Nguyễn Văn Vĩnh - Những dấu ấn khai sáng
Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) |
Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15-6-1882 trong một gia đình nông dân nghèo khổ nên lúc đầu gặp nhiều hạn chế về học hành. Nhưng bù lại, ông lại có một trí thông minh tuyệt vời. Bằng nỗ lực cá nhân ông đã vươn lên, trưởng thành một cách nhanh chóng và đóng góp cho nền văn hóa Việt Nam những viên ngọc quý.
Trước hết, có thể khẳng định rằng, ông là một trong những người có nhiều đóng góp quan trọng nhất cho việc cổ vũ và truyền bá chữ quốc ngữ. Thời đó, ông và nhóm Đông Dương tạp chí (Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính, Nguyễn Bá Học…) đã sớm nhận thấy chữ quốc ngữ là một thứ vũ khí lợi hại cần thiết cho dân tộc ta trong sự nghiệp phục hưng nước nhà. Từ khi bắt đầu bước vào nghề làm báo và tham gia giảng dạy ở Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Văn Vĩnh đã cổ động nhân dân học chữ quốc ngữ. Năm 1913, trên số 2 của tờ Đông Dương tạp chí, ông đề nghị mọi người “Mở ngay tờ nhật báo này ra mà ngẫm xem bấy nhiêu điều luận trong báo, thử nghĩ: giá thử luận bằng chữ Nho thì có mấy người đọc được, mà trong những người đọc được, thì có mấy người hiểu cho hết nghĩa. Thế mà chữ quốc ngữ, thì không những là người biết chữ quốc ngữ đọc được, hiểu được, một người đọc cả nhà nghe cùng hiểu được, từ đàn ông cho đến các bà (không dám nói đàn bà sợ các bà quở), trẻ con cũng nghe được mà chỉ với chúng ta trong cuộc luận bàn thế sự thì có phải nó vui việc ra là bao nhiêu”. Và cũng chính ông cũng là người đã đề xuất rằng: Tất cả các thể loại như báo, sách, văn chương, thơ, tiểu thuyết, nghị luận, đơn từ đến những câu đối, câu phúng, lời chúc mừng bạn bè… đều phải viết bằng chữ quốc ngữ, để cho người dân làm quen dần và đồng thời cũng luyện cho người viết trôi chảy, chau chuốt hơn. Để chữ quốc ngữ ngày càng hoàn chỉnh, giúp cho mọi người đọc và hiểu được dễ dàng, ông đề nghị chỉnh sửa những chữ còn sai khi nói và viết (chính tả) và thống nhất cách phiên âm tên đất, tên người nước ngoài khi dịch ra chữ quốc ngữ. Không những thế, bản thân ông đã tham gia viết nhiều thể loại, từ nghị luận, dịch tiểu thuyết, thơ ngụ ngôn… bằng chính chữ quốc ngữ, để chữ quốc ngữ dần hoàn chỉnh, có khả năng truyền tải được tất cả tư tưởng, tình cảm của con người. Ngoài ra, ông còn biên soạn một quyển sách tự học chữ quốc ngữ để phát cho những người mua báo. Nguyễn Văn Vĩnh luôn tận dụng mọi điều kiện, mọi khả năng về phương diện báo chí mà mình có để có thể tuyên truyền cho chữ quốc ngữ.
Ngoài đóng góp quan trọng kể trên, ông còn là người có công rất lớn trong việc phát triển báo chí tiếng Việt. Có thể nói, ông là người làm chủ nhiệm, chủ bút nhiều nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20. Trong 30 năm làm báo, ông đã viết một khối lượng bài viết khổng lồ thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều thể loại, đăng trên các báo do ông làm chủ nhiệm, chủ bút hoặc trên nhiều tờ báo ra cùng thời. Là nhà báo đa tài, ông có thể viết tin, nghị luận (xã thuyết), làm thơ, khảo cứu, phóng sự và dịch tiểu thuyết. Ở bất cứ chuyên mục nào, những bài viết của ông cũng đều sắc sảo, thể hiện được trình độ học thức sâu và tầm nhìn rộng. Nhưng một trong những sở trường của Nguyễn Văn Vĩnh là báo nghị luận. Những bài viết nghị luận của ông tương đối ngắn, nội dung phong phú đề cập đến các vấn đề trong xã hội từ chính trị, kinh tế đến các phong tục tập quán của người dân… mà tiêu biểu phải kể đến các tác phẩm trên Đăng Cổ tùng báo như: Tại người hay tại đất? (thói lười biếng dẫn tới nghèo đói), số 2; Thói tệ (nói về lối sống thờ ơ không quan tâm đến nhau trong các đô thị), số 6; Phận làm dân (kêu gọi người dân thực hiện quyền bầu người đại diện trong nghị viện), số 17; Chết về gạo (về sự độc canh cây lúa mà dân vẫn đói), số 26; Hội Kiếp Bạc (về thói mê tín buôn thần bán thánh ở các đền chùa), số 28. Hay trên Đông Dương tạp chí có các bài viết: Học hành (nói về thói học vẹt, không sáng tạo trong tiếp thu kiến thức) số 2; Luận về việc du học (nói về sự cần thiết phải cử người đi du học nước ngoài), số 30… Trong những bài nghị luận của mình, bên cạnh những luận điểm, dẫn chứng để so sánh, phân tích các vấn đề nêu ra, Nguyễn Văn Vĩnh còn “nhìn thấy trước” các vấn đề trong xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề Nguyễn Văn Vĩnh đặt ra đến nhiều thập kỷ sau, thậm chí hàng trăm năm sau người Việt Nam vẫn phải đối mặt. Nguyễn Văn Vĩnh không chỉ dừng lại ở việc đưa ra được những vấn đề xã hội mà ông còn đi sâu phân tích, mổ xẻ nguyên nhân, thực trạng và quan trọng hơn, ông còn đưa ra các giải pháp để hạn chế các mặt tiêu cực của những hiện trạng đó. Chính sự phân tích khách quan, khoa học cộng với tầm nhìn xa của một người làm báo khiến cho các bài báo nghị luận của Nguyễn Văn Vĩnh có sự bền vững của thời gian…
Với nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh, những người đương thời đã nhận xét rằng: “Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những người Việt Nam đầu tiên tiếp nhận văn hóa Âu Tây và tích cực truyền bá vào Việt Nam. Chính ông là một trong những người đánh những tiếng trống đầu tiên mở màn cho việc phát triển báo chí tiếng Việt, một nghề hoàn toàn mới đối với người Việt Nam đầu thế kỷ 20. Đồng thời, ông cũng là một trong những người có công lớn nhất cho cuộc cách mạng chữ quốc ngữ”. Đúng như nhận định của Giáo sư Dương Quảng Hàm: “Ông là người học rộng, biết nhiều, lại có lịch duyệt, thiệp liệp tư tưởng học thuật của Âu Tây, nhưng cũng am hiểu tín ngưỡng phong tục của dân ta (…). Văn ông bình thường giản dị, có tính cách phổ thông, tuy có châm chước theo cú pháp của văn Tây mà vẫn giữ được đặc tính của văn ta. Ông lại chịu khó moi móc ra trong kho thành ngữ, tục ngữ của ta những từ ngữ có màu mè để diễn đạt các ý tưởng (cả những ý tưởng mới của Âu Tây), thành ra đọc văn dịch của ông tưởng chừng như đọc văn nguyên tác bằng tiếng Nam vậy. Kể về văn dịch tiểu thuyết thì thực ông là người có biệt tài, ít kẻ sánh kịp vậy”.
Nguyễn Viết Chính
Ý kiến bạn đọc