Quản Tập – nhà báo của thiếu nhi
Trong làng báo đương đại ở nước ta sau Cách mạng Tháng Tám 1945 ít có nhà báo nào đa năng như nhà báo Quản Tập, nhất là lại làm báo cho thiếu nhi như ông.
Chính ông đã thừa nhận rằng: “Làm báo đã khó, làm báo cho thiếu niên càng khó hơn. Tờ báo phải phong phú hấp dẫn mới có thể gửi gắm những điều to tát qua những câu chuyện nhỏ hằng ngày, nếu khô khan thì các em không thích đọc”.
Chính vì nắm được những điều trên đây mà ngay từ những ngày đầu bước vào nghề làm báo cho thiếu nhi như tờ Xung Phong ở Hải Dương từ năm 1948, ông đã tập làm thơ, viết nhạc, vẽ tranh. Ông đã viết tới vài chục ca khúc cho các em, đa số là cho tuổi nhi đồng, mẫu giáo. Ngay từ năm 1947 khi còn ít các nhạc sĩ viết nhạc cho các đối tượng này (trừ Phong Nhã, Mộng Lân, Phạm Tuyên, Văn Chung…), Quản Tập đã viết bài hát cho các em, trong đó bài: “Đoàn quân nhi đồng” được phổ biến rộng rãi ngay lúc bấy giờ ở Hải Dương và các tỉnh thuộc Quân khu 3. Về họa, Quản Tập thường vẽ tranh vui, dí dỏm phê phán thói hư, tật xấu của các em, cùng các mẩu vui cười, chuyện hài hước nho nhỏ, ở phần này ông ký bút danh: Quản Nhộn. Ở mục hướng dẫn các trò chơi dân gian hoặc các trò chơi mà ông nghĩ ra thì ông lại lấy bút danh: Quản Trò. Các trò chơi in trên báo phải cần có hình vẽ thì ông kiêm luôn.
Nhà báo Quản Tập có tới 20 năm làm việc ở báo Thiếu niên Tiền Phong và Nhi Đồng, tại đây ông đã nghĩ ra các chuyên mục mà các em, các cháu yêu thích như: Khéo tay hay làm; Truyện vui; Mách nhỏ; Bác sĩ vui tính trả lời và “Góc cây bút nhỏ” in các sáng tác của các cháu mới tập sáng tác. Thư góp ý về sáng tác cho các cháu được ông ký bút danh “Anh Hai Vui”. Ông cùng với nhà văn Phong Thu đã phát hiện nhiều mầm non văn học như Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên, Hoàng Hiếu Nhân, Ngô Bích Hiền (con gái nhà văn Ngô Thảo hiện nay).
Nhà báo Quản Tập sinh năm 1929 tại thị trấn Ninh Giang, Hải Dương. Ngày 6-1-1999, nhân dịp nhà báo Quản Tập 70 tuổi, tòa soạn Báo Thiếu niên Tiền Phong tổ chức mừng thọ ông. Nhạc sĩ Hoàng Giai, một người bạn vong niên của ông đã làm một bài thơ bốn câu sau:
Nét bút bác QUẢN thật tuyệt vời
Chúng tôi học TẬP cụ bẩy mươi
Có mấy mét NHÀ mà duyên thế!
Vẽ tranh, làm BÁO cả cuộc đời.
Nghe xong, nhà báo Quản Tập luận ra ngay nhạc sĩ đã lồng ghép bốn chữ NHÀ BÁO QUẢN TẬP vào chữ thứ năm của mỗi câu thơ một cách khéo léo xếp đặt, khiến ông rất cảm động. Lại có người đã chúc: “Quản Tập là Quản Trò, Quản Nhộn, Hai Vui vui cho đến lúc răng long đầu bạc”. Một nhà báo cả đời vì trẻ thơ nay đã ngót 90 tuổi vẫn cứ thơ trẻ.
Lê Hồng Thiện (st-bs)
Ý kiến bạn đọc