Sức cuốn hút của cuốn truyện dành cho tuổi hoa
(Đọc “Dã thú” của Đỗ Trọng Phụng – Nhà xuất bản Kim Đồng - 2018)
Tập sách chỉ có trăm trang in khổ 13x19 cm, dung lượng không nhiều, vừa tầm với lứa tuổi hoa để đọc liền mạch.
Rõ ràng là truyện viết cho thiếu nhi mà sự cuốn hút, lan tỏa sang cả người lớn, càng đọc càng say, không dứt ra được.
Truyện xoay quanh con voi đẻ, giúp Đỗ Trọng Phụng "dàn trận" văn chương, tung hứng câu chữ để nói lên cuộc chiến thiện - ác mà chiến thắng cuối cùng thuộc về cái thiện, cùng với việc bảo vệ thiên nhiên, thương yêu loài vật - kể cả dã thú.
Truyện được chia làm năm phần với các tên gọi: “Chuyện bất ngờ”, “Cứu vật”, “Trận khởi đầu”, “Chiến với Giàng Ác”, “Phòng tuyến voi”. Phần đầu ngắn, nhân vật Ama Tâm rủ đi xem voi đẻ là cái cớ để tác giả - cái tôi trữ tình thành người trong cuộc trải lòng mình xuyên suốt truyện.
“- Thích xem voi đẻ không? Ama Tâm đột nhiên hỏi, khiến tôi ngơ ngác”.
Câu mở đầu lạ vì chuyện lạ. Voi đẻ, nhất là voi rừng khi đẻ càng tìm nơi xa dân cư. Người và vật gặp voi đẻ chỉ có chết. Chuyện lạ kích thích trí tò mò của người đọc.
Trước khi đi phải kiêng cữ đủ thứ, phải mặc áo đã trùm lưng voi nửa con trăng để lấy hơi voi. Ama Tâm dẫn nhân vật “tôi” đến rẫy bạt ngàn mía và chuối để chặt mang đi biếu voi rừng với mục đích được xem voi đẻ.
Phần hai mang tên “Cứu vật”. Con voi cái khó sinh, voi chồng thương vợ. Ngôn ngữ e e ẹ ẹ của loài voi được tác giả diễn dịch: “Hắn đưa vòi vuốt ve vợ, gạt giọt nước mắt sợ hãi vương trên má nhọc nhằn. Hắn cuốn mía đưa vào miệng vợ.
- Ăn đi mình! Ăn đi cho có sức vượt cạn!
Hắn nịnh vợ đấy. Giọng hắn tình cảm, mùi mẫn, nghe mà thương, thương quá!”.
Diễn biến tâm lý lo sợ, hồi hộp, căng thẳng lo cho số phận Ama Tâm và cả mình, liệu có bị voi giày xéo là đoạn viết hay, giằng xé giữa cái sống và cái chết. Người đọc theo dõi và mừng khi voi chấp nhận lễ vật và khi hết mía, chuối lại mở đường, cử voi hộ vệ cho Ama Tâm và “tôi” đi lấy thêm chuối, mía mang về cho chị voi bầu. Chính voi sếp lại mời “tôi” nghễu nghện trên đầu, đưa từ rẫy về chân thác nơi có con voi đang đẻ.
Phần ba là “Trận khởi đầu”. Ama Tâm và “tôi” gặp hổ xám, cầm chắc cái chết thì được voi chồng cứu mạng. Cọp xám nhảy lên lưng voi với chiêu trò móc đít, rút ruột rồi khua bàn tay lông lá trong khoang bụng nóng hổi của kẻ sắp chết. Nhưng voi chồng không vừa, dựng ngược đứng trên hai chân sau quay quay, hất cọp rơi xuống đất. Cuộc chiến kéo dài tới lúc bầy voi kéo về chi viện. Voi đầu trọc lao tới, giẫm chân trước lên lưng cọp day day. Khi đầu trọc bị cắn tai càng hăng tiết, dùng vòi nâng cọp lên đập chan chát vào tảng đá.
Trận khởi đầu đầy kịch tính, thấy rõ sự thương yêu, bảo vệ nhau của loài voi, kể cả với loài người nếu biết yêu thương loài vật.
Không chỉ có các cuộc ác chiến của dã thú mà Đỗ Trọng Phụng có những trang tả cảnh Tây Nguyên hùng vĩ, tươi đẹp bằng cả tình yêu của mình. Đây là cảnh tòm cây bên Thác Voi: “Sức nước dội dữ dằn thế mà tòm cây yếu mềm, cả cái cây đại thụ kia nữa vẫn gật gờ lên xuống, góp chút mầu xanh với đại ngàn! Những vạt cây cổ thụ đứng bên sườn thác từ bao giờ vẫn thế, gốc rễ su si sù sì như lõi đá, vừa chênh vênh, vừa kỳ vĩ thế nào ấy! Không thể trả lời được những cây đại thụ kia, và những tòm cây yếu mềm kia nữa, chúng chịu đựng thế nào trước sức nước, sức gió nhà Giàng!”.
Phần thứ tư có tiêu đề “Chiến với Giàng Ác”. Sự xuất hiện của con báo Hoa và sau đó là con báo Vàng, chồng của báo Hoa là cái cớ để nhà văn dẫn người đọc đi vào huyền thoại, giằng xé nội tâm giữa thiện và ác, giữa luật tục cổ xưa với hiện thực bày ra trước mắt. Trong truyện cổ tích có khá nhiều chuyện vật trả ơn người. Dựa trên mô típ này, Đỗ Trọng Phụng đã tái tạo và cả sáng tạo ra vợ chồng báo Hoa và báo Vàng.
Báo Hoa định ăn thịt hai người vì tưởng hai người giành miếng mồi treo ở nhà chòi trên cây. Báo Hoa đã vả vào mặt Ama Tâm. Vết cào rạch ngang mặt, máu tia vào miệng có vị mằn mặn! “Ama Tâm quay lại. Cái mõm báo gần đụng vào lưng lão. Lão đưa giáo dí vào cổ nó. Thuận miệng cạp luôn, trúng mũi giáo, nó hét thất thanh: góe... góe... máu phọt ra từng tia, từng tia vào mặt lão. Nó có chửa! Cứu nó! Phải cứu nó! - Ama Tâm lấy khúc mía ẩy đầu nó quay ra”.
Đỗ Trọng Phụng dụng công phục bút để dẫn đến chi tiết này. Con vật muốn giết người, đã làm người bị thương. Người tự vệ và có thể giết vật nhưng thấy vật có chửa lại thay vì mũi giáo lại là khúc mía ẩy đầu con vật quay ra để tránh mũi giáo đụng phải. Văn hay ở sự sáng tạo, sự sáng tạo có lý có tình.
Chi tiết báo Vàng xuất hiện giải nguy cũng là phục bút thành công. Có lần Ama Tâm đã nói: Báo Vàng ân nghĩa lắm! Thì ra Ama Tâm là ân nhân của báo Vàng. Lúc nhỏ bị bầy sói đói ăn thịt hết anh em. Báo Vàng bị cắn cụt một tay. Ama Tâm cứu được báo Vàng, hái lá rừng nhai nát đắp vết thương cho báo. Báo Vàng không cho vợ hại người. Có phần độc thoại, biểu hiện nội tâm rất hay. Do tục lệ khác nhau hay chưa hiểu hết nên có sự giằng xé quyết liệt. Một đằng không được nói, một đằng muốn chống cự với báo Hoa nên mâu thuẫn: “Tôi nhận ra lão là Giàng Ác trực tiếp của tôi. Lão thì cãi rằng, mày bạn Giàng Ác rồi! Mày kêu Giàng Ác đến hại tao, hại lũ làng! Thế là, lão gồng mình kẹp cổ, bưng miệng mũi, khiến tôi ngạt thở, ngắc ngắc, ậm ặc! Chết dần!”.
Phần cuối của truyện được mang tên “Phòng tuyến voi”. Gọi là phòng tuyến thể hiện sự tự vệ chính đáng trước bầy cọp hung dữ: “Bầy cọp nhẩy ra. Một con. Hai con. Ối ối! Nhiều! Thật nhiều! Có đến mười mấy, hai chục con”. Lũ cọp dùng nhiều thủ đoạn tấn công để ăn thịt voi con sắp chào đời, còn bầy voi ra sức bảo vệ đàn và bảo vệ voi sinh ra được mẹ tròn con vuông. Chỉ huy cao nhất của đàn voi là ông Đầu ra lệnh xung phong. Lũ voi chiến xông vào những con voi có cọp cưỡi trên mình, cua vòi phang rầm rầm đánh bật chúng xuống đất cho những con khác giầy xéo.
Từ trên nhà chòi, phát hiện voi đẻ ngược, Ama Tâm quyết định xuống giúp một tay đỡ đẻ cho voi. Lão lòn hai tay vào trong, ôm trúng hai chân voi con, ậm ạch hò, như người ta kéo cây rừng vậy. “Lão cong mình đỡ voi con, miệng hầy hầy ậm ậm ự ự. Voi con tuột ra. Chú nằm trên cỏ, duỗi chân duỗi tay mấy động tác đầu đời. Chú đứng lên, rũ mình, lúc lắc đầu”.
Lũ cọp dữ dằn chủ chiến, tấn công tứ phía. Bầy voi ra sức chống đỡ. Ama Tâm bị cọp làm bị thương. Bất ngờ vợ chồng nhà báo xung trận cứu Ama Tâm và cả “tôi” cùng ghì chắc giáo, xông lên.
Chính nghĩa tất thắng nhưng tổn thất không ít: “Nước mắt giàn giụa trên má những chị voi và bà voi già nua. Lũ voi chiến lặng lẽ dọn làng, chôn xác cọp. Ama Tâm thoi thóp thở”. Bảy loại lá thuốc gia truyền do bảy con voi mang về cũng không cứu được Ama Tâm. Câu kết của tập sách thật cảm động và đau đớn: “Làng voi gạt nước mắt, đưa lão về với ông bà! Phía sau đoàn tang lễ có vợ chồng nhà báo và tôi!”.
Sau “Thú rừng Tây Nguyên” của Thiên Lương thì “Dã thú” của Đỗ Trọng Phụng đã tập trung khai thác đặc tính của loài vật qua những trang viết đong đầy xúc cảm. Ngay cách đặt tên cho con vật cũng gợi cảm: Báo Hoa, báo Vàng, hổ Xám, hổ Nhung... Đặc biệt là tên voi và sự tổ chức chặt chẽ: ông Đầu là voi cao nhất, chỉ huy chung. Dưới là coi voi xếp rồi các voi chiến, voi bà, voi chị, voi con. Tính cách từng con được khái quát, nhất là đặc tả “nhân vật” voi Đầu Trọc và voi Ché Ngà.
Tập sách hay ở cách dẫn truyện, nhiều chi tiết thú vị, bất ngờ để người đọc bị cuốn hút.
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc