Tâm tình lính đảo
Với phương châm “Đảo là nhà, biển cả là quê hương, đồng đội là anh em ruột thịt”, giữa biển khơi khắc nghiệt những người lính Trường Sa vẫn kiên cường bám trụ, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đa số cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hải quân thực hiện nhiệm vụ ở các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều là lính trẻ, sống xa nhà. Vì vậy, xen lẫn niềm háo hức, tự hào được góp sức bảo vệ biển đảo Tổ quốc là cảm giác nhớ nhà, lo lắng cho hậu phương nơi đất liền… Để kịp thời nắm bắt tâm tư, giúp người lính yên tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, bắt đầu từ năm 2015, Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh vùng IV Hải quân) đã thành lập Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân tại tất cả các đảo, điểm đảo.
Tham gia tổ là những người có kinh nghiệm, có kiến thức sâu về chuyên môn, chính trị, xã hội để có thể nắm bắt, xử lý những vấn đề phát sinh. Nhiệm vụ của các tổ là theo dõi, nắm bắt tâm lý, tư tưởng của CBCS trong đơn vị qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, sinh hoạt, từ đó kịp thời động viên tinh thần, định hướng tư tưởng cho anh em. Cách tư vấn của tổ cũng rất linh động, có thể kết hợp trong giờ giải lao, quá trình huấn luyện, ngày nghỉ, giờ nghỉ để tâm sự, trò chuyện.
Những người lính hải quân luôn lạc quan, yêu đời. |
“Trong công tác tư vấn, các thành viên gặp không ít khó khăn, nhất là việc nắm bắt tư tưởng của những quân nhân sống nội tâm, không thích biểu hiện tình cảm. Dù vậy, các thành viên đã làm tốt công tác tư tưởng, không để nảy sinh trường hợp nào dao động tinh thần, thoái thác nhiệm vụ”.
Thượng úy Lê Văn Anh, Chính trị viên kiêm Tổ trưởng Tổ tư vấn đảo Len Đao
|
Tại điểm đảo Len Đao có nhiều diễn biến phức tạp về an ninh, dù điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, nhà ở chật chội, những người lính nơi đây vẫn trụ vững, yêu thương đùm bọc nhau, cùng chung một ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đơn cử như đầu năm 2019, Đại úy Phan Chí Trà vừa mới ra đảo nhận nhiệm vụ Phó Chỉ huy trưởng đảo thì nhận được tin mẹ qua đời. Vì vừa mới ra đảo, lại cách xa đất liền hàng trăm hải lý nên anh không thể về quê chịu tang mẹ, đành nén đau thương để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Trước hoàn cảnh đó, đồng đội trong đơn vị đã kịp thời chia sẻ, động viên anh vượt qua đau thương, mất mát. Đại úy Trà không giấu được xúc động: “Công tác xa nhà, không có điều kiện về quê chịu tang mẹ nên ban đầu tôi thấy rất buồn và có cảm giác như là đứa con bất hiếu. Tuy nhiên, được anh em trong đơn vị và người thân động viên, an ủi, tôi đã lấy lại được tinh thần để yên tâm công tác”.
Hay như trường hợp của Binh nhất Lê Hoàng Nam (20 tuổi, quê Quảng Bình), nhập ngũ tháng 2-2018 và đến cuối năm 2018 được điều động ra đảo Len Đao nhận nhiệm vụ, chưa được bao lâu thì người yêu ở quê nói lời chia tay nên Nam cảm thấy buồn chán, không muốn trò chuyện cùng ai. Nắm bắt được tâm lý quân nhân, Tổ tư vấn đã động viên, làm công tác tư tưởng nên Nam đã hiểu ra, nén nỗi buồn, tập trung vào công tác huấn luyện...
Thượng úy Lê Văn Anh, Chính trị viên đảo Len Đao (giữa) trò chuyện cùng lính trẻ nơi cột mốc chủ quyền. |
Trường hợp của Hạ sĩ Nguyễn Văn Tịnh (19 tuổi, quê Quảng Ngãi) lại khác. Là con đầu trong gia đình có bốn anh em, Tịnh thường xuyên phụ giúp bố đi biển nên khi lên đường nhập ngũ, Tịnh cảm thấy rối bời, lo lắng cho việc đi biển của bố. Ngay sau khi biết được hoàn cảnh đó, Tổ tư vấn đã kịp tư vấn, giải quyết khúc mắc, lo lắng và báo cáo cấp trên để có hướng xử lý kịp thời...
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc