Một bộ sách thiết thực và bổ ích cho học sinh tiểu học
(Đọc “Cảm bình thơ chương trình tiểu học” của Lê Thành Văn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019)
Vài năm trở lại đây, nhà thơ Lê Thành Văn - một thầy giáo ở thị xã Buôn Hồ - đã liên tục xuất bản các tập sách bình thơ, biên soạn văn học trong nhà trường được bạn đọc gần xa yêu mến và trân trọng: “Miền thơ thao thức” (2017), “Bộ đề ôn thi Trung học phổ thông quốc gia” (2018) và mới nhất là bộ sách “Cảm bình thơ chương trình tiểu học” (2 tập) năm 2019, được các thầy cô, học sinh trên địa bàn tỉnh hoan nghênh đón nhận.
Bộ sách “Cảm bình thơ chương trình tiểu học” được tác giả chia thành hai tập, các bài được sắp xếp theo thứ tự A, B, C và đánh dấu lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) in ở phần Mục lục để dễ dàng tra cứu. Tập 1, tác giả cảm bình 48 bài thơ sắp xếp từ vần A đến vần L; tập 2 gồm 47 bài từ vần M đến vần V. Toàn bộ 95 bài thơ của phân môn Tập đọc trong sách Tiếng Việt cấp tiểu học đều được tác giả cảm nhận, bình phẩm trên cơ sở bám sát các câu hỏi của sách giáo khoa nhưng diễn đạt bằng một văn phong trôi chảy, gãy gọn, dễ hiểu và tràn đầy cảm xúc, giúp các em học sinh, giáo viên cũng như các bậc phụ huynh tiếp thu khá dễ dàng.
Qua bộ sách “Cảm bình thơ chương trình tiểu học”, người đọc nhận thấy ở nhà thơ Lê Thành Văn khả năng cảm bình thơ với một giọng điệu riêng, không trộn lẫn. Vốn là người làm thơ có nhiều thi phẩm đăng đàn trên cả nước, có lẽ những trải nghiệm trong sáng tác thơ ca giúp anh thấu suốt và nắm bắt tác phẩm của người khác một cách nhanh nhạy. Đặc biệt, với nhiều năm giảng dạy môn Ngữ văn bậc THPT đã giúp tác giả có lối trình bày thể văn phê bình khá khoa học, gần gũi tư duy học trò, dù rằng đây là bộ sách dành cho bậc tiểu học. Chính vì vậy, “Cảm bình thơ chương trình tiểu học” vừa có được cảm xúc tự nhiên của một tư duy thơ, vừa có cái nhìn khoa học, khách quan, phù hợp với đối tượng hướng đến mà thầy giáo Lê Thành Văn đã chắt chiu suốt một thời gian dài sáng tạo tác phẩm đầy tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc nhất.
Đọc 95 bài bình thơ của bộ sách, có thể nhận thấy văn phong phê bình của tác giả Lê Thành Văn rất phù hợp với đối tượng là học sinh tiểu học. Không dùng nhiều từ ngữ, thuật ngữ cao siêu nặng tính lý luận, vượt quá khả năng tiếp nhận của học sinh, phần lớn lời bình thơ của tác giả tập trung và xoáy sâu vào chính văn bản thơ. Chẳng hạn, trong phần kết luận bài thơ “Đàn gà mới nở” của nhà thơ Phạm Hổ, Lê Thành Văn đã có những lời văn cảm nhận vừa khái quát, vừa giàu cảm xúc rất thú vị: “Bài thơ miêu tả đàn gà mà loang phủ một tình cảm yêu thương, chở che ấm áp. Tấm lòng mẫu tử, hạnh phúc gia đình, sự sống bình yên, những mầm sống long lanh trên mặt đất…, dường như bao nhiêu điều tốt đẹp, mến yêu đều có thể soi chiếu ở bài thơ nhỏ nhắn, dễ thương này. Có lẽ sức sống của “Đàn gà mới nở” qua thời gian đã phần nào minh chứng cho điều đó” (Trang 113, tập 1).
Ở lời bình đoạn thơ: “Cô dạy em tập viết/ Gió đưa thoảng hương nhài/ Nắng ghé ngoài cửa lớp/ Xem chúng em học bài” trong bài thơ “Cô giáo lớp em” của Nguyễn Xuân Sanh, tác giả cũng có những cảm nhận đầy khơi gợi: “Vẻ đẹp của bài thơ thực sự lan tỏa khi cả không gian sáng bừng lên màu nắng hồng tươi và hương hoa nhài thoảng thơm theo gió nhẹ đưa vào. Đó là mỗi lúc cô giáo dạy các em tập viết, mọi vật xung quanh dường như cũng lắng lại, bâng khuâng và tràn ngập yêu thương. Thích nhất là nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh đã dùng từ “ghé” làm cho ánh nắng vô tri bỗng trở thành người bạn nhỏ thân thiết, dịu dàng, luôn quan tâm đến việc học hành của các bé…” (Trang 96, tập 1). Bình như thế là vừa đủ nội dung, đồng thời dễ làm cho học sinh xúc động và hiểu được ý thơ nhẹ nhàng, sâu lắng của một khổ thơ được xem là hay nhất trong bài.
Từ một thầy giáo dạy Ngữ văn, nhà thơ đến tác giả viết phê bình thơ được bạn đọc yêu mến, trân trọng là cả quá trình phấn đấu, lao động chữ nghĩa không mệt mỏi của tác giả Lê Thành Văn. Với bộ sách “Cảm bình thơ chương trình tiểu học” một lần nữa khẳng định thể văn phê bình, nhất là bình thơ là sở trường mà nhà thơ Lê Thành Văn đang theo đuổi, phát huy.
Bùi Minh Vũ
Ý kiến bạn đọc