vừa làm vừa tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm, sau 3 năm, anh đã trả hết nợ ngân hàng, có tiền cho con đi học và sắm được nhiều vật dụng tiện nghi.

Như gia đình anh Hưng, hàng trăm hộ dân khác từ Bến Tre, Thanh Hóa, Cao Bằng, Điện Biên… vào Ea Súp đi xây dựng vùng kinh tế mới, cũng được cán bộ, đội viên Đoàn 737 quan tâm, giúp đỡ và từng bước thoát nghèo. Đất nghèo cho “quả ngọt”, nhiều hộ dân giờ đây không chỉ đủ ăn mà còn trở thành triệu phú, tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Huệ và bà Nguyễn Thị Y (thôn 7, xã Ia R’vê)  với mô hình trồng mít Thái cao sản kết hợp nuôi gà thả vườn; gia đình anh Hồ Văn Sông và chị Kiều Kim Hồng (thôn Án, xã Ia Lốp) với mô hình nuôi bò chăn thả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Bùi Thị Kim Hiền (thôn 11, xã Ia R’vê) không may bị cháy nhà, chỉ vài ngày sau đã được bộ đội dựng cho ngôi nhà mới khang trang trên chính nền đất cũ. Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình địa bàn khu vực biên giới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo.

Thuận An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.