Multimedia Đọc Báo in

Ký ức Trường Sơn

10:16, 28/04/2018

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, tuy vậy ký ức về chuỗi tháng năm gian khó nhưng rất đỗi hào hùng vẫn còn sống mãi trong tâm khảm của những người lính Trường Sơn năm xưa.

Chúng tôi tìm gặp Đại tá Lê Xuân Bá, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn  - đường Hồ Chí Minh tỉnh, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 tại nhà riêng của ông ở TP. Buôn Ma Thuột. Nhắc đến đường Trường Sơn huyền thoại, ông như chạm vào vùng ký ức đầy kỷ niệm thời hoa lửa. Đó là những năm tháng bom đạn đi qua với không biết bao lần ông và đồng đội chạm vào lằn ranh sinh tử.

 “Không thể diễn tả hết được sự ác liệt của chiến tranh! Nhiều đoạn đường của ta vừa hoàn thành đã bị địch bắn phá không thương tiếc bằng các loại vũ khí tối tân. Máu của bộ đội Trường Sơn nhuộm đỏ cả cung đường, nhưng những người lính quả cảm vẫn kiên định tiếp tục mở đường hành quân ra chiến trường,  bảo đảm bí mật tối đa với phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”… - Đại tá Lê Xuân Bá bồi hồi nhớ lại.

Phát huy truyền thống cha anh, lớp lớp thế hệ chiến sĩ ra sức canh giữ bảo vệ biên giới Tổ quốc.  Ảnh: Đ. Triều
Phát huy truyền thống cha anh, lớp lớp thế hệ chiến sĩ ra sức canh giữ bảo vệ biên giới Tổ quốc. Ảnh: Đăng Triều

Người cựu binh tuổi 83 luôn khắc ghi ký ức về bến phà sông Sêrêpốc. Năm 1973, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 (Sư đoàn 470, Đoàn 559) Lê Xuân Bá được giao nhiệm vụ chỉ huy thi công đoạn đường Trường Sơn dài khoảng 80 km từ đường 19 (tỉnh Gia Lai) đến sông Sêrêpốc (Đắk Lắk). Trong đó, đoạn qua sông Sêrêpốc xây dựng các hạng mục: bến phà qua sông, bến ngầm xe tăng, cầu nổi để xe tăng, ô tô, pháo binh và bộ binh vượt sông. Cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã anh dũng vượt qua hiểm nguy, khó khăn chồng chất dưới làn mưa bom bão đạn để đoạn đường sớm thông tuyến, góp phần chi viện sức người, sức của của hậu phương cho miền Nam ruột thịt.

Đại tá Lê Xuân Bá  nhớ lại ký ức thời hoa lửa.
Đại tá Lê Xuân Bá nhớ lại ký ức thời hoa lửa.

Là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân, pháo binh địch nên khu vực vượt sông Sêrêpốc đã có 47 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 470 anh dũng hy sinh. Các anh nằm lại rừng thiêng hoang lạnh khi tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Nhưng chiến công lặng thầm của những người lính quả cảm ấy đã đi vào lịch sử, góp phần vào huyền thoại đường Trường Sơn, vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

Các đại biểu đến thăm di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, khu vực vượt sông Sêrêpốc.
Các đại biểu đến thăm di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, khu vực vượt sông Sêrêpốc.

Cuối năm 2013, Đại tá Lê Xuân Bá cùng đoàn công tác gồm 20 người về khu vực Vườn quốc gia Yok Đôn để tìm lại những di tích trên đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Đắk Lắk ngày ấy. Trở lại chiến trường vào thời điểm Buôn Đôn bị ảnh hưởng bão số 15, mưa rừng đổ liên hồi, nhưng nhờ những câu chuyện về ý chí thép của người lính Trường Sơn năm xưa đã tiếp thêm động lực cho cả đoàn quên đi khó khăn, vất vả. Sau 38 năm về thăm lại chiến trường, không gian, địa hình gần như thay đổi hoàn toàn, nhưng nhờ những kỷ niệm luôn thường trực trong tâm trí, ông đã lần tìm được các dấu tích còn lại.

Tháng 12-2013, khu vực vượt sông Sêrêpốc, đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.

Thêm một lần nữa, hồi ức về đường Trường Sơn huyền thoại sống lại trong nhật ký của ông: “… Đây rồi đường 6 m, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, sau Hiệp định Paris năm 1973 ta mở nối liền từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam. Xuống bến vượt sông Sêrêpốc, cái cọc đóng bằng gỗ rừng, gỗ cà chít để làm mố cầu 38 năm còn lại cao hơn mặt đất 20 cm đã phong rêu, bào mòn qua thời gian. Tôi phấn khởi trong lòng thì tự nhiên tôi lại nhớ đến hàng trăm đồng chí đồng đội của mình đã hy sinh trên tuyến đường này, trọng điểm này. Chính các đồng chí đã đưa tôi đến tìm thấy dấu tích này cách đây 38 năm về trước, đường Trường Sơn, cầu nổi cho xe ô tô qua, ngầm cho xe tăng lội…”.

Tự hào truyền thống vẻ vang của đơn vị, đồng thời tri ân thế hệ cha anh đã ngã xuống, vào các dịp lễ, tết, Sư đoàn 470 thường tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ về lại biên cương, thắp nén hương thơm tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sỹ tại Nhà bia tưởng niệm Đồn Biên phòng Sêrêpốc. Còn với những người lính Trường Sơn năm xưa, để nhắc nhớ đến đồng đội, họ đã đóng góp hàng chục triệu đồng xây dựng bia di tích Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tại khu vực bến sông Sêrêpốc ngày ấy (nay là xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (27-7-1947 – 27-7-2017). Mới đây nhất, sau Đại hội Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh tỉnh, những người lính Trường Sơn tóc đã ngả màu sương gió lại tiếp tục không quản đường biên xa hun hút để tìm về khu vực vượt sông Sêrêpốc. Trên chiến trường năm xưa, họ cùng nhau ôn lại ký ức thời hoa lửa, cùng tưởng nhớ và đầy tự hào về các đồng chí, đồng đội từng chung chiến hào…

 

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.