Nhân 10 năm ngày mất của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhớ người “ở trọ trần gian”
Vẫn biết không ai nằm ngoài vòng sinh tử, nhưng khi nhạc sĩ tài danh họ Trịnh trở về với cát bụi, thì khoảng trống mênh mông ấy để lại trong lòng người yêu âm nhạc của ông thật quá lớn, không dễ gì bù đắp được. Đã mười năm (1-4-2001- 1-4-2011) kể từ ngày Trịnh Công Sơn thôi “ở trọ trần gian” để về với “chốn xa xôi cuối trời”, nhưng những ca khúc thấm đẫm phận người, hồn người của ông vẫn mãi bất tử với thời gian.
Còn nhớ, thuở nước nhà rạch đôi sông núi, chinh chiến triền miên, người nhạc sĩ ấy đã ra đi từ lều cỏ, chứ không phải từ tháp ngà, để dấn thân và hóa thân vào nỗi niềm chung tang tóc, đổ nát, chia lìa. Ngày ấy, nửa nước Việt - từ sông Bến Hải trở vào xót xa trước bạo tàn, phi nhân và phi lý. Trong tiếng gầm rú điên cuồng của “đại bác ăn thịt người và ánh hỏa châu ma quái”, Trịnh Công Sơn đã tất tả, vắt kiệt hồn mình dựng nên những bức tường âm thanh tràn ngập tình thương đồng bào, đồng loại để chống đỡ với bom rơi, đạn lạc… Ở thời ly loạn đó, người yêu nước - nghệ sĩ Trịnh Công Sơn đã “hành đạo” bằng cách riêng của mình - chọn âm nhạc như một thứ ánh sáng dẫn dắt, vỗ về cho những trái tim thương tật, mù lòa bị chiến tranh làm phận người méo mó. Âm nhạc Trịnh Công Sơn đã kết nối bao người xích lại gần nhau trong căn hầm trú ẩn, hoặc nắm chặt tay nhau trong những cuộc xuống đường. Cứ thế, từ "Đại bác ru đêm", "Huế - Sài gòn -Hà nội" đến "Nối vòng tay lớn" và nhiều ca khúc Da Vàng khác nữa của ông sẽ là nhật ký âm thanh của dân tộc này, ngay cả khi chiến tranh không còn nữa.
Hát về tình yêu, âm nhạc Trịnh Công Sơn xứng danh là thiên sứ! Tình ca của Trịnh sau khi dốc lòng nghiêng xuống cuộc đời, thì vẫn lãng đãng khói sương cõi khác, thanh tân và hướng thượng. Dẫu tình yêu còn vô vàn đổ vỡ, chia xa và cả những nỗi niềm gần như tuyệt vọng, nhạc sĩ đã “băng bó” những vết thương lòng bằng lời ru “tang bồng hồ thỉ”- rằng cứ đi trong "Hạ trắng", "Mưa hồng" rồi "Chợt hồn xanh buốt" khi soi lại mình nhìn thấy một "Diễm xưa" với chất ngất hân hoan, ước nguyện “ngày sau sỏi đá vẫn còn có nhau…”. Tình ca của Trịnh đưa hồn người đi rất xa chỗ mình đang đứng, sống với nhiều tâm trạng, cuộc đời trong âm thanh huyền nhiệm. Tình ca như thế gần gũi với thánh ca, hay nói cách khác đó chính là thánh ca của tình yêu. Phép màu nghệ thuật ấy, hình như hàng trăm năm tạo hóa mới ban tặng cho một đôi người như Trịnh. Và có lẽ vì thế Trịnh Công Sơn mới ở lại mãi mãi trong lòng người yêu âm nhạc, bởi ai cũng biết rằng người nhạc sĩ tài danh ấy đã đắm đuối với nhân gian này đến tận cùng:“hãy sống giùm tôi, hãy thở giùm tôi”, khi biết đời người là hữu hạn.
Ý kiến bạn đọc