Làm thơ trên lưng ngựa
Năm 1950, Trúc Chi đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Liên khu 5. Năm 1958-1960 học đại học sư phạm. Năm 1960-1975 là giáo viên dạy văn các trường học sinh miền Nam. Năm 1968-1969 học Trường viết văn Nguyễn Du khóa 3. Sau ngày 30-4-1975, ông chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978. Đến nay, Trúc Chi đã xuất bản trên dưới 30 tác phẩm, bao gồm các thể loại: thơ, bút ký, truyện ký, phóng sự, tiểu luận, phê bình văn học. Ông đã giành được nhiều giải thưởng văn học của các tạp chí trung ương và địa phương.
Năm 1996-1998, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trại sáng tác văn học cho các cây bút ở các tỉnh phía Nam để hưởng ứng cuộc thi truyện và ký về đề tài “Bảo vệ an ninh quốc gia và bình yên cho cuộc sống”. Trại được tổ chức tại nhà sáng tác Đà Lạt. Ngót 20 trại viên, đa số là nhà văn, nhà thơ đã có tên tuổi tham dự, trong đó có nhà thơ Trúc Chi. Lúc này ở tuổi ngoài lục tuần, nhưng nhà thơ Trúc Chi vẫn viết hăng hái lắm, chỉ trong một tuần ông đã sáng tác được một truyện ngắn, một bút ký khá đầy đặn. Để “chào mừng thắng lợi”, nhà thơ liền rủ một số bạn bè có mặt ở trại sáng tác đi du ngoạn thắng cảnh Đà Lạt vừa để “xả hơi” vừa lấy thi hứng. Khi đến thăm thung lũng Tình Yêu, nhà thơ ý định rủ nữ nhà văn Hiền Phương chụp một kiểu ảnh trên lưng ngựa làm kỷ niệm. Không biết có phải sợ một mình ngồi trên lưng ngựa bị ngã, mà Hiền Phương lại chủ động mời nhà thơ Trúc Chi cùng lên ngựa chụp ảnh. Trúc Chi gật đầu ngay. Khi nữ văn sĩ và thi sĩ đã ngồi cả trên lưng ngựa rồi, anh thợ chụp ảnh cứ loay hoay, ngó nghiêng phải, trái, tiến lùi để tìm góc ảnh đẹp.
Sau tiếng “tách” bấm máy, nhà thơ Trúc Chi mủm mỉm cười và ứng khẩu luôn hai câu thơ:
“Em trầm ngâm quá, xa xăm quá
Vừa mới lên ngựa đã... rất gần”
Mọi người xung quanh vỗ tay tán thưởng. Xem ra thi sĩ Trúc Chi đã ngoài lục tuần rồi, song tứ thơ, ý thơ quả là còn tình lắm.
Lê Hồng Bảo Uyên (bs)
Ý kiến bạn đọc