Từ sông Krông Bông (Kỳ 26)
Đạn pháo kêu víu víu rồi nổ liên tiếp đến hai quả trên cánh đồng, cách xa chỗ bà con đang gặt. Mạch suy nghĩ của Hà bị gián đoạn. Khi cánh đồng trở lại yên ắng, anh vừa tự hỏi: “ Không biết sao đêm nay mình lại có nhiều tâm sự như vậy?”, thì bỗng vang lên gần đâu đó có một tiếng thét kinh hoảng. Bà con nhốn nháo: “Có chuyện gì?” “Ai bị pháo?” kêu thảm thiết như rứa là có chuyện rồi”.
Tất cả mọi người đổ xô đến miếng ruộng có người kêu khẩn cấp. Đèn pin soi loang loáng. Tiếng chân đạp nước bì bõm. Có ai đó trợt ngã xuống bùn. Nhờ có tiếng kêu nên mọi người sớm xác định được vị trí xảy ra chuyện. Hà cũng bươn nhanh trên ruộng, tay cầm câu liêm. Không đầy một trăm mét thì đến nơi. Anh rọi đèn pin, thấy gần chục người đang cúi lom khom có, ngồi xổm có, quanh một người đang nằm trên mặt ruộng. Một cô gái đang nằm ngửa trên gốc rạ, nước ruộng xâm xấp dưới lưng. Miếng ruộng cô gái ngã xuống gặt chưa xong, lúa đã gặt còn rải khắp nơi, chưa kịp bó. Trong chốc lát, bà con đều xúm lại đông đủ. Im lặng một hồi. Rồi oà lên đủ thứ giọng, có người khóc thút thít.
- Con ai rứa hè?
- Hắn ở thôn mô?
- Sao hắn lại đi gặt một mình?
- Ông này cứ lảm nhảm. Bụng đói thì chân phải bò, răng sao nữa.
- Tội quá.
- Ừ, hắn còn trẻ quá, đâu đã hai mươi.
Người ở xa nhất, đến nơi sau cùng, cũng là một cô gái, hai ống quần xắn cao trên gối, đầu đội mũ tai bèo đen. Cô gái chen vô bên người chết, hai gối quỳ xuống, im lặng. Có đến ba bốn ngọn đèn pin rọi khắp trên thân thể cô gái để cố đoán xem đây là ai. Cô gái mới đến cầm bàn tay người chết lên coi. Cô rút ra chiếc nhẫn, lau vô vạt áo cho sạch bùn, rồi bấm đèn pin, xem kỹ. Một lúc, cô không nói gì, hất chiếc mũ tai bèo ra phía sau gáy, để lộ khuôn mặt dân dấn nước mắt. Cô liền lục túi áo bà ba của người chết, rút ra một chiếc lược màu trắng, dài bằng nửa gang tay. Cô ngước mặt nhìn bà con đứng xung quanh, rồi cúi nhìn chiếc nhẫn, chiếc lược. Cô bật lên tiếng khóc và giọng mếu máo nói với người đã chết và nói với cả người đang sống :
- Trời ơi, răng mà ra nông nổi ni, hở Khánh? Rứa là mi bỏ tao rồi. Cô gái nghẹn lời, đưa cánh tay áo ra gạt nước mắt - Nó là con Khánh, nhà ở thôn bốn , thôn năm gì đó. Từ bữa dạt vô núi, tui không gặp nó mà. Còn vài bữa nữa nó lấy chồng thì thằng Mỹ lại vãi bom đạn, cưới hỏi răng được. Phía nhà trai chiêu hồi hết. Người ta có nói mấy nó cũng không đi theo. Mà nó đi răng được. Mẹ nó già, đau yếu mấy năm nay. Nó mới mười chín tuổi. Còn ba đứa em lóc nhóc nữa. Ai mà đành đoạn rứt ruột ra đi...
Cô gái đứng dậy, đưa bàn tay cầm cái lược ra phía trước để cho người đứng bên kia thi thể nhìn thấy. Giọng cô bình tĩnh lại:
- Miếng ruộng ni không có hố bom, hố đại bác. Chắc nó bị mấy thằng tàu bay bắn. Đạn trúng mặt, bể đầu, nhìn không biết là ai. Tui biết nó là nhờ chiếc nhẫn, chiếc lược trong người nó. Của một anh bên lực lượng huyện tặng nó. Hai thứ ni đều làm bằng nhôm tàu bay. Con Khánh mấy lần khoe tui xem mà. Trời ơi, rứa mà nó đã chết.
Anh thôn đội trưởng hỏi Hà đang đứng phía dưới chân thi thể :
- Bây chừ răng anh Hà?
Hà điềm tĩnh nói :
- Bây giờ chuyện đã rồi, như thế nào nữa thì tính sau. Lúc này, bà con mình lo chôn cất em gái này đã. Là người mình mà, dân Khuê Ngọc Điền cả mà. Em chết chắc mấy ngày, hình như xác bốc mùi. Gia cảnh em khó như thế, sao mà lo được. Với lại, bây giờ tìm cho ra nhà em cũng không dễ. Hà nghẹn ngào, cố lắm mới không để bật ra tiếng khóc.
Anh thôn đội trưởng cắt ngang lời Hà :
- Bà con nghĩ coi, anh Hà nói trúng rồi. Nó như em út nhà mình, mình phải lo. Nói cứ để chờ ngày mai, thì ai bảo đảm mai mốt, mấy miếng ruộng ni không mịt mù bom đạn, lúc đó có ai dám ló mặt ra. Còn người nhà, trời ơi, nếu có người nhà lo được thì mấy ngày nay người ta chạy đôn, chạy đáo lo xong rồi. Không có cái chuyện rứa đâu. Tui cũng thấy như anh Hà, cái xác ni có mùi. Giữa đồng như ri, mình vẫn lo mồ yên mả đẹp cho nó được. Tui ở C1 chỉ mới sáu tháng, bị thương gãy chân nên mới về nhà, tui biết chôn cất như thế nào.
Thì mình lo hậu sự cho em nó như lo cho anh em tử sĩ ngoài trận địa chớ răng nữa - Đến đây, anh thôn đội trưởng kéo cái võng đeo sau lưng ra phía trước và cởi võng. Anh giơ chiếc võng lên, nói tiếp - Mình khiêng em lên vùng gò cao ráo. Dao găm có ba bốn cái, đào huyệt. Cuộn thi thể em vô võng. Đừng lo, mùa mưa đất mềm. Mình đào sâu bốn năm tấc là được. Tui làm miết rồi, răng không được.
Bà con thấy anh thôn đội trưởng nói có lý, nên chuẩn bị tư thế để nghe anh hướng dẫn làm. Hà đến bên anh thôn trưởng, nói :
- Anh Năm, lấy cái võng của tôi đây, võng anh để đó mà dùng. Dù sao, tôi ở trên tỉnh, dễ xoay xở hơn mấy anh ở đây - Nếu có nằm sạp tre nứa, nằm đất năm ba tối, thì ai cũng quen hết rồi, anh không phải lo.
Bà con nhìn Hà đưa chiếc võng cho anh thôn đội trưởng. Anh thôn đội trưởng chần chừ. Hà cương quyết :
- Cứ vậy, không có gì phải bàn nữa, phải không bà con? Giọng anh trở nên xúc động - Mai này, dù có đi xa, tôi vẫn nhớ đêm này.
Anh thôn đội trưởng và bà con cảm thấy ngậm ngùi đến rơi nước mắt. Anh cầm cái võng của Hà, nói :
- Tấm lòng của anh như rứa, bà con mình không dám từ chối. Giọng anh bỗng to lên như nói trước đám đông - Bây chừ như ri, liệm em nó trong võng. Con Hạnh đâu, lấy lúa bện thành dây để cột bên ngoài, không cột bằng lạt tre đâu, đau mình mẩy nó - Anh mở võng, rồi ngập ngừng hỏi Hà - Ớ, anh Hà, võng anh tốt quá, tới hai lớp ni lông Nhật bổn. Rứa thì chỉ dùng một lớp là đủ, lớp còn lại để anh dùng.
Tất cả bà con đều lặng cả người, mắt dồn về phía Hà. Anh xúc động nói:
- Thì đúng là võng tôi tới hai lớp - Thôi, cứ dùng cho em nó. Chiếc võng dài hơn hai mét, cả hai lớp nhất định chưa tới năm mét. Thưa bà con, anh Năm thì thuộc rồi, không phải nói, còn bà con thì nên nhớ cho là, ở ngoài mặt trận, mỗi liệt sĩ đều được liệm trong năm mét vải đen. Em gái này cũng là liệt sĩ ruộng đồng, vải võng chưa được năm mét là không đủ. Vậy, mình đắn đo chi nữa. Nhanh nhanh lên, trời sắp sáng rồi đấy.
Có dây võng, đòn gánh lúa làm đòn khiêng. Việc chôn cất cũng chóng vánh, bởi nó quá đơn giản, sơ sài. Đành bằng lòng, có muốn tươm tất hơn cũng không được. Chiếc nhẫn và chiếc lược nhôm cũng đi theo em gái. Không biết ai tiện tay bẻ một nhánh hoa mua màu tím, cắm lên phía đầu mộ quay về hướng ngọn núi.
Sau đó, bà con quay lại ruộng lúa. Người nhiều lúa thì gánh, người ít lúa thì mang, lại có bà già chỉ vài bó xách tay. Tới bụi tre thì trời vừa sáng. Đi thêm chừng trăm thước thì người đi đầu bỗng thất thanh kêu “á” một tiếng như đạp phải rắn rết hoặc có chuyện lạ gì. Mọi người vội dồn lên phía trước. Một người đàn ông mặc áo bà ba đen, quần đùi đen, ngã nằm úp sấp trên con đường mòn nhỏ. Gánh lúa nặng văng sang một bên. Anh thôn đội trưởng vừa gọi, vừa lật người ông dậy. Ông ta đã chết. Xem kỹ, không thấy vết đạn, cũng không thấy dấu rắn cắn, chân tay còn nguyên lành. Lật vạt áo lên , cái bụng lép kẹp. Anh thôn đội trưởng ngẩng mặt lên hỏi :
- Sao vậy hè?
Không ai nói một tiếng, bởi cũng không hiểu vì sao.
Hà cúi xuống, cầm tay, sờ trán và dừng tay khá lâu trên ngực người chết. Anh nói :
- Thịt da ông còn nóng, chắc ông mới chết. Không phải do nhiễm nước, cảm lạnh đâu. Và anh nghĩ “ Sinh mạng con người như chiếc lá...”.
Khuôn mặt người chết hiện rõ dần trong nắng sớm. Ông chắc mới ngoài tuổi bốn mươi. Một chị vẻ mặt trầm ngâm, nói chậm như đắn đo từng tiếng:
- Mặt ông xanh như tàu lá, má hóp sâu, bụng thì lép kẹp. Như ri thì chắc do đói quá mà ngã xuống chết. Răng biết ông ở thôn mô.
Không ai nói thêm một lời, có lẽ đồng tình với lý do chết vì đói. Chiếc L.19 bay u u trên đầu, hai cánh lấp lóa ánh nắng.
Anh thôn đội trưởng cởi võng ra. Anh đứng hơi nghiêng về phía bên phải bởi cái chân bị thương, khi bước đi, người cứ lúc lắc - Chôn cất người đàn ông ngay tại chỗ, cạnh lối mòn - Mấy người cúi xuống, dùng tay khỏa mặt ngôi mộ chỉ cao hơn mặt đất một gang tay. Anh thôn đội trưởng đứng dậy, vừa xoa hai bàn tay cho sạch đất, vừa hỏi người đàn bà đứng bên kia mộ:
- Chớ răng chị Quí chỉ mót được vài nắm lúa, ngó bộ thảm rứa?
Người đàn bà cầm nắm lúa chúc xuống theo ống chân, trả lời :
- Miếng ruộng tui hơn một sào. Ba bốn trái đạn đại bác phá tanh bành, mót được có chừng ni, biết mần răng nữa.
Ai đó đứng vòng ngoài lên tiếng :
- Ừ, phải rồi, mụ Quí quảy gánh lúa của ổng, về giã nấu cháo cho sắp nhỏ.
Mọi người đồng tình, nói năng sôi nổi. Anh thôn đội trưởng lớn tiếng :
- Rứa thì chị quảy gánh lúa nớ về, kiếm được hột nào hay hột nấy. Không sao đâu chị, ổng ở chín suối sẽ phù hộ cho mẹ con chị.
Hà góp lời :
- Vậy thì hay lắm, thím Quí. Người đã khuất thì bao giờ cũng rất hiền. Ông ấy nhất định phù hộ cho thím.
Người đàn bà gỡ chiếc nón lá, để xuống chân. Hà thấy khuôn mặt của một người đâu đã đến tuổi bốn mươi. Một khuôn mặt gầy mà trắng trẻo, tóc rất đen được búi thành một bó to tròn sau gáy gọn ghẽ. Người đàn bà phủi phủi cho hai tay áo phẳng lại, rồi bước tới phía chân ngôi mộ. Bà quỳ hai gối xuống, chắp hai tay lạy ba lạy. Khi bà ngẩng mặt lên, Hà thấy trên khuôn mặt đầy xúc động của bà đã ướt tràn nước mắt. Bà thẳng lưng, chắp hai bàn tay trước ngực áo bà ba đen, giọng nức nở:
- Tui cảm ơn ông, cảm ơn bà con. Tui sẽ làm gạo, nấu cơm cúng ông. Tản cư vô núi, nhà không có bàn thờ, mẹ con tui sẽ làm bàn thờ. Hai bữa sáng chiều, mẹ con tui đều bới chén cơm và một đôi đũa, mời hương hồn ông về hưởng chút lòng thơm thảo. Cầu mong ông ở chín suối yên bề. Xin ông phù hộ cho bà con còn ở lại...
Cùng lúc bà Quí khẩn cầu bên mộ thì chiếc L.19 đã đảo lại, ngay trên đầu. Tiếng trực thăng kêu vọng tới từ hướng đông, nghe rõ dần.
(Còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc