Multimedia Đọc Báo in

Quang Dũng và một tình yêu lớn dành cho tiếng đàn guitar

17:35, 11/08/2011

Lâu lắm rồi mới thấy Quang Dũng xuất hiện trở lại trên các sân khấu ca nhạc trong tỉnh vì nhiều lý do. Không gian dường như lắng xuống để tiếng đàn guitar trầm bổng cùng những giai điệu mượt mà cất lên. Vẫn là những âm thanh réo rắt, rộn rã âm hưởng cồng chiêng như gieo vào lòng người nhiều cung bậc cảm xúc. Qua bao thời gian, tiếng đàn guitar của anh vẫn còn sức lôi cuốn, khiến cho bao trái tim người yêu nhạc phải thổn thức. Tiếp chúng tôi tại căn nhà riêng, nhỏ, nằm khiêm nhường trên đường Ama Jao có treo tấm bảng chiêu sinh học đàn. Giờ, đã nghỉ hưu nhưng anh vẫn đều đặn sáng tác và dạy đàn cho những ai có nhu cầu. Chỉ riêng tập nhạc “Lên cao nguyên đi anh” vừa mới xuất bản đã cho thấy sức làm việc bền bỉ của anh. Đôi bàn tay tài hoa ngày ngày vẫn lướt trên những phím đàn, rung lên những âm thanh vừa trữ tình, vừa mạnh mẽ. Nhạc sĩ cho biết, anh đang cố gắng xoay sở để kiếm cho đủ tiền thực hiện DVD Tiếng đàn Quang Dũng. Đó là DVD đầu tiên và cũng là duy nhất cho cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh. Quả thật, sức lao động, cống hiến và niềm say mê với âm nhạc trong anh bao giờ cũng là bất tận! Anh đã tạo được dấu ấn riêng của mình trong lòng thính giả trong và ngoài tỉnh.

 
Vốn được đào tạo âm nhạc bài bản từ chuyên ngành guitar Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, đến năm 1979 anh về làm việc tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Dak Lak trong vai nhạc công, sáng tác, hòa âm phối khí. Có dịp thâm nhập gắn bó với mảnh đất Tây nguyên đầy nắng gió, cũng là bước ngoặc để tiếng đàn của anh có dịp tỏa sáng.  Những âm thanh réo rắt phát ra từ 6 sợi dây thanh âm của cây đàn guitar, nhạc sĩ Quang Dũng đã lao vào nó với một niềm say mê sáng tạo không bao giờ biết mệt mỏi. Vừa phục vụ khán thính giả, vừa như một nhu cầu tất yếu cho chính tâm hồn nghệ sĩ vẫn luôn âm ỉ, thôi thúc đàn, thôi thúc sáng tạo trong mình. Anh luôn trăn trở, tìm cách khơi niềm đam mê với mong muốn tiếng đàn guitar lan tỏa đến những khán giả. Và rồi một ngày, người ta thấy Quang Dũng xuất hiện với cây đàn guitar điện trong tay. Guitar điện là sản phẩm tổng hợp từ hợp kim và plastic, thân rắn đặc, âm sắc lạnh mang tính kim loại đặc trưng thường chỉ sử dụng cho nhạc nhẹ. Khi đôi tay của anh lướt trên phím đàn, những âm thanh vang lên tròn, đầy, vang xa đẩy cảm xúc của người nghe lên đến tận cùng biểu cảm. Đặc biệt, khả năng khuếch đại âm thanh và vang xa, ở điểm này thì guitar điện hơn hẳn so với guitar thùng. Vì thế mà, nghe tiếng đàn vang lên, thấy cách chơi, từ cuối khán phòng, người ta nhận ra ngón đàn của Quang Dũng - những ngón đàn du dương và trầm bổng, có sức lay động lòng người một cách sâu sắc. Vốn trước đây, không ít người say mê, nghe không biết bao giờ chán với những điệu solo, classic bởi âm sắc ấm, sâu và biểu cảm phát ra từ cây đàn guitar thùng nhưng từ khi Quang Dũng mang guitar điện ra để biểu diễn thì giá trị của nó đã được nâng lên một tầm khác. Cái trước hết là nó khác lạ, chưa từng có trước đây với khán, thính giả địa phương. Cái lạ bao giờ cũng là chất men làm con người ta tò mò, muốn xem, muốn thưởng thức và tìm hiểu nhiều về nó nhưng nếu chỉ lạ và “khác người” không thôi thì Quang Dũng đã không thể đứng được trong lòng người yêu nhạc lâu đến thế. Có lẽ đến bây giờ, tiếng đàn guitar điện theo dòng nhạc classic vẫn không quá xa lạ với nhiều người. Thậm chí, với thế hệ yêu nhạc những thập niên 80, tiếng đàn ấy đã quá đỗi quen thuộc… Không chỉ nhuần nhuyễn các ngón đàn, Quang Dũng còn có “biệt tài” về kỹ thuật làm “xiếc” trên cây đàn điện. Anh có thể vừa chơi vừa tung hứng, chuyển đàn ra sau lưng, lên gáy, gẩy đàn bằng một tay… mà các ngón đàn vẫn rất ngọt, âm thanh vẫn réo rắt, mượt mà gieo vào lòng người nhiều cảm xúc thật khó tả! Có lẽ vì vậy mà hầu hết trong các lần biểu diễn, sự xuất hiện của Quang Dũng làm sôi động khán phòng và nhận được rất nhiều tràng pháo tay của khán giả. Một điều đặc biệt làm nên sức sống cho tiếng đàn của Quang Dũng là đã khai thác được cái hồn của âm nhạc dân tộc Tây Nguyên với những âm hưởng, giai điệu vừa trữ tình vừa mạnh mẽ. Hơn thế nữa, tiếng đàn ấy là sự kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và văn hóa truyền thống của các dân tộc trên cao nguyên Dak Lak màu mỡ. Nhiều ca khúc do anh sáng tác, dựa trên các làn điệu dân ca Tây Nguyên rất thành công như: “Bài ca quê hương”, “Lên cao nguyên đi anh”… và cũng có những bài chỉ viết riêng cho độc tấu guitar: “Tiếng đàn Broh đêm trăng”, “Vũ khúc Tây Nguyên”; “Khúc nhạc buôn mới”... Năm 1980, anh đã đạt 2 tấm huy chương vàng tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Hà Nội với màn trình diễn độc tấu guitar tác phẩm “Tiếng đàn Broh đêm trăng” và tác phẩm “Vũ khúc Tây Nguyên”.  Tiếp theo đó là Giải đặc biệt khi biểu diễn bằng độc tấu guitar điện cùng dàn nhạc dân tộc ở Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp năm 1983 tại TP. Hồ Chí Minh, Huy chương vàng cho tiết mục độc tấu guitar tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 tại Hà Nội, cùng nhiều giải thưởng khác…

Cũng như Y Moan, Quang Dũng nổi lên như “một hiện tượng lạ” với những phím đàn tài hoa. Đôi nghệ sĩ tài danh cùng thời “Y Moan- Quang Dũng” là những nốt nhạc sáng trong lòng công chúng yêu nhạc trong và ngoài tỉnh. Bao nhiêu năm lao động, sáng tạo bền bỉ với mong muốn cống hiến thật nhiều cho khán giả yêu nhạc, giờ, đôi bàn tay tài hoa vẫn say mê lướt trên phím đàn mỗi ngày, phát ra những âm thanh trầm bổng, say lòng người. Anh cố gắng tiếp tục phát huy tối đa sức sáng tạo có sự kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và âm nhạc Tây Nguyên. Nhạc sĩ Quang Dũng - quả thật, cái tên đã tạo nên một hình ảnh đẹp luôn ghi dấu trong trái tim của những người yêu nhạc.

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.