Multimedia Đọc Báo in

Có một Lê Vĩnh Tài lạ và... tài!

14:22, 09/10/2011

Vẫn cứ tưởng rằng sẽ có sự khác biệt lớn giữa nhà doanh nhân và thi sĩ, nhưng khi tôi gặp Lê Vĩnh Tài tại nhà riêng - một cửa hàng xe máy trên đường Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột thì cái điều “cứ tưởng” kia đã khác. Đó là một doanh nhân năng động, tỉnh táo, xen chút ngang tàng, bộc trực, nhưng ẩn chứa bên trong là một trái tim giàu cảm xúc, dễ rung động của tâm hồn thi sĩ…

Sau các tập: Hoài niệm chiều mưa, Và nỗi nhớ đã bắt đầu với gió, Trường ca Vỡ ra mưa ấm, đến Lê Vĩnh Tài và  liên tưởng rồi Thờ ơ thơ, thì thơ anh không bị bó buộc trong những lối thể hiện sáo mòn mà sau mỗi câu chữ, cứ hun hút điều gì đó thật khó tả, rồi lại lặng lẽ đưa người đọc chìm trong cảm xúc của riêng anh. Cái tài của thi sĩ họ Lê là ở chỗ đó!

Nhà thơ Lê Vĩnh Tài: “Tôi yêu vùng đất đỏ bazan - khát quê nhà. Những bài thơ của tôi như loài hoa cà phê, chỉ có thể sống được và tỏa hương trên những triền đồi hoang dã...”
Nhà thơ Lê Vĩnh Tài: “Tôi yêu vùng đất đỏ bazan - khát quê nhà. Những bài thơ của tôi như loài hoa cà phê, chỉ có thể sống được và tỏa hương trên những triền đồi hoang dã...”
Vốn là sinh viên khoa Y- Đại học Tây Nguyên, mê thơ từ nhỏ nhưng rồi lại chọn con đường kinh doanh và vẫn gắn bó say mê với thơ như một cái “nghiệp”! Với Lê Vĩnh Tài, tình yêu tha thiết quê hương, với con người, phố núi huyền thoại, đất đỏ bazan, luôn luôn day dứt; đồng thời cũng là một hành trình tìm kiếm, khám phá bản thân mình. Đó là những cảm xúc rất thực có trong những nỗi buồn khó gọi thành tên, nỗi nhớ nhung lặng lẽ; là giấc mơ trằn trọc mỗi đêm “như  gió về đập cửa”,  về “những tháng ngày đã xa như cổ tích” (Và nỗi nhớ đã bắt đầu với gió - Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh). Giàu cảm xúc, dễ xao lòng trước con người và cảnh vật phố núi thơ Lê Vĩnh Tài còn có cả giọng điệu, âm sắc ấm nồng hơi thở cuộc sống, đậm tính thời sự cùng những suy tư, chiêm nghiệm: Lâu lắm, lâu, lâu lắm/Đô la không vượt 16 ngàn/Đất nước tha hồ thi sĩ/Ngựa hoang/Chưa lâu lắm/Giá  xăng chồn chân mỏi 11 ngàn vì giá thế giới tăng chứ ta không có tăng/Cũng như ngày xưa chúng mình không đến với nhau chứ không phải em không yêu anh/ để anh chào mẹ ra về/ bình yên nước mắt/ ngang phố huyện đèn dầu heo hắt… (Hy vọng tình yêu cũng ngày càng tăng giá – trích tập “Lê Vĩnh Tài và liên tưởng”). Ấy là cách mượn vấn đề của cuộc sống hiện tại để nói về một tình yêu đã xa, rất tỉnh táo “nhen” vào lòng người đọc nhiều cung bậc cảm xúc. Những câu thơ tự nhiên, mộc mạc như lời sẻ chia, suy tư về cuộc sống, hiện đại nhưng không tỉnh táo quá, lạnh lùng quá mà vẫn giữ được cái đằm thắm của cảm xúc, cái độc đáo câu chữ. Nếu để nói về thơ Lê Vĩnh Tài thì có thể gói gọn ở hai chữ: lạ và “khác người”! Từ cách nhìn, đặt vấn đề đến sử dụng ngôn từ một cách “không làm màu” và lối thể hiện rất riêng của anh đều giản dị, mộc mạc nhưng chứa đựng một kiểu tư duy rất riêng về cuộc sống. Giản dị như trong “Hình như là hôm qua” để nói về cái vụt thoáng qua của thời gian và đời người: t hứ 2 thứ 7/ thứ hai thứ bảy 234567/ chủ nhật tôi nhìn đôi mắt tôi/một mí mắt màu xanh lá/gân lá xanh và buồn/ tháng ngày thật lạ/ như vừa đâu mất hôm qua…”.

Một điều khác biệt nữa giữa anh và các nhà thơ trẻ hiện nay là Lê Vĩnh Tài thường hay nhắc đến những cái tên - chẳng phải là của những người nổi tiếng - những cái tên rất đỗi bình thường mà anh đã từng bắt gặp, trò chuyện, hay đơn giản ngồi uống với nhau ly cà phê, chén rượu tâm tình… cứ thế, đi vào thơ một cách tự nhiên cùng nhiều tình cảm mến thương như: Uống rượu với Phạm Doanh và Nguyễn Phi Trinh; Đà Lạt, Thúy và Dy, và gió… Từ cái tài ở cách chuyển tải tứ thơ, cách kéo người đọc “chìm trong cảm xúc” cùng với mình, Lê Vĩnh Tài đưa độc giả đi hết bất ngờ này đến thích thú khác. Thêm một điều thú vị trong sáng tác của anh là có không ít bài thơ cứ chảy theo nguồn cảm hứng của tác giả, câu từ cứ như thế mà “trôi” ra, cuốn người đọc vào dòng suy tưởng cho đến lúc đặt dấu chấm hết, cho thỏa thích mới thôi. Rồi cũng chính những bài thơ ấy được tác giả viết lại bằng lục bát. Việc làm này chẳng phải để “phô” khả năng gieo vần, tuân theo luật lệ nghiêm ngặt vốn có của thể loại, mà là cách để đưa ra hai văn bản khác nhau nhưng cùng một liên tưởng, để người đọc dễ tiếp nhận và phần nào để độc giả đỡ… “mệt” hơn khi cứ mải miết theo trường cảm xúc bất tận, phủ đầy sáng tạo của chàng thi sĩ.

Mê theo thơ, chuyển tải sâu sắc những xốn xang của cuộc sống thực tại, những vấn đề thời sự nổi lên… nhưng biết chọn cho mình một cách  thể hiện để nhiều người có thể chấp nhận được, không quá khô khốc, lạnh lùng cũng không theo khuôn mẫu, góp nhặt cảm xúc… cái tài của Lê Vĩnh Tài là ở chỗ đó! Cùng niềm yêu thơ bất tận và nguồn sáng tạo không mỏi mệt, Lê Vĩnh Tài - nhà thơ phố núi đã ít nhiều tạo được dấu ấn riêng trong lòng độc giả trong và ngoài tỉnh. Anh đã nhận được nhiều giải thưởng cao như : Giải thưởng thơ Bách Việt năm 2009, Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học- nghệ thuật Việt Nam- 2006, Giải A về thơ của “Giải thưởng văn học- nghệ thuật Chư Yang Sin” tỉnh Dak Lak lần thứ nhất…

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc