Multimedia Đọc Báo in

Những "chiến binh" Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình thế giới

10:45, 27/11/2018

Sau gần 5 năm huấn luyện về chuyên môn, quân sự, tiếng Anh, kỹ năng sinh tồn, nghiệp vụ gìn giữ hòa bình, văn hóa nước sở tại, ngày 1-10-2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 xuất quân lên đường nhận nhiệm vụ ở Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc tại Nam Sudan.

Sự kiện quan trọng này không chỉ đánh dấu “tiềm lực quân sự” mà còn khẳng định Quân đội Nhân dân Việt Nam có những chiến binh đủ mạnh cùng các nước trong Liên hiệp quốc bảo vệ, giữ gìn hòa bình trên thế giới. 

Trước ngày xuất quân sang Nam Sudan, ngày 29-9, tại TP. Hồ Chí Minh, các sĩ quan trong Đoàn Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giao nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, động viên các “chiến binh” yên tâm tư tưởng, nỗ lực hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều đặc biệt trong lực lượng gìn giữ hòa bình đợt này tại Liên hiệp quốc có sự tham gia của 10 nữ sĩ quan. Đây là những nữ quân nhân đầy đủ phẩm chất, năng lực, sức khỏe, sự tinh nhuệ chẳng khác gì sĩ quan nam. Việc 10 nữ “chiến binh” tham gia gìn giữ hòa bình tại Liên hiệp quốc không chỉ khẳng định sức mạnh nữ quân nhân Việt Nam không hề thua kém các đồng đội nam hay nữ quân nhân các nước khác; mà còn đạt được mục tiêu thực hiện bình đẳng giới “đã là quân nhân thì không phân biệt nam hay nữ, đều có nghĩa vụ trách nhiệm, bản lĩnh giữ gìn hòa bình chung của thế giới”.

Theo Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) cho biết: Đội hình của Bệnh viện dã chiến cấp 2 đợt này có 63 cán bộ, bác sĩ, sĩ quan, trong đó có 10 nữ, chiếm 16% - tỷ lệ cao nhất so với các nước tham gia bảo vệ hòa bình Liên hiệp quốc hiện có. Trong 5 năm qua, các nữ sĩ quan đã được rèn luyện nghiệp vụ, kỹ năng sinh tồn ở điều kiện khắc nghiệt về thời tiết, đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ ở nơi nguy hiểm. Các nữ sĩ quan phải tham gia các hoạt động như nam ở Bệnh viện đặt tại Bentiu, nơi Phái bộ giữ gìn hòa bình Liên hiệp quốc đóng quân ở Nam Sudan.

Những nữ “chiến binh” tham gia Bệnh viện dã chiến 2 tại Nam Sudan lên đường sáng 1-10.
Những nữ “chiến binh” tham gia Bệnh viện dã chiến 2 tại Nam Sudan lên đường sáng 1-10.

Việc Bệnh viện dã chiến của Việt Nam tham gia giữ gìn hòa bình tại Liên hiệp quốc được cộng đồng thế giới rất ủng hộ, đặc biệt là các nước Anh, Mỹ, Úc, Hà Lan. Trong suốt thời gian huấn luyện tại Bệnh viện Quân y 175 Bộ Quốc phòng, các "chiến binh" đã được các nước bạn giúp đỡ huấn luyện, tập huấn kỹ năng chung, kỹ năng cấp cứu chấn thương, cấp cứu đường không; chia sẻ kinh nghiệm về sáng kiến phòng chống bạo lực tình dục, trao đổi chuyên môn…

Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam có đủ khả năng khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú/ngày; hồi sức cấp cứu và vận chuyển đường không và đường bộ các bệnh nặng tới tuyến y tế cao hơn; thực hiện 3 - 4 ca phẫu thuật/ngày có gây mê. Bệnh viện cũng đạt chuẩn về khả năng nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân trong 7 ngày; thực hiện 10 ca chụp X-quang, 10 ca điều trị răng miệng và xét nghiệm chẩn đoán cơ bản 20 ca trong 1 ngày; có 2 đội y tế cấp cứu cơ động ngoại viện; tự bảo đảm đủ vật tư y tế tiêu hao, thuốc chữa bệnh trong bất kỳ tình huống nào. Sau khi hành quân và đóng ở Nam Sudan, sẽ tham gia thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, bảo vệ hòa bình thế giới, không tham gia vào xung đột quân sự, không tham gia vào hệ thống quản trị người dân, không tham gia vào những xung đột mà Liên hiệp quốc không có tiếng nói, tập trung nhiệm vụ nhân đạo, hòa giải.

Việt Nam tham gia vào các hoạt động của Liên hiệp quốc nói chung và lực lượng gìn giữ hòa bình nói riêng từ ngày 27-5-2014. Từ đó đến nay, Việt Nam đã cử 19 lượt sĩ quan tham gia hoạt động trên các lĩnh vực như: Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và bây giờ tham gia các hoạt động công binh, quân y với hình thức Bệnh viện dã chiến 2. Đây thực sự là vinh dự và trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Đến nay, Việt Nam nằm trong số 124 quốc gia có lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc; trong đó có các nam, nữ sĩ quan đã lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan.

Tuấn Cường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.