Multimedia Đọc Báo in

Chuyện làng văn nghệ: Chuyện vui, buồn của nữ sĩ Ngân Giang

14:37, 17/07/2010
Trong các nhà văn nói chung và giới nữ sĩ nói riêng, Ngân Giang là nhà thơ có nhiều bút danh nhất, với 6 bút danh: Hạnh Liên, Thục Oanh, Chị Mến, Nàng Lém, Đỗ Quế Anh, Nàng Không Tên, Lữ Vân, Sông Ngân và Ngân Giang. Tên thật của bà là Đỗ Thị Quế, sinh năm 1916 tại xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Bà mất năm 2002.
 
Nữ sĩ Ngân Giang có thơ đăng báo từ năm lên 9 tuổi. Những năm sau đó, nữ sĩ thường xuyên viết bài cho báo Trung Bắc Tân Văn. Năm 1931, khi ấy mới 16 tuổi Ngân Giang đã in tập thơ đầu tay “Giọt lệ xuân” (NXB Tân Dân – 1931). Năm 1994, bà được nhận giải thưởng thơ của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
 
Nhà thơ tham gia cách mạng từ năm 1935 – 1944, từng công tác ở Sở Tuyên truyền khu 1 (Thái Nguyên). Bà đã xuất bản 5 tập thơ: “Giọt lệ xuân” (1931), “Tiếng vọng sông Ngân” (1944), “Thơ Ngân Giang” (1990) và “Tuyển tập thơ Ngân Giang” (1996).
 
Năm 1935, bà cùng anh trai đi rải truyền đơn tuyên truyền cho cách mạng, bị bọn mật thám nghi ngờ, rồi bị bọn kỳ hào khám nhà, lục soát gia đình nhà chồng. Mẹ chồng mắng bà là “Con giặc cộng sản mang tai họa đến cho gia đình bà” và cấm con trai liên lạc với vợ trong khi bà đang mang thai. Sau đó, nhà chồng bắt bà phải ly dị chồng mặc dù bà không muốn. Bà viết hai câu thơ than thân, trách phận:
“Hỡi ôi nửa giấc kinh chăn gối
Để giấc nghìn thu nào phấn hương”.
 
Bà có ba đời chồng, với 9 người con, một gánh nặng đè trĩu vai nữ sĩ đa tài đẹp sắc này. Nhà thơ nữ Cẩm Lai gọi bà là người “Hữu sắc nên hữu lụy”. Sau này có thời kỳ bà phải mở quán trà bên sông Hồng (Hà Nội) để thêm thu nhập nuôi đàn con, nhưng bà vẫn lạc quan:
“Sớm tối vài ba đồng vốn liếng
Tháng ngày năm bẩy khách văn chương”.
 
Quán trà của nữ sĩ Ngân Giang rất thơ mộng, nằm bên bờ sông Hồng, lại có hai khóm trúc giao cành, che rợp tấm bàn đá và ghế đá. Nhà thơ Huy Cận có lần đến thưởng trà ở quán này và tặng hai câu đối:
“Câu thơ sớm, quán trà
Bức tranh chiều, khóm trúc”.
 
Mùa xuân năm 1946, bà tự tay thêu một bài thơ bát cú với 7 sắc chỉ trên tấm gấm đại hồng. Bà gọi là gấm đại hồng thất thể đề tặng các anh hùng dân tộc:
“Ta say uy vũ Trần Hưng Đạo
Ta say sự nghiệp Hồ Chí Minh
Nhật nguyệt soi ngời cung Thúy Lĩnh
Hoa hương chầu ngát đất Mê Linh
Giải Lam Sơn noi gương hào kiệt
Gò Đống Đa hằn gót viễn chinh
Mấy thuở không phai hồn chủng tộc
Mười năm cờ đỏ dựng thanh bình”.
 
Bài thơ đã được gửi đến Bác Hồ. Bác đọc rồi gửi tặng bà hai câu thơ:
“Mấy lời cảm tạ Ngân Giang
Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm hoa”
 
Nữ sĩ Ngân Giang thật vinh dự là một trong hai nữ sĩ được Bác Hồ tặng thơ, cùng với nữ sĩ Hằng Phương.
Lê Hồng Thiện

Ý kiến bạn đọc