Từ sông Krông Bông (Kỳ 1)
Kỳ 1
Nhà cửa ban tuyên huấn tỉnh bị lính trung đoàn bốn mươi lăm từ Buôn Ma Thuột hành quân vô đốt trụi. Cơ quan lại chuyển về đóng tại địa điểm mà trước đó ba năm đã ở một lần, ngay bên bờ sông Krông Bông. Chừng mấy cái nhà lớn nhỏ khác nhau đều làm bằng cây gỗ, le và lợp tranh. Nhà bếp đặt cách mép bờ sông chưa đến ba mét, rất tiện cho các cô gái lấy nước nấu ăn. Và ai cũng tỏ ra hứng thú khi thấy sát mái bếp phía sau, một cây bứa to, cành lá xanh tốt quanh năm. Có người nói vui nhưng cũng hết sức chí lí, gọi cây bứa đó là kho dự trữ thực phẩm chiến lược của cơ quan. Toàn cơ quan ẩn mình dưới một rừng le xanh tốt, rộng bát ngát, đến nỗi chẳng một ai để ý xem là bao nhiêu héc-ta. Đất pha cát, sạch sẽ. Chỉ ở trước mặt cơ quan, dọc theo đoạn sông quẹo về phía đông nam, vạt đất tự nhiên trũng xuống, thường được phủ một lớp phù sa màu mỡ do ngập lũ vào mùa mưa hàng năm. Tại đó, chỗ nào không có le thì lau lách mọc lên um tùm, trổ cờ hoa trắng phất phơ, dưới chân lá chen kín mít, là nơi cư trú lý tưởng của lũ heo rừng. Phía sau cơ quan, cứ theo con đường mòn gần như thẳng tắp ven sông, đi chừng một cây số bằng phẳng, rồi đổ xuống một bến nước rất đẹp. Bên kia dốc bến nước là buôn Reo của đồng bào Êđê với hai chục nóc nhà sàn, chia làm bốn dãy. Từ giữa buôn, nếu đi bộ cũng theo con đường mòn ven sông, khoảng chừng non một giờ sẽ đến chân ngọn núi Giăng-Gri. Ngọn núi cao đến mức, khi đứng dưới chân, ngửa hẳn mặt lên nhìn cũng chỉ thấy sườn núi ưỡn ra chắn ngang tầm mắt với lớp lớp cây rừng nguyên thủy đứng chen nhau xanh biếc. Và ở ngay giữa màu xanh ấy bất chợt nổi lên một vùng đá tảng đồ sộ màu xám tro. Còn đỉnh núi thì chờn vờn đâu đó trong sương mù, đến gần đứng trưa mới hiện rõ dưới ánh nắng chang chang; vào những ngày tháng mùa mưa, họa hoằn lắm mới thấy nó ẩn hiện sau những mảng mây trắng lững lờ bay nối tiếp nhau không ngớt.
Nắng chiều đã yếu. Phan Hồng Hà hất khỏi vai một đoạn cây khô, dài chừng hai mét, nặng chịch, xuống trước cửa nhà bếp. Anh bóp chiếc mũ tai bèo trong tay rồi đưa lên lau mồ hôi ướt đẫm trên mặt. Anh định ngồi xuống khúc cây để nghỉ một lúc thì có người đến trước mặt anh. Một đứa bé chân trần, đi rất êm, gần như không nghe tiếng động, đứng cách anh chừng hai mươi bước. Nhìn nó, anh bật cười. Rồi anh gọi lớn vọng vào bếp:
- Cô Sương đâu? Có khách đến.
Tiếng vọng trong nhà bếp:
- Ai đó?
Hà cười vui:
- Một ông khách không mặc quần.
Cũng tiếng vọng từ trong bếp:
- Đồ quỷ!
- Ra đây mà xem. Rõ ràng một chú bé không mặc quần.
Hà đưa mắt quan sát đứa bé. Nó từ trong buôn ra. Chừng mười một, mười hai tuổi. Đôi mắt sáng nổi bật trên khuôn mặt đen. Nó mặc chiếc áo Tô-Châu rộng và dài quá khổ người, hai vạt phủ xuống tận đầu gối, nên không biết bên trong nó mặc quần hay đóng khố. Mới nhìn cứ tưởng nó chỉ mặc áo. Nó chống trước bụng một khẩu ga-răng cao gần bằng đầu, đã quá cũ kĩ, bá súng mòn đến hơn một nửa.
Chú bé nhìn Hà và nói:
- Cán bộ. Min.
Hà vừa buồn cười vừa không biết chú bé định nói gì.
Chú bé nhắc lại:
- Cán bộ. Min.
Bỗng có người từ suối bước lên. Ông già Tâm. Ông Tâm tuổi bốn mươi chín, người Bình Định, tập kết ra Bắc về, hiện giờ phụ trách công tác quản trị đời sống cơ quan. Tiếng ông nói một phần pha giọng Bắc.
Lúc này, từ dưới suối lên, ông Tâm chỉ mặc chiếc may ô ba lỗ đã xỉn màu, chiếc quần cộc đen vá ba miếng. Người ông tong teo da với xương. Vừa đi vừa vắt chiếc khăn mặt màu cháo lòng cho khô nước, ông hỏi Hà:
- Có chuyện gì vậy?
Hà chưa kịp trả lời, chú bé đã nhanh nhẩu lên tiếng:
- Ớ, Ama Tâm. Min.
Ông Tâm ngửng mặt lên:
- À... Ykhéc đó hả?
Chú bé vẫn đứng nguyên một chỗ như lúc mới đến:
- Đi gùi thịt min.
Ông Tâm cười rất tươi:
- Ừ... ừ... Buồn ngủ gặp chiếu manh rồi. Làng xóm ơi - Ông gọi to về phía mấy căn nhà trước mặt - Ơ, sắp trẻ đâu, đi gùi thịt.
Ông quay lại phía chú bé:
- Xa hay gần, Ykhéc?
- Cái chân đi mau thì về trước mặt trời ngủ. Cái chân đi chậm về sau ông mặt trời ngủ.
Ông Tâm cười. Còn Hà thì hỏi:
- Vậy là xa hay gần chú?
Ông Tâm lắc đầu:
- Nói kiểu đó thì có giàng mới hiểu. Rồi ông buông một câu đặc giọng người bắc “khắc đi, khắc đến”.
Khi ông quay lại định nói gì thêm với chú bé thì mới biết chú bé đã đi về tự lúc nào, đôi chân trần không khua một tiếng động. Ông nói với Hà:
- Chắc đồng bào bắn được con min lớn, cho nó ra gọi mình đi lấy thịt về ăn. Ông vỗ hai bàn tay vào nhau, đắc ý - Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh. Làm rẫy suốt mấy tuần mà cứ canh lá bứa miết, chịu không thấu. Dạo này con trăng sáng quá, sắp nhỏ xách súng đi đêm hoài, có gặp con thịt nào đâu. Ngày mai đại hội chi bộ nữa, thịt đến đúng lúc quá. Thôi để tui biểu mấy đứa đi gùi thịt.
Một ngọn gió nhẹ từ suối tràn lên, mát rượi, làm cho ông Tâm đang vui càng thêm khoan khoái.
Con min bị hạ tại một bãi lầy um tùm lau lách, cách buôn Reo chừng nửa giờ đi bộ. Lần đầu tiên Hà biết con min. Mới ngó qua, anh thấy nó giống con trâu. Nhưng anh không được tận mắt thấy nó ở nguyên dạng. Khi anh cùng các bạn đến nơi, người ta đã rã con thịt ra thành không biết bao nhiêu mảnh. Cái đầu còn nguyên, có hai cái sừng cong bè bè, màu nâu bóng, ngắn hơn sừng trâu một chút. Bốn ống chân lông tua tủa còn nguyên móng được buộc thành hai cặp. Thịt mê man, ước chừng gần ba tạ, được chia nhỏ cho tất cả các bếp trong buôn; mỗi phần ít hay nhiều tùy theo số lượng người của mỗi bếp. Đồng bào cho cơ quan hẳn một đùi sau, hai người khiêng nặng chới với. Họ còn cho thêm một bên sườn, tuy thịt đã lóc nhưng vẫn còn dày lớp lớp. Hà chặt làm đôi cái sườn, xỏ lạt le và dùng khẩu súng trường C.K.C làm đòn gánh. Chốc chốc hai miếng sườn min cứ va đập vào lưng, vào ngực. Nhưng Hà không lưu ý đến chuyện đó nữa, vì anh đã quen, đã chấp nhận những gì có thể xảy ra trong cuộc sống thực tế ở chiến trường. Vả lại, thịt đến với cơ quan lúc này cũng làm anh phấn chấn hẳn.
Người ta chỉ bỏ lại bên bãi lầy phần phân con min, còn tất cả thịt, xương, da của nó đều được chia cho đến ba mươi người, trẻ có, già có, con nít cũng có. Kẻ khiêng, người gánh, người vác, người gùi. Cười nói, hả hê, mãn nguyện.
(Còn nữa)
Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc