"Trôi dạt" phía quê nhà
(Đọc “Những giấc mơ trôi dạt” của Trần Văn Hội, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2019)
Trần Văn Hội thuộc lớp văn nghệ sĩ đầu tiên khi Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk được thành lập. Anh làm thơ từ trước ngày đất nước thống nhất, thời sinh viên xuống đường tranh đấu ở các đô thị miền Nam bị tạm chiếm, cụ thể là thành phố Huế quê hương anh. Lặng lẽ, cẩn trọng, vậy nên từ tập thơ đầu tay “Cái lùng tung” xuất bản 2007, sau hơn mười năm, “Những giấc mơ trôi dạt” mới ra đời với 52 tác phẩm, do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành váo tháng 6-2019.
Đọc “Những giấc mơ trôi dạt”, thấy hồn thơ Trần Văn Hội vẫn mang hồn cốt riêng: đằm thắm, nhẹ nhàng và thủ thỉ qua giọng điệu; hoài niệm, yêu thương về những vùng đất và tình người. Lắng sâu da diết nhất trong tập thơ này là dù bước chân phiêu du hay giấc mơ có “trôi dạt” về đâu, tâm hồn và trái tim nhà thơ vẫn hướng về phía quê nhà yêu dấu. Bởi lẽ, trở lại quê nhà là thời khắc nhà thơ được sưởi ấm để “nhận thêm máu”, nhận thêm lòng bao dung mà vượt qua biết bao cay đắng, ảo vọng trước cuộc đời: “Và mỗi lần trở lại quê nhà/ tôi chắp tay lạy dòng sông/ xin cọ rửa mình/ ném thia lia từng hạt bụi/ mệt mỏi/ tiếp tục nhận thêm máu/ nụ cười/ và sự bao dung/ vượt qua những cánh đồng cỏ gai/ vượt qua những nẻo đường ảo vọng” (Từ một dòng sông).
Quả vậy, dù giữa đời thực hay trong giấc mơ, Trần Văn Hội vẫn sống hết mình với quê hương cố quận. Huế tắm táp đời anh thuở thiếu thời, vậy nên từ “con đường cũ, hàng cây cũ, dòng sông cũ” đủ khiến lòng anh yêu mê, soi ngắm thẫn thờ từng góc phố vỉa hè, mỗi mặt người “nhâm nhi chuyện áo cơm” đến “cháy xém từng góc nhìn” bằng sự cảm thông thương mến: “Tôi biết mình trở về/ quán vỉa hè thả rong từng ngọn gió/ những khuôn mặt nhâm nhi chuyện áo cơm/ cháy xém từng góc nhìn” (Ra giêng).
Yêu Huế, nhà thơ yêu da diết những cơn mưa nơi mảnh đất thần kinh xứ sở. Anh xem mưa Huế là địa chỉ thiêng liêng nguồn cội để tìm về: “và nếu Huế không có những cơn mưa/ tôi trở về như người lạc ngõ/ biết tìm em nơi mô giữa cái nắng Hoàng thành/ lấp lóa từng bông hoa dại” (Và nếu Huế…). Có dịp trở về làng Chuồn quê nội, tấm lòng nhà thơ mãi neo đậu an yên với “mùi quê chân rạ đốt đồng”. Những câu thơ lục bát vắt dòng rưng rưng hoài niệm “người muôn năm cũ” là tiếng lòng, trở thành âm khúc chính được tác giả gửi gắm: “Ai bồi trướng liễn ngoài cươi/ gió thơm nếp rượu chưa cười đã say/ lửa chồ gợn sóng heo may/ hồn quê nương cánh chuồn bay mặt đầm” (Quê nội).
Mỗi lần “giấc mơ trôi dạt” về phía quê nhà là mỗi lần nhà thơ tìm lại chính mình, tìm lại tuổi thơ một thời bé dại, ngây ngô và sáng trong, vụng dại và thật thà: “giữa nỗi nhớ và sự lãng quên/ tôi tìm tôi/ khét mùi nắng mùi cỏ dại/ mùi gió nồm, ngồi bó gối nhìn dòng sông/ bóng chim tăm cá/ tôi tìm tôi/ dưới vòm cây mưa tạt không dám nói yêu em/ đôi mắt cười vụng dại” (Tôi tìm tôi). Giấc mơ về một thời tuổi trẻ nơi quê nhà tháng năm xưa cũ đã trôi xa vẫn ám ảnh mãi không phai. Những mùa gió nồm lên, những mùa chạy lụt, trò chơi bắn chim với cái ná cao su đẹp long lanh trong ký ức ngọt ngào: “cái ná cao su/ anh móc trên cành tre/ ngày vỡ giọng/ con chim chiều xưa/ bay về đâu mỏi cánh/ anh bùi ngùi nghe sóng vỗ chân lau” (Những mảnh vụn ký ức).
Hình ảnh dòng sông quê cũ vẫn thao thiết đi về trong “giấc mơ trôi dạt” như thể nhà thơ đi tìm gương mặt chính mình qua ký ức thời gian. Những nhánh củi rều, cánh bèo tận bến bờ nào vẫn “quẫy đạp” không nguôi trong tâm khảm: “tôi cũng vậy/ ngẩn ngơ hỏi những cánh rều/ những cánh bèo đánh võng/ tím/ bến bờ nào quẫy đạp trong tôi” (Những giấc mơ trôi dạt). Các bài thơ “Ra giêng”, “Đồng tiền xu của mạ” cũng chính là những khoảnh khắc nhắc nhớ về tình yêu, về một đoạn đời ấu thơ được mẹ chút chăm, yêu quý. Đồng tiền xu mạ cho mãi mãi là ký ức đẹp đẽ, lưu dấu thiêng liêng để nhắc nhớ đứa con thơ dại hướng đến quê nhà: “Những lúc trái gió trở trời/ mạ tôi sợ vu vơ khấn thầm trời đất/ thay đồng tiền xu làm phép/ mạ vách vào trán tôi dấu chữ thập/ bôi đen muội khói đèn/ như một lời nhắc nhủ/ đứa con của mạ/ đừng bao giờ đi lạc giữa cuộc đời” (Đồng tiền xu của mạ).
Tập thơ “Những giấc mơ trôi dạt” còn có một số tác phẩm viết về những vùng đất, thắng cảnh mà nhà thơ đi qua, cảm nhận và lưu luyến: “Khi qua Ninh Chữ”, “Lên Yên Tử”, “Đôi mắt Lý Sơn”, “Viết bên hồ Đại Lải”, “Gặp gỡ Vũng Tàu”, “Ghi ở Việt Bắc”, “Ghi chép trên đảo Bình Ba”, “Phải vậy không Phan Thiết”… Thêm nữa, với người thân trong gia đình và tình yêu đôi lứa, nhà thơ Trần Văn Hội vẫn có một số thi phẩm khá hay, giàu thi tứ: “Bin ơi”, “Về nghe gió thổi”, “Ơi H’Năng, tôi gọi vời con nước”, “Ngồi ở bến sông”, “Nếu có em ở Đà Lạt”, “Mỗi ngày”…
Trần Văn Hội viết chậm, cẩn trọng khi thi tứ đã đủ đầy và cảm xúc dâng trào mãnh liệt. Đó là sự lao động nghiêm túc, giàu lòng tự trọng. Nghệ thuật qua tập thơ “Những giấc mơ trôi dạt” đạt độ chín của một “hồn thơ lặng lẽ” (Phạm Phú Phong), biết tung tẩy câu chữ và bứt phá, sáng tạo về hình thức từ các thể thơ truyền thống, nhất là thể lục bát. Hơn bảy mươi tuổi đời, chỉ với hai tập thơ trình làng bạn đọc, song cái “lõi trầm thơm” từ thơ Trần Văn Hội vẫn đủ sức say lòng, vẫy gọi chúng ta.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc