Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng bảo đảm an ninh ở vùng đồng bào có đạo

08:07, 15/06/2021

Là địa bàn có trên 50% dân số là người theo đạo, những năm qua, huyện Cư Kuin đã triển khai linh hoạt, hiệu quả nhiều mô hình bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) và trở thành điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Huyện Cư Kuin hiện có 118.450 nhân khẩu, trong đó 52,36% dân số là người có đạo. Riêng đạo Công giáo có 44.766 tín đồ, chiếm khoảng 37,8% dân số, tham gia sinh hoạt tại 9 giáo xứ và 2 giáo họ độc lập.

Thực hiện Chỉ thị số 09, ngày 19-8-2014 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo”, Ban Chỉ đạo phong trào huyện đã vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật giúp người dân nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mô hình
Mô hình "Tiếng kẻng an ninh" ở giáo xứ Tân Hòa (thôn 5, xã Ea Tiêu) phát huy hiệu quả trong bảo đảm ANTT vùng Công giáo.
“Tính riêng trong năm 2020, các tổ chức trên địa bàn huyện Cư Kuin đã vận động thu hồi trong nhân dân được 9 khẩu súng tự chế các loại, 1 bình xịt hơi cay, 2 dao tự chế, 1 quả đạn. Các linh mục, chức sắc giáo xứ cũng đã vận động giáo dân hiến trên 5.000 m2 đất, bê tông hóa 14 trục đường dài 4,3 km với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng”.
Đại tá Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng Công an huyện Cư Kuin

Lực lượng Công an huyện cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị thường xuyên gặp gỡ các linh mục, chức sắc, chức việc trao đổi thông tin về tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội. Trên cơ sở đó, các hội đồng giáo xứ cũng thường xuyên giáo dục, nhắc nhở giáo dân tham gia ký cam kết bảo đảm ANTT, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chung tay phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Đại tá Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng Công an huyện Cư Kuin cho biết, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo, huyện Cư Kuin đã xây dựng được 7 mô hình điểm về ANTT trong vùng công giáo như: “3 an toàn về ANTT”, “Không tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Tiếng kẻng an ninh và chiếc gậy an toàn”. Trong đó, hoạt động nổi bật và hiệu quả nhất phải kể đến mô hình “3 an toàn về ANTT” tại giáo xứ Kim Phát, thôn Kim Phát, xã Hòa Hiệp.

Thôn Kim Phát hiện có gần 3.000 nhân khẩu, trong đó trên 97% là đồng bào theo đạo Công giáo. Triển khai mô hình “3 an toàn về ANTT”, Ban công tác Mặt trận thôn phối hợp với Hội đồng giáo xứ thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, bảo vệ sự bình yên cho từng gia đình, thôn, xóm. Chính quyền địa phương cũng chú trọng phát huy vai trò của các chức sắc trong xử lý các mâu thuẫn, tranh chấp trong dân, giải quyết kịp thời nhu cầu chính đáng trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của giáo dân theo đúng quy định của pháp luật. Nhờ đó, trong 5 năm qua, tình hình ANTT tại thôn Kim Phát luôn được giữ vững, không hình thành "điểm nóng", không nảy sinh vấn đề đột xuất, bất ngờ. Đặc biệt, 26 tổ tự quản “3 an toàn về ANTT” của mô hình đã phối hợp với các lực lượng công an tổ chức hơn 300 đợt tuần tra, vận động thu 8 khẩu súng tự chế, 1 đầu đạn pháo 105 ly, xử lý 28 nguồn tin do quần chúng nhân dân cung cấp. Mô hình “3 an toàn về ANTT” của thôn Kim Phát đã được chọn là mô hình điểm để nhân rộng tại 6 giáo xứ trên địa bàn huyện.

Công an tỉnh khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai, thực hiện mô hình điểm phong trào “ 3 an toàn” về an ninh trật tự tại Giáo xứ Kim Phát, thôn Kim Phát xã Hòa Hiệp.
Công an tỉnh khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai, thực hiện mô hình điểm phong trào “3 an toàn” về an ninh trật tự tại Giáo xứ Kim Phát (thôn Kim Phát, xã Hòa Hiệp).

Trên địa bàn xã Ea Tiêu, mô hình “Tiếng kẻng an ninh và chiếc gậy an toàn” ở giáo xứ Tân Hòa cũng đã phát huy được hiệu quả. Thiếu tá Nguyễn Đức Thuận, Trưởng Công an xã cho hay, các thôn 1, 2, 4, 5 của xã có gần 100% người dân theo đạo Công giáo. Để giữ vững ANTT, xã đã thành lập tổ tự quản ANTT tại khu vực này gồm 8 công an viên và 16 dân quân tự vệ. Cùng với công an xã, tổ tự quản ANTT thường xuyên tuần tra khắp các đường làng, ngõ xóm, nhất là trong thời điểm thu hoạch nông sản. Bên cạnh đó, khu vực này cũng được lắp 2 chiếc kẻng dùng để báo hiệu khi có vấn đề liên quan đến tội phạm. Nhờ ANTT được giữ vững, người dân yên tâm lao động, sản xuất, ngày càng tin tưởng và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo đánh giá của Đại tá Nguyễn Văn Sỹ, các mô hình ANTT trong vùng tôn giáo ra đời và đi vào hoạt động đã góp phần cung cấp hàng trăm tin báo, tố giác tội phạm có giá trị; phối hợp giúp lực lượng chức năng quản lý, giám sát trên 300 đối tượng và cảm hóa giáo dục được nhiều lượt đối tượng tại địa bàn; nâng cao ý thức tự giác tham gia phòng, chống tội phạm trong đồng bào Công giáo.

Hồng Chuyên


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.