Tấm lòng hồn hậu với thế giới tuổi thơ
(Đọc “Khúc đồng ca mùa hạ” của Đỗ Toàn Diện, Nxb Hội Nhà văn, 2019)
Trong các nhà thơ ở Đắk Lắk, Đỗ Toàn Diện có phong cách mộc mạc đậm chất truyền thống, thơ giàu cảm xúc, lời thơ tự nhiên như hơi thở, không mang dáng vẻ câu chữ cầu kỳ, vỉa tầng ẩn ý. Tất cả cứ ngân vang bằng lời, bằng giọng thơ chân chất, thiết tha từ trái tim. “Khúc đồng ca mùa hạ” cũng là tập thơ như thế…
Đọc “Khúc đồng ca mùa hạ”, ta thấy thế giới loài vật hiện lên thật phong phú và sinh động. Trong tổng số 31 bài thơ của tập thơ này, có đến 11 bài viết về các con vật. Đó là các tác phẩm “Tiếng ve”, “Bức tranh đồng quê”, “Kiến giết voi”, “Chim sâu xử kiện”, “Ruồi nhặng – ong mật”, “Bé và các loài chim”, “Ếch nhái ngủ đông”, “Con cua”, “Con tôm”, “Dã tràng”, “Cào cào”. Một thế giới loài vật, qua cái nhìn của tác giả, dường như tất cả đã tụ đàn về đây để dệt nên bức tranh thơ rộn rã âm thanh và màu sắc. Loài voi to khỏe, vừa đi vừa “ngẫm nghĩ” khiến cho các loài khác đều khiếp sợ; hổ, báo, kiến, cua, nhái, cào cào, cụ cóc, ong bướm…, mỗi loài đều có nét riêng, tất cả hiện lên sống động qua từng trang viết; có cả chim sâu xử kiện để truy sát loài sâu bọ; ruồi nhặng – ong mật với một cuộc đối thoại, tranh biện đầy thú vị…
Cùng với thế giới động vật, nhà thơ cũng dành khá nhiều bài thơ viết về cây trái, đồ vật. Bằng cái nhìn tràn đầy yêu thương và một tấm lòng hồn hậu với thế giới tuổi thơ nên anh đã dành tình cảm đặc biệt ở mảng đề tài này qua khá nhiều tác phẩm: “Đào lộn hột”, “Tâm sự bàn ghế”, “Tâm sự của rễ”, “Sóc Bông”, “Sầu riêng”, “Cái ô”, “Cây xấu hổ”. Nhà thơ có nhiều phát hiện tinh tế, thú vị, giúp các em có cái nhìn sâu sắc và thấu hiểu hơn về thiên nhiên và mọi vật ở xung quanh mình. Quả đào lộn hột “biết làm ảo thuật” để chui từ hạt ra ngoài, lắng nghe cuộc đời vui tươi ca hát: “Nghe gió hát êm tai/ Và chim rừng ca hót/ Uống sương mai dịu ngọt/ Tắm nắng trời ban ngày” (Đào lộn hột). Bài thơ “Tâm sự bàn ghế” thể hiện mối quan hệ cũng như cách ứng xử của tuổi học trò với mọi vật chung quanh thông qua thủ pháp nhân hóa. Bài học về sự trân trọng và biết nâng niu mọi sự vật quanh mình và mọi điều trong cuộc sống cũng hình thành từ đây: “Bàn nói với ghế sáng nay/ Tôi tơi tả bởi bàn tay học trò/ Ghế rằng tôi cũng lo lo/ Gồng mình cho lũ học trò ngồi lên” (Tâm sự bàn ghế).
Con mắt trẻ thơ, điểm nhìn trữ tình của tác giả về một thế giới hồn nhiên, mơ ước còn được thể hiện qua nhiều tác phẩm khác như: “Tiếng ve”, “Tìm về”, “Cô bé răng khểnh”, “Tuổi thần tiên”, “Bố ở Trường Sa”, “Ơn thầy”, “Tiếng pháo xuân”, “Bé được cắm cờ”… Bài thơ “Tiếng ve” được tác giả viết theo thể lục bát nên dễ lắng sâu vào tâm hồn các bạn nhỏ với niềm xuyến xao, bịn rịn khi hè về: “Ve kêu lúc nhặt lúc thưa/ Trống trường đã điểm gọi mùa thi sang/ Ve kêu thắm rực khăn quàng/ Bóng bàng thao thức, ve mang hè về” (Tiếng ve). Đó là hình ảnh cô bé có chiếc răng khểnh thật đáng yêu, không chỉ duyên dáng ở hình thức bên ngoài, cô bé răng khểnh còn làm nhiều việc tốt. Đọc bài thơ, hẳn các em cũng yêu mến và noi gương người bạn nhỏ dễ thương này: “Cô bé răng khểnh/ Nhí nhảnh hồn nhiên/ Làm nhiều việc tốt/ Nụ cười thật duyên” (Cô bé răng khểnh).
Thế giới tuổi thơ hồn nhiên, vô tư còn thể hiện qua niềm tiếc nuối, bâng khuâng từ tâm hồn tác giả về tháng ngày xưa bé bỏng: “Tuổi thơ ngày bé/ Nô nhau tồng ngồng/ Giã từ thơ dại/ Trôi vào tháng năm” (Tìm về). Đó còn là tâm sự của một bạn nhỏ về người bố ở Trường Sa: “Bố luôn chắc tay súng/ Giữ biển trời quê hương/ Em tự hào về bố/ Một người lính kiên cường” (Bố ở Trường Sa). Đó còn là lòng biết ơn về người thầy đã dạy dỗ tuổi thơ trưởng thành và khôn lớn nên người: “Công thầy sánh tựa non cao/ Tình thầy đâu có biển nào sâu hơn/ Thầy như một chiếc thuyền con/ Chở bao thế hệ sóng cồn vững tay” (Ơn thầy).
Tập thơ “Khúc đồng ca mùa hạ” thành công trên một số phương diện nghệ thuật đáng trân trọng. Nhà thơ viết theo thể lục bát, thể thơ 5 chữ, 4 chữ gần với âm hưởng đồng dao dân gian nên dễ thuộc, dễ nhớ. Thơ Đỗ Toàn Diện không quá sắc cạnh về cấu tứ và ngôn từ, nhưng bù lại, sự lôi cuốn, hấp dẫn ở thơ anh chính là tấm lòng tràn đầy cảm xúc thành tâm của một người yêu đời tha thiết.
Phản ánh thế giới tuổi thơ hồn nhiên và mơ ước, với 31 bài thơ trong tập “Khúc đồng ca mùa hạ”, nhà thơ Đỗ Toàn Diện đã ghi dấu ấn trong mảng thơ viết cho thiếu nhi của văn học tỉnh Đắk Lắk. Những bài học nhân văn nhẹ nhàng, sâu lắng được chắt ra từ thế giới loài vật, cây trái vừa đậm chất trữ tình, vừa có chút kịch tính đã góp phần bồi đắp ước mơ, khát vọng cho các em thiếu nhi khôn lớn và trưởng thành.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc