Học tiếng Êđê - thêm mối gắn kết với buôn làng
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Quân sự tỉnh về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức lớp học tiếng Êđê cho 62 học viên là cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị. Khóa học này sẽ diễn ra trong 3 năm liền (2018 – 2020). Trong đó, năm đầu tiên của khóa học (2018), các học viên được giáo viên Ban Nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc tỉnh (Sở Giáo dục và Đào tạo) giảng dạy, truyền đạt về chữ viết, khả năng giao tiếp, hiểu thêm về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Êđê.
Do phần lớn học viên tham gia lớp đều lần đầu làm quen với tiếng Êđê, nên việc tiếp thu kiến thức không hề dễ dàng, nhất là khi thời gian học tập, rèn luyện lại quá hạn hẹp. Cùng với đó, học viên đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, có mức xuất phát điểm, lứa tuổi khác nhau, nên mức độ nhận thức, khả năng tiếp thu không đồng đều.
Khó khăn là thế, nhưng cả người dạy và người học đều quyết tâm khắc phục, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ban Nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc tỉnh đã biên soạn giáo án theo chủ đề, chủ điểm của chương trình dành cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh, đi sâu vào các nội dung phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ khi tham gia công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở cơ sở và quan hệ, tiếp xúc với nhân dân. Về phía học viên, đa phần đều xác định học để phục vụ công tác chuyên môn nên rất chăm chỉ, nghiêm túc, ý thức tự giác cao. Sự nỗ lực của học viên chính là động lực để các giáo viên tích cực truyền giảng, hướng dẫn với mong mỏi là giúp các học viên vận dụng hiệu quả kiến thức đã được học vào thực tiễn khi về công tác tại cơ sở.
Cô giáo và các học viên thực hành giao tiếp bằng tiếng Êđê ngay trong giờ giải lao. |
Kết quả kiểm tra học tập của năm học 2018 có 100% học viên đạt yêu cầu trở lên, trong đó 27,4% đạt khá giỏi. Tiêu biểu có các học viên: Ngô Đức Anh, Nguyễn Trung Hải, Võ Văn Dũng, Nguyễn Duy Thanh… |
Từng là cán bộ đội công tác tuyên truyền, có nhiều năm sống và làm việc tại buôn làng, nên Trung úy Ngô Đức Anh (nhân viên Ban Tham mưu, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Buôn Hồ) đã học hỏi được bà con cách nói và viết tiếng Êđê. Giờ tham gia lớp học, anh có điều kiện ôn luyện, củng cố thêm kiến thức. Anh cho biết, sau khóa học này, mỗi lần về với buôn làng, anh sẽ tích cực trao đổi, chuyện trò cùng người dân bằng tiếng Êđê để tạo sự gần gũi, xóa đi khoảng cách bất đồng ngôn ngữ.
Là thành viên khá đặc biệt của lớp học tiếng Êđê, Trung úy Nguyễn Trung Hải (nhân viên Ban Chính trị, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cư M’gar) vốn là người dân tộc Tày, nhưng nhờ sâu sát cơ sở, anh còn có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Êđê. Không chủ quan với những gì đã biết, anh tỉ mẩn ghi chép bài vở, đồng thời trao đổi thẳng thắn với giáo viên những điều chưa hiểu rõ. Nhờ đó, vốn kiến thức anh tiếp nhận được cứ tăng dần. Điều khiến anh tâm đắc qua lớp học là biết thêm nhiều phong tục, tập quán, nhiều câu chuyện hay của đồng bào Êđê như nguồn gốc chữ viết Êđê hay câu chuyện cả buôn làng sử dụng voi, quấy nước đục lên để bắt cá… “Tôi may mắn khi thành thạo tiếng Việt, tiếng dân tộc Tày và nay biết được thêm nhiều về tiếng Êđê. Tôi sẽ tiếp tục trau dồi vốn kiến thức có được để vận dụng trong những lần thực tiễn về cơ sở, buôn làng” – anh Hải tâm sự.
Là giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp, cô H’Mi Cil tâm sự rằng, thời gian học tập quá hạn hẹp (chỉ một tháng), nhưng các học viên đã rất nỗ lực và gặt hái những thành công bước đầu. Để kết quả học tập năm tới tốt hơn, các giáo viên sẽ tiếp tục giảng dạy chuyên sâu; kết hợp lý thuyết với thực hành; tăng cường luyện nói, viết, đàm thoại; tổ chức cho lớp đi thực tế để nắm tình hình buôn làng, thêm cơ hội thực hành, sâu sát cơ sở…
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc