Có công mài sắt có ngày nên... văn
Bây giờ thì Trần Quốc Tiến đã là nhà văn “chính hãng”: anh trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996. Đến nay, Trần Quốc Tiến đã xuất bản trên 10 đầu sách, gồm nhiều thể loại: bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết… Anh cũng được tặng nhiều giải thưởng từ cấp tỉnh đến Trung ương.
Trần Quốc Tiến sinh năm 1942 tại Nam Tiến, TP. Nam Định. Để trở thành một nhà văn đích thực như hôm nay, anh đã phải trải qua bao nhiêu gian khổ. Anh như con trâu “cày” cật lực trên cánh đồng chữ nghĩa, văn chương. Anh từng giãi bày: “Tôi yêu văn chương đến mê muội, cộng với nghị lực vượt khó, bên cạnh đó được mẹ và vợ giúp đỡ. Mồ côi bố từ năm lên bốn tuổi. Ngay từ lúc lọt lòng tôi được uống hai dòng sữa. Dòng sữa từ đôi vú căng mọng chảy ra, và một dòng sữa từ lời ru của mẹ. Ở tuổi mười, mười lăm mỗi lần mua sách về nhà, vừa làm vừa đọc. Mẹ nhìn con ứa nước mắt bảo: “Con tha lỗi cho mẹ, đẻ con ra mà không cho con đi học bằng anh, bằng em. Con cố gắng tự học, mẹ tin nên người”.
Như vậy Tiến không được đi học tiếp vì nhà quá nghèo (anh chỉ học hết lớp 3). Được mẹ động viên, ngày nào Tiến cũng cố gắng viết. Chiếc bàn là cái mâm gỗ cũ, ghế là nền nhà đất. Mùa hè Tiến cởi trần, mùa đông khoác bao gai. Suất bồi dưỡng viết đêm mẹ dành cho anh là bát bánh đúc ngô, là củ khoai lang luộc. Viết xong tập bản thảo anh đem cất vào cái chum sành, lấy nắp đậy cẩn thận. Trên hai chục năm, Tiến viết và cất bản thảo như vậy. Cho đến một hôm nhà thơ Nguyễn Đức Mậu từ Hà Nội về, nhân anh sang chơi, mẹ Tiến vào buồng mở chum bản thảo ra, bà xếp lên sàng mấy tập nói với nhà thơ:
- Bác xem có in được cái nào không. Rõ khổ, đêm nào thằng Nhuận (tên thường gọi ở nhà của Tiến) nhà tôi cũng thức khuya viết.
Trong số hai chum bản thảo Tiến chọn một tập gửi cho Nhà xuất bản Thanh Niên. Đó là cuốn tiểu thuyết “Cuộc vận lộn trước lúc rạng đông” dày 400 trang, xuất bản năm 1990. Suốt 16 năm kể từ lúc viết bản thảo là 11 năm tiếp theo chờ đợi ở nhà xuất bản, tổng cộng là 27 năm, tác phẩm đầu tay của Trần Quốc Tiến mới ra đời. Khi ấy, mẹ của Tiến đã không còn nữa.
Ngày lên Hà Nội nhận sách về, chân ướt chân ráo Trần Quốc Tiến ra ngay nghĩa trang đặt cuốn sách lên mộ mẹ, thắp hương rồi quỳ sụp khấn, khóc nức nở.
Hôm sau Tiến bắc rạp mời bà con, chú bác, bạn bè tổ chức lễ “khao sách”, trong đó có ông Thỏa – một cựu chiến sĩ Điện Biên, cả đời chưa từng làm thơ. Vậy mà trong bữa tiệc “khao sách” của Tiến, ông Thỏa hứng hởi ứng tác 4 câu thơ tặng Tiến:
“Quê ta mới có nhà văn
Là Trần Quốc Tiến xuất thân dân cày
Bao năm, bao tháng, bao ngày
Có công mài sắt… có ngày nên văn”.
Lê Hồng Bảo Uyên (st-bs)
Ý kiến bạn đọc