Multimedia Đọc Báo in

Từ sông Krông Bông (Kỳ 22)

08:57, 04/01/2014

Thằng bé dẫn Hà và Hồng Thắm về thôn chắc chừng mười bốn, mười lăm tuổi, có đôi chân cao, đi nhanh thoăn thoắt - Nó đi chân đất, mặc quần đùi màu xanh lá cây, không mặc áo. Nó vác một cái phảng phát bờ ruộng, cao hơn đầu. Lưỡi phảng màu đen, bằng sắt. Cán bằng tre, dài đến một mét. Nó thích nói chuyện vui vẻ.

Vừa bước đi chừng chục mét, thằng bé lên tiếng trước:

- Anh về nhà lão Một, chị về nhà bà Thà. Anh Khải phân như rứa. Cũng ở gần nhau thôi, chị hú một tiếng, ảnh nghe được. Nó bỗng kêu to hơn: Anh rọi đèn pin tới phía trước để em thấy đường. Chỗ ni không biết mần răng mà đá ong sắp lớp, anh chị coi chừng vấp té.

Hồng Thắm đi sau cùng, hỏi với lên:

- Sao lúc nửa đêm gà gáy như vầy mà em không mặc áo?

- Dạ, lúc sẩm tối, em giặt cái áo, mới phơi lên nhánh tre trước nhà, thấy chị Lâm xách súng chạy ngang qua, rồi hai ba người nữa, em liền chạy theo, cho đến chừ. Thằng bé lễ phép trả lời.

- Chớ có chuyện chi gấp gáp mà không kịp quơ cái áo khác để mặc? Thắm hỏi.

Thằng bé hơi ấp úng:

- Dạ... dạ em chỉ có một cái áo, giặt ướt thì phải chờ. Mà chị ơi, không phải do chuyện áo quần đâu. Thấy chị Lâm mang súng, vác cả cái phảng phát bờ ruộng, chạy gấp như vậy, em biết là có chuyện chi to rồi, liền chạy theo. Thường ngày chị chỉ mang theo súng, nay lại vác cả cái phảng đi theo, ngó thấy, em sợ hết hồn...

Đến đây thằng bé không nói nữa, bước chân rất nhanh. Hà rọi đèn, thấy nó đi chân đất, gót chân mòn, đen sì. Anh giục nó kể tiếp câu chuyện, nhưng nó cứ ậm ừ rồi nín thinh.

- Nhà em ở thôn mấy? Hồng Thắm hỏi.

- Dạ, ở thôn ba, bên nhà chị Lâm mà - Thằng bé trả lời.

Một lần nữa Hà nhắc thằng bé kể tiếp chuyện đi theo chị Lâm. Không biết vì sao, nó chỉ ậm ừ như lúc nãy, rồi im lặng. Hồi lâu, nó buông một câu ngắn như đang thở ra:

- Em sợ quá.

Cả Hà và Hồng Thắm đều biết chắc có một chuyện nghiêm trọng nào đó vừa xảy ra, tác động mạnh đến thằng bé, đến bây giờ nó vẫn chưa trấn tĩnh lại. Hồng Thắm nói sang chuyện khác:

- Chị cũng dân Khuê Điền mà. Cha chị làm thợ rèn. Em có biết ông Tám Rèn không? Cái lò rèn bên chợ, đầu cầu sắt đó mà.

Thằng bé bỗng quay mặt lại, kêu lên vui vẻ:

- Thiệt vậy sao chị?

- Ừ, lò rèn ông Tám mà.

Đi một quãng, thằng bé chợt dừng lại. Hồng Thắm vượt lên ngang nó. Không thấy rõ mặt, chỉ nghe giọng nó rất buồn.

- Em biết rồi mà. Bà con dinh điền mình nhớ hết. Cái đêm đó, một loạt bom xuống, ba mươi hai người chết. Đe búa, ống bể lò rèn nhà chị và cả cha chị nữa đều bị bom hất xuống sông. Cha chị chết mà không có mồ mả, nước sông cuốn xác ông đi rồi. Bà con dinh điền mình nhớ hết. May lúc đó chị không có ở nhà...

Cả ba người lặng đi, rươm rướm nước mắt. Hà kêu lên trong đầu “Chao ôi, đúng là ta đang ở trong tọa độ chết. Câu chuyện nào cũng đầy tang thương. Đất đai, nhà cửa, hoa màu, bò trâu và con người nữa, đều là mục tiêu hủy diệt của kẻ thù... Không lẽ cứ như thế này mãi sao?”.

Vẫn còn đi trong vạt rừng non, thằng bé bỗng kêu: “Đến nơi rồi”.

Một con đường mòn. Và ngay bên kia con đường là rừng le. Hà quất đèn, thấy những bụi le lớn kế tiếp nhau theo ánh sáng đèn pin. Đây đó lác đác những cái nhà nép mình sát bụi le. Nhà nào cũng đơn giản được làm bằng gỗ nhỏ, mái bằng le, lợp tranh hoặc bằng tôn cũ cháy sém. Không mấy nhà có vách che chắc chắn, mà thường che một hai bên bằng tranh, bằng tôn cũ, rất qua quýt. Có nhà chỉ thấy mấy cây cột bằng bắp chân, không che chắn gì cả.

Vào một nhà nền đất được dọn sơ sài, mặt sau là bụi le rất to, sáu cây cột. Chỉ có một tấm tôn đen xỉn được đặt nằm ngang, che cái bếp có ba ông táo bằng đá và năm ba cái chén đất sứt mẻ nằm gọn trong cái rổ nhựa cũ mèm. Cái xoong nhôm nhỏ có nắp đậy nằm bên ông táo, chẳng biết bên trong có cơm cháo gì không. Bếp tro củi le lạnh tanh. Có hai đứa nhỏ đang ngủ trên hai cái võng, một đứa con gái chừng tám, chín tuổi, đứa con trai chắc năm, sáu tuổi.

Thằng bé nói:

- Nhà lão Một đây. Không biết lão đi đâu? Nó hạ giọng - Cứ để hai đứa nhỏ ngủ.

Hồng Thắm thắp ngọn đèn dầu lấy từ ba lô ra. Chợt cô hỏi:

- Ơ, chị quên, em tên gì?

Cả ba đều rút củi gỗ trong bếp làm đòn ngồi xuống nền nhà. Thằng bé vui vẻ trả lời:

- Dạ, em tên Thắng. Ngừng một lát, nó tiếp - Cha em đặt tên cho con nghe lạ lắm. Bốn chị em, tên là Kháng, Chiến, Thắng, Lợi. Đến đây, giọng nó trở nên sôi nổi hơn - Chị không biết em, chớ em thì nhớ ra chị rồi. Hồi chị còn ở nhà, em thấy chị cầm kìm giữ miếng sắt đỏ trên đe cho cha chị đập búa xuống. Cuốc, rựa, câu liêm nhà em đều lấy ở nhà chị. Bà ngoại em khen dao bổ cau nhà chị bén như nước... Ngừng một lát, nó lầm bầm - Không biết lão Một mắc công chuyện chi, bây chừ sắp sáng, mà chưa thấy về.

Hà nghĩ bụng: “Không lẽ ở đây chỉ có dân Quảng Nam, Đà Nẵng? Lúc nào cũng nghe một giọng... như rứa”. Còn Hồng Thắm hạ giọng nhỏ nhẹ để gợi lại chuyện cô Lâm mà thằng bé có vẻ ái ngại mỗi khi nhắc tới.

- Thắng nè, em nói chị nghe chuyện em theo chị Lâm vừa rồi đi. Mình vừa nói chuyện vừa chờ lão Một.

- Ghê lắm chị ơi, tối nay nhiều người đùng đùng dắt nhau đi chiêu hồi. Vô vùng của nó là chiêu hồi, phải không chị? Ông bà già với con nít, đông lắm. Cũng có người trẻ, nhưng lẻ tẻ thôi. Gồng gánh, mang vác đồ đạc lỉnh kỉnh thấy mồ. Em thấy người ta dắt theo hai con bò. Người ta đến tập trung lúc sáy bảy giờ tối tại miếng ruộng mới cắt lúa cuối năm, bên bờ sông. Khúc sông chỗ đó cạn, lội qua được - Dạ, mùa mưa năm ni ít mưa, nên chỗ đó nước không sâu. Nghe tin báo, chị Lâm cùng mấy anh du kích xã nhào ra đó ngay.

Đến đây, thằng Thắng xúc động đến nghẹn lời. Đôi mắt nó nhìn thẳng vào mặt Hồng Thắm, rưng rưng. Giọng nó đều đều, nghe rất buồn:

- Anh chị biết không, cha mẹ chị Lâm cũng đi chiêu hồi. Ông dắt theo thằng con út bảy, tám tuổi. Ông chỉ mang một cái bọc nhỏ xíu sau lưng. Mẹ chị cũng vậy. Bà dắt tay thằng nhỏ. Em đứng bên chị Lâm nên nhớ hết mà... Chị Lâm đuổi kịp người ta, giữa đám ruộng, gốc rạ thôi hà, bùn chưa ngập bàn chân. Gần bờ sông lắm. Bốn anh chị du kích, chị Lâm nữa là năm, dàn hàng ngang giữa ruộng để ngăn đồng bào lại.

Chị Lâm giơ khẩu ca bin lên cao, nói to:

- Thưa bà con, bọn Mỹ đã làm mình khổ lắm rồi, bà con mình chết nhiều rồi, nhà cửa, xóm làng thành tro hết rồi. Bà con đã chịu đựng trụ được đến ngày ni, sao lại bỏ đi? Có khổ nữa, có chết nữa, bà con mình cũng gồng qua được mà. Dân Quảng Nam mình từ xưa đã là dân hay cãi, là dân cứng đầu cứng cổ với giặc mà. Thưa bà con...

Mọi người im, nghe căng thẳng. Sau đó, người ta la hét nhốn nháo.

- Rêu đá đâu nữa mà ăn.

- Tui chỉ còn có một cái quần đùi trong người...

- Cả dòng họ tui tan xương nát thịt rồi. Tui phải đi tìm con đường sống để còn thằng con trai nối dõi...

- Tui đổi một chỉ vàng để lấy cái mùng che muỗi mà không ai đổi. Hai đứa trẻ tui sốt rét, xuống mồ trước tui.

- Tránh ra để tao đi. Đứa nào cản, tao chém.

- Trở đòn gánh đập bể đầu mấy thằng du kích.

Chị Lâm vai mang súng, tay phải xách cái phảng. Chị bước tới phía cha mẹ mình. Ông cũng đứng phía trước đám đông. Thằng C130 thả một dây pháo sáng. Pháo 105 gầm lên. Nó câu vô dinh điền và dọc chân núi. Chị Lâm quỳ xuống, chắp hai tay lạy cha mẹ. Tiếng chị không ai nghe được bởi pháo nổ dồn dập.

- Con xin lạy cha mẹ. Nhà mình không ai đi đâu hết. Cha là cán bộ kháng chiến chín năm. Con biết trước đây cha là đảng viên cộng sản. Cha bỏ sinh hoạt đảng khi Ngô Đình Diệm kéo máy chém đến thôn mình vào năm một ngàn chín trăm sáu mươi. Rồi cả nhà lên đây. Chị Lâm bỗng đứng dậy, bước lên phía trước, cách cha mẹ mình chừng một sải tay. Chị khóc, nhưng tiếng nói của chị nghe rõ lắm. Có điều lúc này mấy ngọn hỏa châu tắt dần, tiếng pháo đã ngớt - Bây chừ, con gái cha là đảng viên, là xã đội phó. Không lẽ nào cha lại đành bỏ đi.

Cha chị nói dằn từng tiếng:

- Anh hai mi là du kích, đã chết. Chỉ còn thằng út Thọ, tao phải giữ nó để khỏi tiệt nòi. Ngừng vài giây để thở, ông nói to đến nỗi ai cũng nghe được - Ừ, tao đi nhưng tao không theo giặc. Không bao giờ...

Ông bước lên. Đám đông nhốn nháo, lộn xộn. Họ tràn ra phía bờ sông. Hai con bò bỗng chạy lung tung, đám đông càng lộn xộn. Phía bên kia sông phóng qua bên này một loạt xi nhan màu vàng, màu xanh.

Chị Lâm lui lại vài bước, rồi thét lên:

- Cha đi thiệt sao?

Chị giơ cái phảng lên hết tầm tay và chém mạnh xuống. Lưỡi phảng cắm sập xuống ruộng bùn.

Người ta tràn ra phía bờ sông, du kích không sao ngăn nổi. Chị Lâm ôm mặt khóc. Em rút cây phảng lên, vác nó cho đến chừ.

Người lội qua sông, em không biết là bao nhiêu nhưng chắc là đông lắm. Số bà con du kích ngăn lại chắc đông hơn. Rồi chúng nó bắn xi nhan dày hơn, chắc để soi đường cho người qua sông. Bỗng súng nổ. Súng máy nó quét sang bờ ruộng bên này. Nhiều người trúng đạn, đám đông chạy tán loạn. Đúng rồi, chúng bắn những người không qua sông. Em cũng không biết chị Lâm làm như thế nào mà kéo được thằng út Thọ ở lại.

Kể đến đây, thằng Thắng ngồi lặng cả người. Một hồi lâu, Hồng Thắm hỏi:

- Nghe nói chú Cảnh bí thư cũng ra ngoài đó mà?

Thằng Thắng nói chậm rãi:

- Dạ, có. Chú Cảnh cũng ra đó. Em nghe chú Cảnh bàn bạc với chị Lâm. Chú và một anh du kích, mang một cây AK và một cây CKC, qua sông. Chú Cảnh nói nếu nó bắn đồng bào mình thì hai người bên kia sông sẽ đánh vô sau lưng nó. Ừ, nếu không có rứa thì chắc bà con mình chết nhiều hơn. Với lại, cái ý chính của chú Cảnh là sang bên đó để theo dõi khi rút đi, bọn nó có lót bọn bảo an ở lại không. Đã mờ mờ sáng, bọn nớ đã chờ ngoài cửa hang đá. Bà con mình đông nghẹt trong hang, đã bắt đầu thức dậy. Bọn bảo an nớ mà cũng nhiều mưu mẹo...

Thằng Thắng bỗng đứng dậy. Nó nói:

- Bây chừ em đưa chị qua nhà bà Thà. Trời sắp sáng rồi.

Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.