Nhà giàn DK1 - Góp phần bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển
15 nhà giàn DK1 vững vàng trên thềm lục địa Tổ quốc giữa ngàn khơi trong suốt 30 năm qua, không chỉ khẳng định chủ quyền “bất khả xâm phạm” của Việt Nam ở Biển Đông mà còn là điểm tựa cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.
Những pháo đài giữa biển khơi
Kỷ niệm 30 năm thành lập nhà giàn DK1, thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam vẫn nhắc đến một vị tướng có tầm nhìn chiến lược về biển đảo - cố Thượng tướng Đô đốc Giáp Văn Cương, người đã khai sinh ra nhà giàn DK1.
Năm 1989, ông Cương giữ cương vị Tư lệnh Hải quân. Ông nhận thấy các giàn khoan dầu khí hoạt động nhất thiết phải có lực lượng bảo vệ vòng ngoài, lực lượng này phải sử dụng bộ đội Hải quân, đủ sức mạnh, am hiểu về biển đảo. Việc triển khai hải quân ra trấn giữ theo “vòng cung” từ hướng biển trên phần thềm lục địa của Tổ quốc là đỉnh cao “chiến lược phòng thủ biển”, vừa bảo vệ an toàn cho các giàn khoan dầu khí hoạt động, khai thác và phát triển kinh tế biển trong tương lai, vừa có tầm chiến lược lâu dài, bảo vệ đất nước từ hướng biển.
Đô đốc Giáp Văn Cương đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) khẩn trương khảo sát, xây dựng các nhà nổi kiểu boong tong trên các bãi san hô ngầm, từ Bãi cạn Ba Kè (giáp quần đảo Trường Sa) đến Bãi cạn Cà Mau (biển Cà Mau, tỉnh Minh Hải, nay là tỉnh Cà Mau - vùng tiếp giáp với biển Malaysia và Philippines). Sau khi có quyết định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Công binh thăm dò, khảo sát và tiến hành xây dựng các nhà giàn trên các bãi san hô ngầm.
Vững tay súng canh biển trời Tổ quốc. |
Cụm Kinh tế - khoa học - dịch vụ (gọi tắt là DK1) chính thức thành lập ngày 5-7-1989. Hiện nay, trên thềm lục địa có 15 nhà giàn DK1 đóng quân ở các bãi cạn Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính, Cà Mau.
Việc xây dựng các nhà giàn DK1 với mục đích chính là bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, đồng thời công bố với thế giới: đây là chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam. Tên dân sự các nhà giàn DK1 là “Trạm kinh tế - khoa học - dịch vụ” thực chất là nơi sinh sống, huấn luyện, học tập, bảo vệ vùng trời, vùng biển của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn DK1.
Trước đây, tiểu đoàn DK1 trực thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân, nay trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đóng quân trên vùng biển Thềm lục địa Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo, nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiệm vụ của các nhà giàn DK1 là làm chỗ dựa cho ngư dân các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ ra đánh bắt hải sản, làm tiêu cho tàu thuyền qua lại, thu thập số liệu thủy văn, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn vẫy chào đoàn công tác từ đất liền ra thăm. |
30 năm bảo vệ thềm lục địa, cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1 phải đối mặt với nắng lửa, mưa rào, bão tố và khí hậu khắc nghiệt của đại dương. Và cũng ngần đó thời gian, các anh đối mặt với hành động ngỗ ngược của tàu, thuyền nước ngoài quấy nhiễu, vi phạm vùng biển, thềm lục địa Việt Nam. Thành tích ghi nhận 30 năm của DK1 là hơn 2.000 tập thể, cá nhân được tặng bằng khen, giấy khen, chiến sĩ thi đua, chiến sĩ tiên tiến. Năm 2005, tiểu đoàn DK1 vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đời sống của các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 được nâng lên đáng kể. Hiện nay 15 nhà giàn đều được xem vô tuyến từ chảo vệ tinh TVRO, điện thoại di động mạng Viettel phủ sóng 24/24 giờ, có tủ lạnh, có điện chiếu sáng từ pin năng lượng mặt trời. Giữa đại dương mênh mông, các chiến sĩ có thể biết thông tin trên toàn thế giới, gặp vợ con mình trực tiếp qua sóng Internet.
Điểm tựa của ngư dân
Đến giờ, cựu chiến binh Thiếu tá Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Chỉ huy trưởng Nhà giàn Tư chính 5 (DK1/14) vẫn còn nhớ câu chuyện về hai ngư dân Quảng Ngãi đã chết lâm sàng được cán bộ, chiến sĩ nhà giàn cứu sống vào tháng 4-2001. Trưa đó, hai tàu cá của ngư dân tiến sát nhà giàn và phát tín hiệu cấp cứu. Hai ngư dân bị nạn nhanh chóng được cõng lên nhà giàn. Đại úy chuyên nghiệp y sĩ Nguyễn Phương Đông nhanh chóng sơ cứu và chẩn đoán cả hai ngư dân bị ngất vì tắc tiểu, nguy cơ vỡ bàng quang và tử vong cao, trong đó có một người đã có dấu hiệu chết lâm sàng.
Anh Đông nhanh chóng vô trùng các thiết bị y tế, hô hấp nhân tạo và luồn ống thông tiểu. Vài phút trôi qua, nước tiểu không dẫn được ra ngoài, bệnh nhân bắt đầu co giật, mắt trợn ngược, mạch chủ không tìm thấy. Trước tình huống nguy kịch ấy, y sĩ Đông đã dùng miệng của mình hút nước tiểu của người bệnh ra qua ống thông tiểu. Máu và nước tiểu lẫn lộn được hút ra ngoài, cùng với hô hấp nhân tạo, xoa bóp lồng ngực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Không nhận tiền thuốc và công chữa bệnh, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn còn cho mỗi tàu cá 2 khối nước ngọt, 10 kg muối; cấp 3 ngày thuốc miễn phí và 2 hộp sữa bồi dưỡng sức khỏe cho bệnh nhân. Từ vụ cứu hai ngư dân năm 2001, các nhà giàn DK1 được ngư dân gọi là “nhà tình nghĩa”, bà con lý giải cách gọi ấy để thể hiện tình cảm gắn bó giữa quân và dân.
Nhà giàn DK1 - điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. |
Đến giờ, sau nhiều năm trôi qua, ngư dân Huỳnh Ly vẫn nhớ rõ lần tàu cá của ông bị trôi dạt và được cán bộ chiến sĩ tàu HQ – 608 của Hải đội 812 Vùng 2 Hải quân cứu hộ. Tháng 10-2013, sau 13 ngày đánh bắt cá ở vùng biển Trường Sa, tàu của ông Ly gặp sự cố, máy vỡ ly hợp trôi dạt trên biển trong khi cơn bão số 13 đang mạnh dần.
Chiều 6-11-2013, từ radar cán bộ, chiến sĩ của nhà giàn Tư Chính 3 phát hiện tàu cá ngư dân trôi tự do không rõ số hiệu, trên nóc cabin treo cờ hiệu cấp cứu. Ngay lập tức, thông tin nhà giàn được kết nối với tàu HQ-608 đang trực cách 80 hải lý về phía bắc, khẩn trương cơ động về cấp cứu tàu cá của ngư dân. Sau 7 giờ hải trình khẩn cấp và tìm kiếm, tàu HQ-608 phát hiện tàu cá KH-92116 đang trôi dạt phía đông cách nhà giàn Tư chính 4 (DK1/11) 39 hải lý, nhanh chóng tiếp cận tàu cá cứu ngư dân. Ba ngư dân bị tai nạn đã được kịp thời chuyển lên nhà giàn cấp cứu, chăm sóc sức khỏe.
Mai Thắng
Ý kiến bạn đọc