Multimedia Đọc Báo in

Vẻ đẹp đất và người qua một tập ký

15:42, 21/08/2020

Nhà văn H’Linh Niê đã xuất bản nhiều tập truyện ngắn, ký; nhiều sáng tác âm nhạc, khảo cứu văn hóa được bạn đọc đón nhận.

Tôi đọc tập ký “Chầm chậm Luang Prabang” theo kiểu khám phá du lịch qua từng trang sách nên cứ nhẩn nha, cốt theo chân tác giả để trải nghiệm và cảm nhận về những vùng đất tươi đẹp, những danh thắng mà mình chưa từng đến.

Tập ký có 200 trang in, gồm 19 tác phẩm kể lại cảm xúc, trải nghiệm những nơi tác giả đã đi qua: Du xuân nơi miền đất vàng; Chầm chậm Luang Prabang; Chuyện nhặt ở Copenhaghen; Nhà cao tầng, cây xanh và ngẫm nghĩ…; Đất nước hình cá heo trên biển; Dạt dào sóng nước Bali; Sự chóng mặt và xe tuk tuk; Thượng Hải, một tuần không có nắng..

.Ấn tượng chung khi đọc tập ký “Chầm chậm Luang Prabang” là chất ký thật đậm nét, được thể hiện qua nhiều phương thức biểu đạt khác nhau tùy vào đối tượng phản ánh và thông điệp tư tưởng của tác giả. Phong phú từ cảnh sắc, đa dạng về con người, bộn bề qua nhiều sự kiện…, dù tất cả hiện lên trong cùng một không gian, thời gian nhất định.

Chính điều đó đã giúp người đọc có được những nhận thức sâu sắc, đa diện từ cuộc sống - vốn dĩ là chức năng cơ bản của thể loại ký. Sự thú vị dễ nhận thấy là những trang ký của nhà văn H’Linh Niê có màu sắc riêng, không thuần túy chỉ ghi chép các sự kiện qua những vùng miền không gian địa lý, mà còn giúp người đọc hiểu biết thêm về văn hóa dân gian, âm nhạc, nghệ thuật... Vì vậy, mỗi bài ký trong tập sách là một bức tranh đa sắc về cảnh vật và con người từ những miền đất khác nhau trên thế giới.

Đó là một Xiêm Riệp (Campuchia) với hàng hàng thốt nốt đặc trưng trải khắp dặm dài; một Yangon, Bagon (Myanmar) với nhiều quần thể chùa vàng chói lóa, tỏa sáng cả ban đêm lẫn ban ngày; một Luang Prabang (Lào) chầm chậm trong từng nhịp sống, là kinh đô của đất nước Phật pháp nên bóng dáng những ngôi chùa hiện diện khắp mọi nẻo đường; một Kuala Lumpur (Malaysia) với màu xanh bạt ngàn của rừng cọ và kiến trúc của những khối nhà cao tầng chọc trời đáng để chiêm ngưỡng; một Copenhaghen (Đan Mạch) với mặt hồ đóng băng, “gió thì… khủng khiếp” và tuyết phủ kín rừng; một thủ đô Manila (Philippines) có vịnh bao bọc và nhiều đảo chắn gió rất đặc trưng; một Bali (Indonesia) xinh tươi và dạt dào mênh mang sóng nước nên nườm nượp du khách đến thăm; rồi Chiang Mai (Thái Lan), Thượng Hải (Trung Quốc)…, mỗi nơi một vẻ đẹp riêng, tất cả cứ hiện lên lung linh qua từng trang ký sống động và hấp dẫn.

Ngoài chất ký của tập sách, người đọc còn cảm nhận được chất văn thấm đẫm qua nhiều trang viết. Vẻ đẹp của cảnh sắc và con người ở những đất nước khác nhau được tác giả nhìn ngắm, soi chiếu không chỉ bằng cái nhìn thuần túy qua con mắt của người du ngoạn mà đan xen cả tâm tình và cảm xúc của một nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa nhiều trải nghiệm, hiểu biết khá sâu sắc văn hóa các dân tộc trên thế giới. Nhờ đó, những trang ký của nhà văn H’Linh Niê vừa giàu giá trị hiện thực, đồng thời cũng giàu tính biểu cảm.

Đây là mạch văn tự sự qua cái nhìn giàu cảm xúc của tác giả về không khí Phật pháp ở Luang Prabang: “Trong sương sớm mờ mờ hư ảnh, đã thấy bóng áo vàng cam khất thực của các sư sãi đếm từng bước theo hàng dọc trên mọi nẻo đường, cũng đã bắt gặp người dân quỳ trên vỉa hè hay ngang đường thành kính dâng cơm. Hoàng hôn níu ánh nắng dần buông, trong tiếng chuông chiều giục các tiểu sinh áo nâu đỏ líu ríu bước chân tụ về những tu viện… Có lẽ vậy nên nhịp sống ở Luang Prabang dường như trôi đi rất chậm” (Trang 33). Đây là sự hấp dẫn của âm nhạc Zimbabwe biểu diễn trên đất nước Đan Mạch qua cảm nhận của tác giả: “Quá khứ thét gào. Sức hiện đại hừng hực, cả những bất ổn của tâm linh con người, hiển hiện một cách mãnh liệt trong từng đường nét, động tác chuyển động của cơ thể bóng nhẫy của các nghệ sĩ. Một màn phối hợp tuyệt vời giữa hai châu lục” (Trang 42).

Vốn là một nhạc sĩ nên nhà văn H’Linh Niê đã có những cảm quan, nhận xét về âm nhạc ở mỗi vùng đất thật sâu sắc. Từ âm nhạc truyền thống, có thể hiểu được tâm hồn của cư dân bản địa. Điểm nhìn sâu sắc ấy làm cho những bài ký của nhà văn giản dị, nhẹ nhàng trong cách viết song lại giúp người đọc hình dung được cuộc sống và con người ở mỗi vùng đất mà tác giả đi qua.

Nghệ thuật viết ký của nhà văn H’Linh Niê có những nét đặc sắc riêng mà tôi muốn đề cập qua tập ký này. Trước hết là khả năng so sánh, liên tưởng thật hấp dẫn trên nền tảng văn hóa sâu rộng thuộc nhiều lĩnh vực của tác giả. Là nhà văn am hiểu nhiều vùng văn hóa, có vốn sống phong phú, vẻ đẹp của cảnh sắc và con người ở miền đất nào cũng được tác giả cảm nhận, suy tưởng và liên hệ qua lại lẫn nhau, nhờ đó đã có được những trang bút ký lấp lánh chất trí tuệ. Từ kiến trúc của những ngôi đền ở Myanmar, nhà văn liên tưởng đến những tháp Chăm ở Việt Nam. Đi trên dòng sông Mê Kông hùng vĩ, nhà văn so sánh nhịp sống sông nước nơi đây với sông Hậu, sông Tiền. Đến thủ đô đất nước Myanmar xinh đẹp với nhiều loài hoa khoe sắc tỏa hương, tác giả hoài tưởng về miền đất quê hương Buôn Ma Thuột.

Một thành công nữa trong nghệ thuật viết ký của nhà văn H’Linh Niê ở tập sách này là sự khúc chiết, mạch lạc trong cấu trúc mỗi tác phẩm. Bên cạnh chất văn hòa trong chất ký, có những bài ký được chị đánh số thứ tự như người viết văn nghị luận sắp xếp luận điểm vậy. Chẳng hạn trong bài “Sự chóng mặt và xe tuk tuk”, tác giả cụ thể hóa thành năm mục: 1. Cảm nhận chung về đất nước Campuchia, 2. Thành phố du lịch Xiêm Riệp, 3. Bảo tàng Xiêm Riệp, 4. Xe tuk tuk, 5. Dòng suối dưới chân núi Kulen (Trang 112). Bài “Bình yên Chaiang Mai” là các mục 1. Ấn tượng đường và phố, 2. Ấn tượng người và chùa… Nhờ đó, các tác phẩm ký của nhà văn H’Linh Niê vừa đa dạng về phương thức biểu đạt, nghệ thuật phản ánh; đồng thời cũng rất cụ thể, mạch lạc trong triển khai ý tưởng, chủ đề.

Đọc tập ký “Chầm chậm Luang Prabang” của nhà văn H’Linh Niê, bạn đọc sẽ có thêm nhiều hiểu biết, những khám phá thú vị về vẻ đẹp mỗi miền đất của các nước trên thế giới, nhất là những quốc gia lân bang với Việt Nam trong vùng Đông Nam Á. Từ đó, chúng ta có cái nhìn so sánh, đối chiếu qua nhiều lĩnh vực khác nhau, tiếp thu nhiều bài học bổ ích từ cách làm du lịch, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, đời sống an sinh xã hội, phát triển văn hóa… Đọc sách đâu chỉ thuần túy làm giàu kiến thức cho mình, sâu xa hơn còn là những quan niệm nhân sinh cần học tập và tích lũy. Với mỗi người trong cuộc sống đương đại, điều ấy thật quý biết bao.

Lê Thành Văn


Ý kiến bạn đọc