Đọc lại bài thơ “Thăm Ngã ba Đồng Lộc”
Hết chiến tranh!
Sao các em không về quê
Yêu quý con đường, cùng xung phong ở lại
Đã mấy chục năm vẫn là con gái
Yêu những đoàn xe… Và lịch sử những con đường
Đất nước mình đâu cũng là quê hương
Người lính mở đường không rời nhiệm vụ
Những đêm tối trời trái tim thắp lửa
Và ngày ngày nâng bánh xe qua.
Các em trường tồn trong mỗi bài ca
Lá thư viết mà chưa kịp gửi
Tấm gương nhỏ, “duyên thầm con gái”
Chiếc lược chải đầu… chắc vẫn dùng chung
Các em yêu nắng gió miền Trung
Đầu nối hai miền Nam – Bắc
Tôi gặp các em qua làn hương mỏng
Túi đạn bom xưa, nay lồng lộng tượng đài
Vẫn trẻ trung với tuổi hai mươi
Đẹp như những nàng tiên nữ
Quần áo lính trái tim rực lửa
Bảo vệ con đường huyết mạch Việt Nam.
Nguyễn Văn Trữ
“Ngã ba Đồng Lộc” đã trở thành cái tên đi vào huyền thoại Việt Nam về cuộc kháng chiến thần thánh chống Đế quốc Mỹ xâm lược. Đó là câu chuyện về mười cô gái thanh niên xung phong đã hiến dâng tuổi xuân đẹp nhất cho cuộc kháng chiến và hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ bảo vệ con đường huyết mạch, cho những đoàn xe tiếp viện vào chiến trường để bộ đội ta đánh giặc.
Nhiều đoàn đến dâng hương trước mộ 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: T.L |
“Thăm ngã ba Đồng Lộc” là một bài thơ trữ tình được viết theo mạch liên tưởng và hồi tưởng của tác giả khi trở lại thăm chiến trường xưa. Đứng trước tượng đài kỷ niệm thiêng liêng, trước anh linh của những nữ anh hùng tại ngã ba Đồng Lộc, tác giả không khỏi rưng rưng xúc động: “Hết chiến tranh! Sao các em không quay về/ Yêu quý con đường, cùng xung phong ở lại/Đã mấy chục năm nay vẫn là con gái/Yêu những đoàn xe… Và lịch sử con đường”. Dùng độc thoại nội tâm hướng tới đối thoại trong tâm linh, tác giả gọi những nữ liệt sĩ là “em” thật trìu mến, thân thương như lời của người anh trai về đây thăm các em gái thân yêu xưa của mình. Lời thơ nghẹn ngào, chất chứa đau thương trước một sự thật: Hết chiến tranh, đất nước đã yên bình rồi mà không thấy các em trở về quê hương, trở về với mọi người để cùng hưởng cuộc sống thanh bình. Thật đau xót làm sao! Hỏi mà để khẳng định một sự thật là các em không còn nữa. Các em đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Để tự an ủi lòng mình, hay an ủi linh hồn các nữ liệt sĩ, khi tác giả nhận ra các em không về bởi “Yêu quí con đường cùng xung phong ở lại”. Với cách cảm nhận ấy, tác giả muốn khẳng định linh hồn các cô gái thanh niên xung phong đã trở thành bất tử “Mấy chục năm vẫn là con gái”. Những người em gái thanh niên xung phong của tác giả phải chăng đã tình nguyện gắn bó ở lại nơi đây mãi mãi, cống hiến cho nhịp cầu Bắc – Nam nơi miền Trung mưa tuôn, nắng cháy. Hồn thiêng các cô gái ở ngã ba Đồng Lộc đã quyện vào sông núi.
“Đất nước mình đâu cũng là quê hương/Người lính mở đường không rời nhiệm vụ. Trong cảm nhận của tác giả, các cô gái vẫn lặng lẽ dâng hiến cho đời, cho đất nước như những thiên thần: “Những đêm tối trời, trái tim thắp lửa/Và ngày ngày nâng bánh xe qua”. Ngày cũng như đêm, có biết bao chuyến xe qua lại ở ngã ba Đồng Lộc theo mạch máu giao thông Nam – Bắc, mỗi lần qua đây lại nhớ về mười cô gái thanh niên xung phong, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh, trước tượng đài liệt sĩ, lại cảm thấy ấm lòng và bình yên hơn bao giờ hết. Trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ ngày nào của các cô gái thanh niên xung phong như vẫn còn nguyên vẹn, hóa thành ánh lửa soi đường, nâng bánh xe qua.
Trong không gian tĩnh lặng và thiêng liêng của cõi tâm linh trước tượng đài liệt sĩ, những kỷ niệm đẹp đẽ ngày nào của những cô gái thanh niên xung phong lại lần lượt trở về trong ký ức của tác giả: “Các em trường tồn trong mỗi bài ca/Lá thư viết mà chưa kịp gửi/Tấm gương nhỏ, duyên thầm con gái/Chiếc lược chải đầu… chắc vẫn dùng chung”. Tác giả liệt kê, liên tưởng, tái hiện hình ảnh sống động của các cô gái ngày nào. Nghe đâu đây như vẫn còn tiếng hát, tiếng cười nói khỏe khoắn, thân thương. Khi làm nhiệm vụ phá bom để thông đường, các cô gái là những thiên thần dũng cảm, thông minh và gan dạ. Trong giây phút bình yên hiếm hoi, các cô gái lại trở về với nét đẹp hồn nhiên, trẻ trung đầy nữ tính. Hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, một tấm gương con, một chiếc lược nhỏ cũng trở thành tài sản chung quý giá, cũng đủ để các cô chải đầu, ngắm mình làm duyên và gửi vào đó biết bao mộng đẹp. Cuộc sống chiến đấu ác liệt với bom đạn của kẻ thù, đã gắn bó các cô gái thành chị em thương yêu, đoàn kết, đùm bọc nhau, sẻ chia từng niềm vui nỗi buồn dù là nhỏ nhặt nhất. Tình cảm ấy của các cô gái không bao giờ mất. Tác giả lắng nghe, hình dung và cảm nhận thật đẹp đẽ và xúc động biết bao!
Theo dòng hồi tưởng, tác giả nghẹn ngào nhất khi nhớ tới những lá thư của các cô gái viết về cho gia đình, cho người thân ở hậu phương. Có bức thư chưa kịp gửi thì các cô gái đã hy sinh. Những dòng tình cảm sâu nặng nghĩa tình và lời hẹn ước ngày trở về vẫn còn đó như những kỷ vật thiêng liêng, xúc động. Trong sâu thẳm của tâm linh, tác giả cảm nhận thấy như: “Tôi gặp các em qua làn hương mỏng/Túi đạn bom xưa, nay lồng lộng tượng đài/Vẫn trẻ trung với tuổi hai mươi/Đẹp như những nàng tiên nữ/Quần áo lính trái tim rực lửa/Bảo vệ con đường huyết mạch Việt Nam!”. Làn hương mỏng trở thành hình ảnh thiêng liêng, sợi dây tâm linh được thắp lên từ tấm lòng thành kính của tác giả. Từ làn hương mỏng ấy, tác giả liên tưởng, cảm nhận thấy giây phút hạnh phúc đậm màu huyền thoại, như là đang được gặp lại các em gái thanh niên xung phong ngày nào. Từ trong không gian của túi đạn bom ngày ấy, các em đã hóa thành tượng đài bất tử, lồng lộng tinh thần khí phách giữa ngã ba Đồng Lộc. Những bức tượng đài thiêng liêng như có hồn, thấp thoáng dáng hình nàng tiên nữ đẹp mãi tuổi hai mươi. Những nàng tiên nữ không phải từ cõi trời giáng trần, mà là những nàng tiên trong bộ quân phục quần áo lính rạng ngời của thế hệ Hồ Chí Minh, giữ mãi màu xanh tuổi trẻ, màu xanh của hòa bình và ước vọng… Những nàng tiên với trái tim rực lửa – ngọn lửa của lòng yêu nước, của nhiệt huyết tuổi trẻ. Ngọn lửa ấy mãi mãi trường tồn, mãi mãi bảo vệ con đường huyết mạch Việt Nam, cho sự phồn vinh của đất nước.
Nguyễn Duy Cách
Ý kiến bạn đọc