Multimedia Đọc Báo in

"Tưởng tượng và dấu vết" Cuộc hành trình đi tìm "chính mình"

15:08, 23/06/2021

Nhà văn Uông Triều, tên thật là Nguyễn Xuân Ban (SN 1977), quê ở Uông Bí, Đông Triều, Quảng Ninh. Từng có 10 năm làm giáo viên ngoại ngữ, nhưng vì đắm đuối với văn chương, chữ nghĩa nên anh rời quê hương lên Hà Nội, gắn bó với nghiệp văn.

Đến nay, Uông Triều đã có hai tập truyện ngắn (Đêm ở Ngọa Vân, Bò hoang phố cổ), bốn cuốn tiểu thuyết (Tưởng tượng và dấu vết, Người mê, Sương mù tháng Giêng, Cô độc), một tập tản văn, tùy bút (Hà Nội quán xá phố phường). Trong đó, tiểu thuyết “Tưởng tượng và dấu vết” được phát hành từ năm 2014. Và mới đây, kỷ niệm 15 năm viết văn của mình, nhà văn Uông Triều đã cho ra mắt phiên bản giới hạn “Tưởng tượng và dấu vết” với diện mạo mới và chỉ in một lần duy nhất với 200 bản, dành tặng những bạn yêu sách. Tất cả các cuốn sách đều có triện đỏ và chữ kí trực tiếp của tác giả.

Cuốn tiểu thuyết kể về hành trình của nhân vật "tôi" đi tìm chính mình trong cuộc sống đầy khắc nghiệt. Một chàng trai 26 tuổi không tên, không thể đi lại được vì một tai nạn thảm khốc. Ngồi một chỗ trên chiếc giường được ba mẹ thiết kế đặc biệt với kệ sách chứa đầy các thể loại được đánh số thứ tự ngẫu nhiên. Khung cửa sổ màu xanh là nơi duy nhất đưa nhân vật "tôi" giao tiếp với thế giới bên ngoài. Với lối viết tiểu thuyết hư cấu, những dòng kí ức, sự ám ảnh đầy ma quái, lúc hư lúc thực đã khắc họa nhân vật dị biệt “tôi” với những đấu tranh, giằng xé nội tâm, từ những ám ảnh của kí ức, những tưởng tượng về các nhân vật như: ông lão với chiếc ba lô căng phồng, cô gái điếm đem đến cho nhân vật "tôi" dãy số 688.211 bí ẩn, cho đến những giấc mơ hoang đường giữa ban ngày…

“Tưởng tượng và dấu vết” là cuốn tiểu thuyết có xu hướng hiện đại, ngày càng ngắn đi, nhưng nội dung và những vấn đề nóng hổi của đời sống được dồn nén và cô đọng. Thế giới trong cuốn tiểu thuyết là thế giới của thực và ảo đan xen. Những bí mật của người kể chuyện và các nhân vật xung quanh cứ đeo đuổi nhau, như trốn tìm, làm người đọc tò mò, khắc khoải không đoán định được. Và cuối cùng, khi kết thúc cũng là lúc cả nhân vật “tôi” dị biệt và độc giả, theo đó, cũng phải tự tìm câu trả lời cho chính mình.

“Tưởng tượng và dấu vết” là lối đi mới của nhà văn Uông Triều. Tác phẩm đã khắc họa một thế giới với những vấn đề hiện thực và nhức nhối của con người, đó là: Cuộc sống càng văn minh, hiện đại nhưng guồng quay của con người thì xô bồ, họ không có thời gian quan tâm nhau; sự vô tình, vô cảm luôn hiện hữu. Trước thực tế đó, mỗi người cần đi tìm ý nghĩa cuộc sống đích thực của chính mình. Dù bạn là quỷ dữ hay thiên thần thì bạn hãy cứ sống bằng con người thực của mình. Đó là ý nghĩa chủ đạo mà nhà văn muốn nhắn gửi đến độc giả thông qua tác phẩm này.

An Lê