Multimedia Đọc Báo in

Chuyện làng văn nghệ:

Nhà thơ Trần Đăng Khoa mua quà tặng người yêu

10:52, 06/03/2011

Thuở Trần Đăng Khoa chưa lấy vợ, một lần đúng ngày sinh nhật người yêu, ông tha thiết mời nàng đi hiệu. Ý ông định chọn mua một thứ quà gì đó “rất con gái” tặng người đẹp. Từ chối, nũng nịu, khất lần mãi rồi nàng cũng ưng thuận. Nhưng nàng ra điều kiện: “Em chỉ đồng ý khi em mua tặng anh trước cơ. Em chỉ dám tặng anh món quà nho nhỏ thôi, khoảng 70 ngàn đồng trở lại thôi. Nhá!

Y hẹn, hai người như đôi chim bồ câu ríu ra ríu rít dắt nhau vào siêu thị. Hàng hóa bạt ngàn. Toàn đồ hiệu. Nhìn hoa mắt. Như đã giao kèo, nàng dắt nhà thơ đến hàng quần áo trước. Nàng gặp cô bán hàng thì thào to nhỏ gì đó.

Để chiều lòng người đẹp, Trần Đăng Khoa ướm thử hết bộ comple này đến bộ complê khác, cuối cùng cũng chọn được bộ vừa ý. Hỏi giá, cô bán hàng nói đây là bộ complê Trung Quốc lỗi mốt đã treo 8 năm rồi không bán được nên đại hạ giá... 70.000 đồng. Cũng có một chút sĩ diện nổi lên, nhà thơ thần đồng nghĩ mà không nói ra: “Chán quá! Complê lỗi mốt mà ta không biết, nàng cũng không biết. Trót mua rồi, chả nhẽ trả. Thôi thì cứ lấy, không mặt được ta đem về tặng ông cụ. Mà ông cụ ta tuổi hơn 80 rồi mặc thế nào chả được”. Thế rồi áo đóng lại vào hộp để chuyển ra chỗ quầy trả tiền. Nhà thơ cười, mắt tít lại sung sướng, không hề biết được cô bán hàng đang giơ tay che miệng cố nén cười vì nó là hàng hiệu chính hãng, giá thực là 1,2 triệu đồng!

Đến lượt nhà thơ chiều lòng người đẹp. Nhà thơ chỉ vào cái xắc da dây đeo dài của Đức rất mốt, giá 1 triệu đồng. Nàng lắc đầu. Nhà thơ chỉ vào lọ nước hoa Pháp hình thiếu nữ giá 4,8 triệu đồng, nàng cũng lắc đầu. Nhà thơ chỉ vào bộ áo dài tơ tằm Vạn Phúc giá chỉ 120 ngàn đồng thì bất ngờ nàng nở nụ cười mãn nguyện. Tất nhiên cũng ướm thử. Rất vừa vặn. Xinh xắn. Đúng là “người đẹp vì lụa…”. Trần Đăng Khoa rất mừng, rất vui, hai cánh mũi phật phồng. Niềm vui lây sang cả những người xung quanh, ông cảm thấy người yêu mình được nâng cấp lên tới “27 chân kính”.

Nhưng có một tình huống rất khó xử là lúc trả tiền thì ông chợt nhớ đã bỏ quên ví ở nhà. Vốn là người thông minh, ứng biến nhanh, ông liền rút điện thoại di động ra giả vờ nghe. Cũng a lố, a lồ, trả lời, nói như thật, rồi quay lại bảo: “Siêu thị còn rất nhiều hàng đẹp, em chọn thêm đi, anh trả tiền luôn thể. Có thằng bạn đang chờ gặp ngoài kia tặng anh tập thơ mới in, anh sẽ quay lại ngay”.

Nói rồi ông vội bước ra khỏi siêu thị, lấy xe máy phóng vọt về nhà lấy tiền. Mở khóa cửa bước vào nhà thì đột ngột có mấy cụ đã nghỉ hưu ở Câu Lạc bộ thơ Hương mùa thu xanh của một xã ngoại thành ào đến. Bản thảo thơ in để biếu, để tặng, các bác bày ra cả. Đọc thơ. Các cụ hứng chí đọc cả những bài “một thời giun, dế” của Trần Đăng Khoa như “Mưa”, “Sao không về vàng ơi”, “Hạt gạo làng ta”… và cụ nào cũng không quên đọc thơ mình rồi xin nhà thơ thần đồng nhận xét, góp ý. Gật gù. Vỗ tay. Tán thưởng… Đủ cả. Có nghĩa là nhà thơ vốn rất cả nể bị cuốn vào cái trường thơ vốn linh thiêng, thuần khất, tinh túy, cần thiết như cần ánh sáng và không khí!

Tối, đèn đường bật sáng, các bác nghỉ hưu làm thơ mới chịu rời khỏi nhà Trần Đăng Khoa. Lúc này ông chợt nhớ…

Đỗ Phương Nhâm (st)

 


Ý kiến bạn đọc