Cao Bá Quát... bình thơ
Cao Bá Quát (1808-1855) là một trong những thần đồng của đất Bắc về tài thơ, tài học. Ông sống cùng thời với Nguyễn Văn Siêu (*) và được người đương thời xưng tụng là “thần Siêu, Thánh Quát”, “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán..”
Trong thời kỳ ông làm quan ở Huế, dẫu là chức quan nhỏ hành tẩu Bộ Lễ nhưng tài thơ và nhân cách của ông được mọi người mến mộ nể trọng. Ngay cả vua Tự Đức (1829-1883), ông vua "thi sĩ" nhất trong 13 đời vua triều Nguyễn, tác giả của “Ngự chế thi tập”, ”Cơ dư tự tỉnh thi tập”, “Việt sử tống vịnh thi tập”… cũng phải nghiêng mình trước thi tài của ông. Chính sự khẳng khái trong cuộc sống, sự quyết liệt trong thơ của Cao Bá Quát đã làm cho nhiều kẻ ghen ghét, nhưng vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt. Đặc biệt trên lĩnh vực thẩm định thơ hay, thơ dở trong chốn cung đình, người dân xứ Huế ngày nay còn truyền tụng giai thoại thú vị quanh nhà thơ Cao Bá Quát.
Một lần vua Tự Đức khoe đêm qua nằm mơ bắt được câu thơ đắc ý, nay đọc cho mọi người nghe:
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai…”
Trong khi các nhà thơ cung đình đang xì xầm bàn tán tìm lời ca ngợi thơ vua, thì Cao Bá Quát đã trình tâu: “Thưa bệ hạ, đây là một bài thơ cũ mà hạ thần đã thuộc từ lâu lắm rồi”. Vua Tự Đức chưa hết ngạc nhiên thì Cao bá Quát đã cao hứng đọc trọn bài thơ:
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi.
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.
Xuân nhật bất văn sương lộp bộp
Thiên thu chi kiến vũ bài nhài
Khù khờ thi tứ đa nhân thức
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài…”
Bài thơ được các nhà thơ xứ Huế dịch như sau:
Huênh hoang người cũng tự về thưa.
Oanh vườn học nói khề khà giọng
Đào nội đưa cười lấm tấm hoa.
Lộp bộp chẳng nghe xuân móc nặng
Bài dài chỉ thấy hạt mưa thu.
Khù khờ câu cú ai chẳng biết
Khệnh khạng còn đem hỏi khách thơ.”
Có lẽ, đây là lối bình thơ mang đậm “chất” Cao Bá Quát nhất và đặc sắc nhất thi đàn Việt Nam, chắc thi sĩ Tự Đức cũng hiểu nhà thơ họ Cao muốn nói thơ của nhà vua sáo rỗng, ý đã cũ, tứ không có gì mới qua lối ứng khẩu nhanh nhạy có phần “phạm thượng” của nhà thơ Cao Bá Quát.
Không chỉ vua Tự Đức, mà ngay cả “Thi xã Mặc Vân” của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, nơi sinh hoạt xướng họa thơ ca của nhiều văn nhân tài tử đất thần kinh, thơ hay cũng lắm, thơ dở cũng nhiều nhưng không ai dám nói ra. Cao Bá Quát đã không khách khí ngán ngẩm lắc đầu khi được Tùng Thiện Vương cho xem những bài thơ xướng họa của Thi xã Mặc Vân và buông một lời bình “vô tiền khoáng hậu”
Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An”
So sánh câu thơ thi xã với mùi của con thuyền buôn mắm xứ Nghệ không thể ngửi được, có lẽ là lối phê bình thơ có một không hai trên thi đàn nước ta từ xưa đến nay. Tùng Thiện Vương cũng sớm nhận ra điều đó và càng trân trọng tài năng thực sự của Cao Chu Thần, tình bạn, tình thơ của hai nhà thơ lớn nhờ vậy ngày càng thắm thiết hơn.
Ngô Minh Thuyên (st)
--------------------------
(*) Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1795-1872) nổi tiếng về tài thơ văn, đồng thời là kiến trúc sư xây dựng nên quần thể đền Ngọc Sơn, Đài Nghiên, Tháp Bút, cầu Thê Húc ở Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ý kiến bạn đọc